Trong một thông báo đưa ra ngày 26/9, WEF nhấn mạnh: "Khả năng cạnh tranh đã được tăng cường, không hề bị suy yếu do sự phối hợp giữa tính linh hoạt của lực lượng lao động với chính sách bảo vệ quyền lợi người lao động một cách thỏa đáng".
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Nguồn: AFP) |
Báo cáo của WEF được đưa ra sau thời điểm Tổng thống Macron ký ban hành luật cải cách lao động nhằm giúp các chủ doanh nghiệp linh hoạt hơn khi đàm phán về lương và điều kiện làm việc với người lao động, trong khi cho phép người sử dụng lao động dễ dàng hơn khi sa thải nhân công.
Đây là một trong những kế hoạch cải tổ sâu rộng nhằm tự do hóa nền kinh tế mà Tổng thống Macron theo đuổi nhằm thúc đẩy tăng trưởng và đảo chiều xu thế thất nghiệp gia tăng hiện nay. Những biện pháp này được cộng đồng doanh nghiệp và các đối tác của Pháp tích cực hoan nghênh, song vấp phải sự phản đối của các tổ chức công đoàn và người lao động Pháp. Pháp hiện đã tụt xuống vị trí thứ 22 về Chỉ số Năng lực cạnh tranh (GCI), giảm 1 bậc so với năm 2016.
Trao đổi với báo giới, Trưởng ban nghiên cứu về tương lai phát triển kinh tế, Thierry Geiger cho biết: "Tôi nghĩ rằng, trong trường hợp của Pháp, những gì chúng ta thấy là sự quá cứng nhắc trong thị trường lao động, và trong thời kì có nhiều thay đổi nhanh chóng hiện nay, điều này đã ngăn cản sự phát triển của nền kinh tế. Chúng tôi ủng hộ tính linh hoạt nhưng cần kết hợp với một mạng lưới an toàn".
Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu là báo cáo thường niên do WEF thực hiện, công bố lần đầu vào năm 1979. Dựa trên kết quả nghiên cứu hàng chục chỉ số tại các quốc gia, báo cáo năm nay đã đưa ra đánh giá về triển vọng tăng trưởng tại mỗi quốc gia. Theo đó, Thụy Sĩ hiện vẫn ở tốp đầu trong danh sách triển vọng tăng trưởng năm 2017, trong khi đó, Mỹ, Singapore, Hà Lan và Đức tiếp tục duy trì trong top 5.