WHO cảnh báo thiếu niên quá ít vận động thể chất. (Nguồn:: ASN) |
Trẻ vị thành niên trên khắp thế giới đang làm tổn hại sức khỏe hiện tại và tương lai do không tập thể dục đủ để giảm nguy cơ béo phì và các bệnh tim mạch. Đó là kết quả nghiên cứu mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa công bố, cảnh báo những nguy hại do lười vận động ở lứa tuổi học sinh, sinh viên.
Công trình nghiên cứu dựa trên dữ liệu thu thập đối với 1,6 triệu trẻ vị thành niên từ 146 quốc gia đang đi học, có độ tuổi từ 11-17. Nghiên cứu cho thấy, hơn 80% thiếu niên không đáp ứng đúng khuyến nghị dành ít nhất 1 giờ vận động thể chất mỗi ngày.
Đây là thời lượng tập thể dục tối thiểu mà mỗi thiếu niên cần làm để có những lợi ích về sức khỏe, trong đó sẽ giúp cải thiện tim mạch, phổi, tốt cho cơ, xương cũng như tác động tích cực đến cân nặng và những lợi ích khi đến tuổi trưởng thành.
Theo hướng dẫn của WHO, tập thể dục, chơi thể thao ít nhất 1h mỗi ngày cũng cải thiện được sức khỏe tâm thần, tăng cường sự phát triển về nhận thức và kỹ năng xã hội.
Các số liệu cho thấy, tỷ lệ thiếu niên không tập thể dục đủ khá cao, dao động từ 66% ở Bangladesh đến 94% ở Hàn Quốc. Khoảng cách về giới cũng là vấn đề lo ngại. Tỷ lệ các nam thiếu niên đáp ứng thời gian tập thể dục theo khuyến cáo cũng cao hơn nữ sinh.
Tại Mỹ, trong năm 2016, tỷ lệ lười vận động ở nữ sinh là 81%, trong khi ở nam sinh là 64%. Các chuyên gia kêu gọi các nhà hoạch định trên thế giới cần hành động và có các chính sách mới.
Tiến sỹ Regina Guthold, thuộc WHO, đứng đầu công trình nghiên cứu cho biết: “Học sinh cần tập thể dục mỗi ngày, đó có thể là trò chơi vận động, có thể là đi bộ, hay đạp xe đến trường, có thể là bài học về giáo dục thể chất. Bất kể là hoạt động nào, các em cũng cần phải có 60 phút hoạt động thể chất.
Tôi biết một số nước đã nỗ lực nâng cao mức độ vận động thể chất cho học sinh nhưng mặt khác công nghệ số với các trò chơi thụ động trên điện thoại, máy tính bảng đang lấn át các hoạt động mang tính chất vận động”.