Ông Navalny phải nhận mức án 2 năm 8 tháng tù giam vì vi phạm các điều khoản của lệnh ân xá. (Nguồn: Reuters) |
Một nhà báo của AFP tại phiên tòa cho biết, thẩm phán Natalya Repnikova đã đưa ra án phạt giam giữ 2 năm 8 tháng thay cho bản án 3 năm 6 tháng tù treo được áp dụng đối với ông Navalny vào năm 2014.
Nhóm hậu thuẫn cho ông Navalny đã ngay lập tức kêu gọi những người ủng hộ tổ chức biểu tình ở trung tâm Moscow.
Phản ứng với bản án trên, cùng ngày, tân Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định: "Mỹ vô cùng quan ngại trước quyết định của chính quyền Nga khi đưa ra mức án tù 2 năm 8 tháng đối với nhà đối lập Navalny”.
Ngoài ra, ông Blinken cũng cho biết, ngay cả khi hợp tác với Nga để thúc đẩy các lợi ích của mình, Mỹ sẽ phối hợp chặt chẽ với các đồng minh và đối tác nhằm buộc Nga phải chịu trách nhiệm vì đã không duy trì các quyền công dân.
Trong khi đó, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cũng chỉ trích việc Nga bỏ tù ông Navalny.
Ông Josep Borrell viết trên twitter rằng: "Việc tuyên án đối với ông Alexei Navalny đi ngược lại các cam kết quốc tế của Nga về pháp quyền và các quyền tự do cơ bản... Tôi kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho ông ta".
Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng ngày đã yêu cầu thả ngay lập tức ông Alexei Navalny.
Trên twitter, ông Macron viết: "Lời kết tội đối với ông Alexei Navalny là không thể chấp nhận được... Bất đồng chính trị không bao giờ là một tội ác. Chúng tôi kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho ông ấy. Sự tôn trọng nhân quyền và tự do dân chủ là không thể thương lượng".
Cùng quan điểm, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab kêu gọi "thả ngay lập tức và vô điều kiện ông Alexei Navalny cùng tất cả những người biểu tình phản đối ôn hòa, những nhà báo đã bị bắt giữ trong 2 tuần qua".
Về phía Đức, quốc gia đang có hợp tác với Nga liên quan dự án đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2, cùng ngày, Ngoại trưởng Heiko Maas cũng kêu gọi Nga phóng thích nhân vật chỉ trích Điện Kremlin này.
Trên Twitter, Ngoại trưởng Maas viết: "Phán quyết đối với ông Alexei Navalny là một đòn cay độc nhằm vào các quyền tự do và pháp quyền được thiết lập vững chắc ở Nga. Ông Alexei Navalny cần phải được phóng thích ngay lập tức".
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer cũng chỉ trích gay gắt việc Nga tuyên phạt tù ông Navalny và phóng thích người này.
Đáp lại những phản ứng trên, cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh: "Không cần phải can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền", đồng thời cho rằng, "những yêu cầu của các đồng nghiệp phương Tây" là "không thực tế".
Bà Maria Zakharova cũng lưu ý, Nga sẽ phản ứng trước mọi trường hợp các sứ quán nước ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của nước này, khẳng định "các biện pháp này đã được xúc tiến. Chúng tôi sẽ làm và làm với mọi trường hợp”.
Ngày 2/2, trong phiên tòa xét xử thủ lĩnh đối lập Alexei Navalny, khoảng 20 nhân viên các đại sứ quán đã quyết định tham dự phiên tòa, gồm Mỹ, Áo, Latvia, Ba Lan, Thụy Sỹ, Bulgaria... Hàng chục nhà báo cũng tác nghiệp trong và ngoài tòa nhà.
Người phát ngôn Zakharova cho rằng, sự hiện diện của các nhà ngoại giao nước ngoài tại phiên tòa xét xử công dân Nga là can thiệp vào công việc nội bộ của Nga.
Cập nhật thông tin về Covid-19 trên thế giới và Việt Nam tại đây