📞

Vùng biển nguy hiểm nhất thế giới

11:28 | 13/10/2008
Vịnh Aden nằm trong vùng biển Ảrập giữa Yemen và Somalia ở Sừng châu Phi. Đây là tuyến đường thủy huyết mạch, nối châu Á với châu Âu và Mỹ. Mỗi ngày có tới 3,3 triệu thùng dầu thô (chiếm gần 4% nhu cầu toàn cầu) được vận chuyển qua đây tới kênh đào Suez hoặc các cơ sở lọc dầu khu vực. Ngoài ra, còn hàng triệu tấn hàng hoá giao thương giữa các nước.

“Bắt tay” cướp biển

 

Tuy nhiên, từ đầu tháng 9 tới nay, hoạt động của tàu thuyền qua lại vịnh Aden gần như bị tê liệt bởi nạn cướp biển gia tăng chưa từng có. 17 tàu lbị bắt cóc đòi tiền chuộc chỉ trong nửa đầu tháng 9 (so với 10 vụ cả năm 2007) đã làm cho vịnh Aden đoạt danh hiệu Vùng biển nguy hiểm nhất thế giới, thay cho eo biển Malacca.

 

Thủ phạm được xác định là các nhóm cướp biển Somalia với khoảng 1.000 tên. Được tổ chức thành từng nhóm 15-20 người, bọn hải tặc được trang bị từ hoả tiễn, đại liên cho tới AK47. Khi phát hiện “con mồi”, chúng sử dụng xuồng cao tốc gắn theo tàu lớn để tấn công. Tuy chưa gây thiệt hại lớn về người, nhưng theo những con tin đã được giải thoát, cướp biển Somalia rất hiếu chiến, sẵn sàng nổ súng nếu bị chống cự.

 

Tính kế lâu dài, bọn cướp biển còn xây dựng căn cứ làm nơi ăn, ở và cất giấu tang vật. Maria Vijayan, một thủy thủ Ấn Độ từng bị cướp biển cầm giữ 174 ngày, cho biết có một căn cứ địa của hàng trăm hải tặc cùng gia đình ở thị trấn Harardheere, cách Thủ đô Mogadishu của Somalia chừng 400 km về phía Bắc. Một căn cứ khác nằm trong khu vực cảng Eyl (Somalia), chuyên tập trung các tàu do cướp biển bắt giữ.

 

Tính tới cuối tháng 9, cướp biển vịnh Aden đang cầm giữ 11 tàu và hơn 250 thủy thủ. Mỗi tàu chúng lấy từ 2-9 triệu USD tiền chuộc. Ban đầu, bọn cướp thường đòi tiền chuộc rất cao, sau hạ dần. Đơn cử như vụ bắt cóc tàu Faina chở xe tăng từ Ukraine đến Kenya vừa qua, chúng đòi tới 35 triệu USD, sau giảm xuống còn 5 triệu USD. Những con số này không thấm tháp gì so với hàng trăm triệu USD trị giá hàng hoá và tàu chuyên chở. Đó cũng là lý do mà nhiều chủ hàng “ngậm đắng nuốt cay” ngồi vào bàn đàm phán với cướp biển.

 

“Con giun xéo mãi cũng oằn”

 

Ngày 18/9, các hãng vận tải thủy hàng đầu thế giới như BIMCO, Intercargo cùng với Hiệp hội Lao động Vận tải Quốc tế đã gửi thư kêu cứu lên LHQ, kêu gọi Chính phủ các nước liên quan phải “có hành động kịp thời”.

 

Trước tình hình trên, Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua Nghị quyết cho phép các tàu hải quân vào vùng biển Somalia để trấn áp cướp biển “bằng mọi biện pháp cần thiết”. Chính phủ các nước vào cuộc. Tư lệnh Hải quân Nga, Đô đốc Vladimir Vysotsky cho biết Nga sẽ điều động tàu chiến tới vùng biển Somalia không chỉ giải cứu đoàn thủy thủ tàu Faina 21 người (trong đó có 3 thuỷ thủ Nga), mà còn tham gia vào cuộc chiến chống hải tặc ở vịnh Aden thời gian tới. Vụ tàu Faina cũng kéo các nước Ukraine, Somalia, Nga, Mỹ và Anh ngồi lại với nhau bàn cách đối phó với bọn cướp biển. Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Howard của Hạm đội 5 Hải quân Mỹ cũng đã tới vùng vịnh Aden để tìm cách giải cứu Faina.

 

Ngoài ra, Chính phủ có nạn nhân bị bắt cóc cũng triển khai các hoạt động riêng. Ngày 15/9, Pháp tổ chức đội biệt kích nhảy dù xuống địa điểm neo đậu của cướp biển Somalia, tấn công và giải cứu thành công vợ chồng công dân Pháp Jean-Yves và Bernadette Delanne. Ngày 20/9, Ấn Độ, nước cung cấp nhân lực hàng hải nhiều nhất thế giới, công bố kế hoạch tuần tra trên vịnh Aden cùng với các quốc gia khác. Yemen và Oman, hai quốc gia vùng vịnh Aden, cũng đã thoả thuận thành lập Trung tâm khu vực chống cướp biển. Ngoại trưởng các nước EU cũng họp tại Brussels (Bỉ) nhằm thành lập nhóm giải quyết các vụ cướp biển tương lai. Tuy mới chỉ dừng ở mức chia sẻ, trao đổi thông tin, nhưng có thể hy vọng vào những hành động quyết liệt thời gian tới.

 

Tuy nhiên, những sức ép mà các nước tạo ra dường như không ảnh hưởng đến hải tặc. Nhóm cướp tàu Faina tuyên bố sẽ “tử thủ” nếu bị dồn đến đường cùng. Với thành phần toàn những thanh thiếu niên mù chữ, từng tham gia vào cuộc nội chiến đẫm máu ở Somalia, những tên chỉ huy cướp biển chắc không đe doạ suông. Tính mạng của hơn 250 thuỷ thủ đang bị cầm giữ rất nguy hiểm nếu các biện pháp dùng bạo lực không đạt kết quả như mong muốn.    

 

Tuấn Minh (Theo Asia News, Arab Times và CNN)