Ngân hàng Thế giới cảnh báo các nước đang phát triển cần hồi phục nền kinh tế đủ nhanh nếu không muốn rơi vào suy thoái sâu hơn. (Nguồn: Reuters) |
Trong bài viết trên blog chính thức của WB, các quan chức cho biết kịch bản sơ bộ dự báo kinh tế ở các nước đang phát triển sẽ giảm 2% trong năm nay, đánh dấu lần suy giảm đầu tiên ở các nền kinh tế này kể từ năm 1960 và đảo ngược so với mức tăng trưởng trung bình 4,6% suốt 60 năm qua.
Theo bà Ceyla Pazarbasioglu, Phó Chủ tịch của bộ phận Tăng trưởng công bằng thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG) và ông Ayhan Kose, Giám đốc của bộ phận Triển vọng Phát triển, ngay cả khi các biện pháp kiểm soát dịch trong 3 tháng qua có hiệu quả trong việc ngăn chặn đại dịch lây lan, các nhà đầu tư và hộ gia đình vẫn có thể còn nhiều lo ngại, hay thậm chí chuỗi cung ứng địa phương hoặc toàn cầu có thể không hồi phục.
Trong kịch bản như vậy, tác động của dịch bệnh đến sản lượng toàn cầu sẽ lớn hơn. Khi đó, các nền kinh tế đang phát triển sẽ suy thoái sâu hơn và có thể suy giảm gần 3%.
Đánh giá của WB cho thấy, các quốc gia thuộc nhóm đang phát triển có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch Covid-19, vì thiếu hệ thống y tế đủ mạnh, trong khi số lượng người dân nghèo cùng cực lại lớn hơn.
Do vậy, các quan chức WB kêu gọi những quốc gia giàu có, các tổ chức và khu vực tư nhân nên đưa ra nhiều biện pháp hơn so với hiện tại để giúp các nước đang phát triển quản lý ứng phó với đại dịch, đẩy nhanh quá trình phục hồi và ngăn chặn khủng hoảng khả năng thanh toán nợ của những nước này.
WBG và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cam kết chi ra những khoản hỗ trợ rất lớn để giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng. Tuần trước, Nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã đồng ý đình chỉ yêu cầu thanh toán nợ song phương chính thức cho các nước nghèo nhất.
Tuy nhiên, các tác giả cảnh báo nếu quy mô của các chính sách phản ứng không tương xứng với quy mô của cuộc khủng hoảng hiện nay, thiệt hại từ dịch bệnh sau này sẽ lại đòi hỏi những nỗ lực lớn hơn nhiều.