Singapore lọt vào top 5 của ba trên bốn hạng mục quan trọng được đánh giá. (Nguồn: Channel News Asia) |
Nhóm IMD World cho biết, việc Singapore trở lại vị trí hàng đầu (lần đầu tiên năm 2010) là do cơ sở hạ tầng công nghệ tiên tiến, lực lượng lao động lành nghề, luật nhập cư thuận lợi và các biện pháp hiệu quả để thành lập doanh nghiệp mới.
Trong số bốn hạng mục quan trọng được đánh giá, Singapore lọt vào top 5 của ba hạng mục. Đó là: hiệu quả kinh tế (xếp thứ 5), hiệu quả của chính phủ (xếp thứ 3) và hiệu quả kinh doanh (xếp thứ 5). Đối với hạng mục cơ sở hạ tầng cuối cùng, Singapore được xếp thứ 6.
Hong Kong (Trung Quốc) - nền kinh tế châu Á duy nhất trong top 10, giữ vị trí thứ hai trong danh sách này. Theo nhóm nghiên cứu, Hong Kong được đánh giá cao là do môi trường chính sách thuế và kinh doanh lành tính.
Còn với Mỹ, nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giiớ 2018, năm nay đã trượt xuống vị trí thứ ba. Các nhà nghiên cứu cho biết, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng bị ảnh hưởng bởi giá nhiên liệu cao hơn, xuất khẩu công nghệ cao yếu hơn và biến động về giá trị của đồng USD Mỹ.
Nhận xét về báo cáo trên, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore Chan Chun Sing cho biết, đây là tín hiệu đáng khích lệ. Tuy nhiên, Singapore vẫn phải kiên trì với những nỗ lực của mình để tạo cơ hội cho người dân và doanh nghiệp. Để Singapore luôn đi đầu trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt trên toàn cầu, quốc gia này phải tiếp tục có được những nguyên tắc cơ bản.
Bên cạnh đó, Singapore phải tiếp tục đa dạng hóa các mối liên kết với nhiều thị trường hơn, luôn cởi mở sẵn sàng tiếp thu những đổi mới về công nghệ và tài chính. "Singapore cần cho phép doanh nghiệp tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn và tăng quy mô, đảm bảo công nhân, nguồn nhân lực phải được trang bị các kỹ năng - không chỉ cho các công việc của này hôm nay, mà cả các công việc của ngày mai", ông Chan Chun Sing nói.
Ngoài ra, ông Chan Chun Sing cho biết, Singapore không thể đủ khả năng để cạnh tranh về chi phí hoặc quy mô, vì vậy, nên tập trung vào kết nối, chất lượng và sáng tạo. "Đất nước cũng sẽ cần phải tận dụng thương hiệu, niềm tin của bạn bè thập phương và tiếp tục là một bến cảng an toàn cho quan hệ đối tác và hợp tác", Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp nói thêm.
Cũng trong bảng xếp hạng 63 quốc gia và vùng lãnh thổ năm nay, các nền kinh tế châu Á nổi lên như một "ngọn hải đăng" về khả năng cạnh tranh.
Chẳng hạn, Indonesia (thứ 32) đã vượt qua 11 điểm nhờ hiệu quả hoạt động tăng trong khu vực chính phủ, cũng như điều kiện kinh doanh và cơ sở hạ tầng tốt hơn. Thái Lan (thứ 25) tiến lên 5 bậc, được thúc đẩy bởi sự gia tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài và năng suất.
Trong khi đó, Đài Loan (Trung Quốc) xếp thứ 16, Ấn Độ (thứ 43) và Philippines (thứ 46) cũng có những sự cải thiện nhất định.