WHO đang nghiên cứu tất cả các bằng chứng để xem tác dụng của việc đeo khẩu trang đối với đại dịch lúc này. (Nguồn: Euronew) |
Trong một cuộc họp báo tại Geneva, Giám đốc điều hành chương trình khẩn cấp y tế của WHO - ông Mike Ryan cho rằng, virus SARS-CoV-2 có khả năng lây truyền trong không khí, nhưng nguyên nhân lây nhiễm chính vẫn là do những người bị bệnh với các triệu chứng ho, hắt hơi và làm lây nhiễm qua bề mặt hoặc người khác.
Ông Mike Ryan nhấn mạnh, cần phải dành khẩu trang bảo hộ y tế cho các nhân viên tuyến đầu, nhưng ý tưởng sử dụng tấm che hô hấp hoặc che miệng để ngăn ngừa ho hoặc hắt hơi ra môi trường và người khác là một ý tưởng không tồi.
Ngoài ra, ông Ryan cũng thừa nhận "một cuộc tranh luận rất quan trọng" về việc đeo khẩu trang. Ông nói: “WHO đang nghiên cứu tất cả các bằng chứng để xem tác dụng của việc đeo khẩu trang đối với đại dịch lúc này”. Chuyên gia của WHO nhấn mạnh việc sử dụng khẩu trang, khẩu trang tự chế hoặc khẩu trang vải ở cấp độ cộng đồng có thể giúp ích trong một phản ứng toàn diện đối với căn bệnh này.
Theo kết quả nghiên cứu được công bố mới đây trên tạp chí Nature cho thấy, người mắc bệnh sử dụng khẩu trang y tế sẽ làm giảm số lượng các virus cúm phát tán ra môi trường bên ngoài thông qua hơi thở và ho. Giáo sư Benjamin Cowling người đứng đầu nghiên cứu này của WHO phối hợp với Trung tâm nghiên cứu dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại Hongkong, cho biết, những kết quả có thể thấy được từ việc dùng các khẩu trang bằng chất liệu vải cotton đơn giản.
Giáo sư Cowling cho rằng: "Đứng từ góc độ chuyên gia, khẩu trang bằng chất liệu vải hoặc vải cotton đều có tác dụng, có thể ít tác dụng hơn một chút so với loại khẩu trang y tế. Và đối với Covid-19, các nhà nghiên cứu đang xem xét các biện pháp có thể để giúp ngăn chặn bệnh dịch”.