Sản xuất thiết bị điện tử tại Nhà máy S-Việt Nam của Tập đoàn Foxconn, Khu công nghiệp Đông Mai, Quảng Ninh. (Nguồn: BQN) |
Tăng trưởng kinh tế khả quan
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 6 tháng đầu năm 2021 của Quảng Ninh ước tăng 8,02%, đứng thứ 4 so với các tỉnh, thành phố trong Vùng đồng bằng Sông Hồng, cao hơn 3,76 điểm % so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,02%, cao hơn 0,92 điểm % so với cùng kỳ năm 2020, vượt 0,28 điểm % so với chỉ tiêu kịch bản; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 9,64%, mức tăng cao hơn 1,13 điểm % so với cùng kỳ năm 2020, tăng 0,54 điểm % so với kịch bản; khu vực dịch vụ tăng 7%, thấp hơn 3,9 điểm % so với kịch bản; thuế sản phẩm tăng 5,05%, thấp hơn 4,06 điểm % so với cùng kỳ năm 2020, thấp hơn 3,38 điểm % so với chỉ tiêu kịch bản.
Lĩnh vực công nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng cao của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm tỷ trọng lớn thứ ba trong nền kinh tế của tỉnh (chiếm 11,7%), tăng 38,95% so cùng kỳ, vượt 17,6% so kịch bản, đóng góp 3,74 điểm % trong tốc độ tăng trưởng GRDP.
Đặc biệt, trong điều kiện khó khăn của dịch Covid-19, Quảng Ninh vẫn thu hút được số lượng lớn nguồn vốn ngoài ngân sách. Tổng vốn ngoài ngân sách đầu tư trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm đạt 269.497 tỷ đồng, gấp 5 lần kịch bản đề ra.
Trong đó, tỉnh Quảng Ninh đã cấp mới và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 21 dự án có vốn đăng ký là 27.401 tỷ đồng; phê duyệt mới và điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 28 dự án, với tổng vốn đăng ký là 242.546 tỷ đồng. Một số dự án tiêu biểu như: dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam; dự án khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh; dự án nhà máy sản xuất công cụ y khoa tại xã Quảng Phong, huyện Hải Hà…
Tin liên quan |
Phát huy bài học lội ngược dòng năm 2020, Quảng Ninh quyết thắng Covid-19, phục hồi kinh tế toàn diện |
Quảng Ninh đã bảo đảm giữ vững vị trí đứng đầu toàn quốc trong bảng xếp hạng 4 chỉ số là PCI, PAPI, PAR Index, SIPAS.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 6/2021 đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm, ông Nguyễn Tường Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh, Tỉnh quyết tâm không thay đổi chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 trên 2 con số. Trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế của tỉnh mới đạt 8,02%, do vậy, trong 6 tháng cuối năm phải đảm bảo tăng trưởng kinh tế trên 11,78%, để đến hết năm mới đạt kế hoạch.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Để đảm bảo hoàn thành “mục tiêu kép”, cùng với công tác phòng, chống dịch Covid-19, việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là cấp bách và ưu tiên hàng đầu của Quảng Ninh.
Tại kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh Khóa XIV ngày 18/6, HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Nghị quyết số 316/2020/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 về một số giải pháp hỗ trợ kích cầu du lịch tỉnh Quảng Ninh năm 2021.
Trong đó, thống nhất miễn phí 100% vé tham quan Vịnh Hạ Long, Yên Tử và Bảo tàng Quảng Ninh đến hết năm 2021, thay cho việc chỉ miễn phí 100% vé tham quan tại các điểm du lịch trên vào các ngày lễ, tết trước đây. Điều này góp phần gỡ khó cho các doanh nghiệp dịch vụ, du lịch.
Nhằm phát huy vai trò trụ cột khu vực công nghiệp - xây dựng trong tăng trưởng kinh tế, Quảng Ninh sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho ngành than đạt mức tối đa sản lượng khai thác, tiêu thụ, xuất - nhập khẩu đảm bảo hoàn thành mục tiêu sản xuất trên 45,5 triệu tấn than trong năm 2021; kiến nghị với Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam nâng công suất phát điện cho các nhà máy nhiệt điện đảm bảo mục tiêu tăng trưởng; sớm khởi công dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh trong quý III/2021.
Cùng với đó, Quảng Ninh tiếp tục thu hút các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo biến các lĩnh vực trên thực sự là động lực tăng trưởng; nâng cao hiệu quả kinh tế, phát huy vai trò động lực của các khu công nghiệp, khu kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng GRDP; sớm hoàn chỉnh thủ tục để cấp và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư khoảng 13 dự án tại các khu công nghiệp, khu kinh tế.
Quảng Ninh cũng sẽ sớm triển khai thu hút các nhà đầu tư chiến lược về đầu tư hạ tầng cảng biển gắn với các dịch vụ hỗ trợ logistics; đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu công nghiệp cảng biển Nam Tiền Phong, Bắc Tiền Phong, Đầm Nhà Mạc, Hải Hà, Vạn Ninh; nạo vét luồng sông Chanh…; qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp về hạ tầng, dịch vụ và logistics.
Để tạo nền tảng cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh và phát triển, Quảng Ninh sẽ đẩy nhanh tiến độ lập và phê duyệt các quy hoạch theo phương châm kết hợp “làm từ trên xuống”, “làm từ dưới lên”, “làm đồng thời” như: Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch khu kinh tế ven biển Quảng Yên...
Ông Hoàng Trung Kiên, Phó trưởng Ban Quản lý khu kinh tế Quảng Ninh cho hay, tỉnh đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đầu tư hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế theo hướng đồng bộ, hiện đại; đồng thời nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách đủ hấp dẫn, thúc đẩy phát triển hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế; các chính sách đầu tư xây dựng các tiện ích xã hội, nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động và chính sách thu hút, đào tạo nguồn lao động chất lượng cao phục vụ cho khu công nghiệp, khu kinh tế.
Đồng hành cùng doanh nghiệp, tỉnh sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Chính quyền các địa phương và ngành của tỉnh tập trung giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế, để sớm bàn giao mặt bằng sạch cho các nhà đầu tư khởi công triển khai dự án.
Năm 2021 là năm đầu thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Vì vậy, Quảng Ninh đã và đang nỗ lực “giữ vững địa bàn an toàn và đà tăng trưởng trong trạng thái bình thường mới; đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy liên kết vùng”; từ đó, xây dựng phát triển Quảng Ninh là tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại vào năm 2030.