Edward Snowden. |
Ngay sau khi biết được nơi ẩn náu của Snowden, Washington đã yêu cầu Hong Kong và sau đó là Moscow bắt giữ và trục xuất Snowden về Mỹ để chịu phán xét của tòa án nước này. Tuy nhiên, chính quyền Hong Kong cho rằng yêu cầu dẫn độ của Mỹ không đủ cơ sở pháp lý và đã cho phép Snowden đi đến Nga để quá cảnh sang một quốc gia nào đó “sẵn sàng” cho Snowden tỵ nạn chính trị. Đáng chú ý là sau khi đến Moscow, Snowden không thể bay tiếp vì hộ chiếu đã bị Mỹ hủy và chưa có nước nào trong 21 quốc gia nhận đơn xin tị nạn của Snowden lên tiếng chấp thuận nhân vật này.
Mỹ cho rằng Bắc Kinh đã đứng sau quyết định của Hong Kong và đe dọa vụ việc sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ Mỹ-Trung. Trong khi đó, Mỹ lưu ý Nga về việc hai năm qua Mỹ đã bắt giữ và giao cho Nga 7 can phạm theo yêu cầu của Nga.
Trung Quốc cho rằng “những lời buộc tội” của Mỹ là vô căn cứ và rằng Mỹ “nợ một lời xin lỗi đối với Trung Quốc và những nước mà Mỹ đã do thám.” Còn Tổng thống Nga V. Putin gọi Snowden và Julian Assange, người sáng lập ra mạng Wikileaks là “những nhà hoạt động nhân quyền”.
Trước phản ứng của Nga và Trung Quốc, Chính quyền Obama đã buộc phải dịu giọng và nói Mỹ không muốn “đối đầu” và sẽ không làm hỏng quan hệ với Trung Quốc chỉ vì một gián điệp mạng. Tuy chưa đến hồi kết, nhưng nhiều khả năng vụ Snowden khó có thể làm ảnh hưởng lâu dài đến quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc và Nga vì một số nguyên nhân sau :
Thứ nhất, những tiết lộ thông tin mật của Snowden khó có thể gây thêm thiệt hại đáng kể cho Mỹ. Snowden thú nhận rằng anh ta còn nắm trong tay hơn 200 tài liệu mật nhưng nhiều khả năng các thông tin này sẽ chẳng cho biết thêm những gì Nga và Trung Quốc đã biết về Mỹ. Điều quan trọng hơn cả là Nga và Trung Quốc sử dụng lời tố cáo của Snowden là Mỹ cũng do thám hai nước này để “tố ngược” lại Mỹ chứ không phải chỉ Trung Quốc và Nga do thám Mỹ một chiều.
Thứ hai, quyết định của Nga không làm Mỹ bất ngờ. Cũng giống như Trung Quốc, Nga sử dụng vụ Snowden để bác lại các cáo buộc của Mỹ về vấn đề nhân quyền, do thám, gián điệp mạng, tin tặc… Tổng thống Nga Putin muốn nhắc nhở Mỹ rằng Nga là một đối tác bình đẳng và Mỹ không thể ép buộc Nga tùy thích. Hơn nữa, chính quyền Putin cũng muốn dùng vụ việc để tạo thế và gây sức ép ngược lại Mỹ trong một số vấn đề liên quan đến Nga.
Thứ ba, quyết định của Trung Quốc không nằm ngoài dự đoán. Hành động của Trung Quốc vừa thể hiện sự độc lập trong chính sách đối ngoại vừa là một sự “trả đũa” sau vụ Mỹ cho phép luật sư Trần Quang Thành chạy trốn vào Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh và sau đó tỵ nạn tại Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc không muốn chứa Snowden lâu dài để tránh gây phương hại đến quan hệ Trung-Mỹ vừa được hâm nóng lại sau cuộc gặp giữa Obama và Tập Cận Bình đầu tháng 6 vừa qua tại California, cũng như ảnh hưởng đến cuộc đối thoại kinh tế và chiến lược Trung-Mỹ dự kiến sẽ tổ chức trong hai tuần tới.
Hoàng Văn Long