Trong báo cáo mới nhất, WB nhận định, thách thức chủ đạo đối với các chính sách của Trung Quốc là việc quản lý rủi ro liên quan đến vấn đề thương mại, trong khi vẫn duy trì các nỗ lực nhằm hạn chế rủi ro tài chính.
Tiêu dùng sẽ vẫn là động lực chính của nền kinh tế Trung Quốc, trong bối cảnh đà tăng trưởng tín dụng yếu đi và ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư tại nước này. Ngoài ra, nhu cầu thế giới “hạ nhiệt” cùng các biện pháp thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc cũng tác động nhiều tới hoạt động xuất khẩu của quốc gia châu Á này.
Theo WB, để kích thích nền kinh tế, chính sách tài khóa có thể tập trung vào việc thúc đẩy chi tiêu hộ gia đình thay vì hướng vào cơ sở hạ tầng công cộng. WB cũng cho biết thêm rằng Trung Quốc còn "dư địa" để có thể giảm thuế kinh doanh hơn nữa.
Trước đó, Bắc Kinh đã cam kết cắt giảm thuế mạnh mẽ hơn vào năm tới. Song động thái này đã làm dấy lên cuộc tranh luận giữa các nhà kinh tế Trung Quốc về việc liệu nước này có nên mở rộng thâm hụt ngân sách tài chính vượt quá mức tương đương 3% GDP vào năm tới hay không.
Tiêu dùng sẽ vẫn là động lực chính của nền kinh tế Trung Quốc. (Nguồn: VnEconomy) |
Ngoài ra, WB cũng đề cập đến việc trong khi Trung Quốc tiếp tục tiến hành đàm phán thương mại với Mỹ, quốc gia châu Á này vẫn nên nỗ lực giải quyết những quan ngại của các đối tác thương mại về vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ.
Chính phủ Trung Quốc trong những tháng gần đây đã đưa ra một loạt các biện pháp chính sách, bao gồm cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng để thúc đẩy hoạt động cho vay, cắt giảm thuế và các bước đẩy nhanh các dự án phát triển cơ sở hạ tầng.
Mới đây nhất, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC) ngày 19/12 đã đưa ra một công cụ cho vay mới có tên cơ chế cho vay trung hạn có xác định mục tiêu (Targeted Medium-term Lending Facility - TMLF) nhằm đảm bảo nguồn vốn dài hạn ổn định để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và thuộc lĩnh vực tư nhân. TMLF có thời gian đáo hạn tối đa ba năm và lãi suất hàng năm là 3,15%, thấp hơn mức công cụ cho vay trung hạn (MLF) hiện tại là 15 điểm cơ bản.
Nhịp độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất châu Á đã giảm xuống 6,5% trong quý 3/2918, mức yếu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 đến nay. Đã có những dấu hiệu cho thấy, động lực tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc có thể sẽ yếu đi trong quý IV/2018 và năm tới, với số liệu tuần trước cho thấy sản lượng chế tạo và doanh số bán lẻ của nước này trong tháng 11 đã bất ngờ giảm.