Vụ tấn công cơ sở lọc dầu tại Saudi Arabia như một hồi chuông cảnh tỉnh cho các nền kinh tế châu Á về việc dự trữ dầu mỏ trong tương lai. (Nguồn: AP) |
Ngày 14/9, hai nhà máy lọc dầu ở Abqaiq và Khurais bị tấn công bằng máy bay không người lái, khiến Saudi Arabia tổn thất 5,7 triệu thùng dầu/ngày, bằng một nửa sản lượng của Saudi Arabia, tương đương gần 6% sản lượng dầu toàn cầu. Các cuộc tấn công đã làm gia tăng căng thẳng tại các điểm nóng trên toàn cầu, giá dầu thế giới tăng đột ngột trong phiên giao dịch ngày 16/9.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) hiện có công suất dự trữ 3,2 triệu thùng/ngày, các nước ngoài OPEC như Mỹ và Nga tạm thời còn dư địa mở rộng sản xuất. Saudi Arabia tuyên bố vẫn còn đủ nguồn cung để duy trì mức xuất khẩu trong vòng 1 tháng. Còn Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đang xem xét việc kích hoạt kế hoạch phản ứng khẩn cấp. Tất cả những nguồn cung này có thể tạm thời làm giảm thiểu tác động của sự gián đoạn nguồn cung dầu từ Saudi Arabia. Song, biến cố này không khỏi khiến giới quan sát lo ngại về tình hình bất ổn của thị trường dầu mỏ trong tương lai.
Theo Giáo sư Jun Arima, trong ngắn hạn, các nước châu Á không nên quá lo lắng, nhưng đây là lời nhắc nhở kịp thời rằng, các nền kinh tế này phải chủ động trong việc bảo vệ nguồn cung cấp nhiên liệu trong trường hợp các cuộc tấn công tương tự hoặc tệ hơn có thể xảy ra.
Vì thế, các nước châu Á phải có một cách nhìn mới về thị trường dầu mỏ vốn dễ bị tổn thương bởi các cú sốc từ bên ngoài.
Theo báo cáo về Triển vọng Năng lượng do ERIA công bố, nhu cầu dầu ở châu Á sẽ tăng gấp 2,5 lần từ năm 2016 đến năm 2040. Vì vậy, sản xuất trong khu vực sẽ không thể theo kịp nhu cầu, nhập khẩu dầu ròng sẽ tăng nhanh và hầu hết, sản lượng dầu nhập khẩu sẽ đến từ khu vực Trung Đông.
Hiện tại, khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhập khẩu 68% dầu thô của Saudi Arabia, trong đó, 16% đến Nhật Bản, một lượng tương tự cập cảng Trung Quốc và 11% tới Ấn Độ. Ngay cả khi tính đến triển vọng nhập khẩu dầu đá phiến từ Mỹ, châu Á cũng sẽ bị tổn thương do sự gián đoạn nguồn cung bởi các yếu tố như thiên tai, xung đột khu vực hay tấn công khủng bố.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia của ERIA cũng nhận định rằng, sự sẵn sàng đáp ứng nhu cầu dầu mỏ của các nước ASEAN là không đủ. Vì vậy, các nước ASEAN nên tăng cường các biện pháp ứng phó khẩn cấp bằng cách phát triển hệ thống cảnh báo sớm, tăng dự trữ, chuẩn bị các biện pháp kiềm chế nhu cầu và chuyển đổi nhiên liệu, thiết lập các thỏa thuận hợp tác khu vực để đối phó với tình huống khẩn cấp.
Theo ông Jun Arima, dự trữ dầu là biện pháp phù hợp nhất để giải quyết vấn đề an ninh và khả năng phục hồi nguồn cung dầu. Một chính sách rộng hơn không chỉ bao gồm cải thiện cơ sở hạ tầng liên quan đến dầu mỏ như xây dựng các nhà máy lọc dầu và đường ống, mà còn bao gồm cả việc bổ sung các cơ sở hạ tầng xã hội nói chung như đường và cảng.
Việc phát triển các biện pháp ứng phó là một quá trình mất nhiều thời gian, vì vậy chính phủ ở các nước thành viên ASEAN nên bắt đầu trước khi có một sự gián đoạn nguồn cung khác có thể xảy ra.
"Đặc biệt, châu Á là trung tâm về tăng trưởng nhu cầu năng lượng trong tương lai. Do sự phụ thuộc dầu mỏ vào khu vực Trung Đông, với tình hình địa chính trị khó lường, yêu cầu chuẩn bị các phương án đối phó khẩn cấp từ châu Á là vô cùng cần thiết. Cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở Saudi Arabia sẽ là một hồi chuông cảnh tỉnh cho các nền kinh tế châu Á về việc dự trữ dầu mỏ trong tương lai", chuyên gia Jun Arima nhấn mạnh.