Lễ trao học bổng Sur-Place, ông Kambiz Ghawami mặc áo vest ngoài cùng bên phải. |
Sau chuyến thăm của các quan chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam năm 1988 đến văn phòng WUS tại Wiesbaden, ông Kambiz Ghawami đã trở lại Việt Nam vào năm 1989 và để tìm phương cách cho mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa WUS và Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các Bộ, ngành liên quan khác tại Việt Nam.
WUS có vai trò như một "cánh cửa mở", giúp kết nối các đối tác tại Việt Nam và mạng lưới của WUS tại Đức.
Năm 1990, WUS mở văn phòng tại Việt Nam, do Tiến sĩ Bùi Công Thọ, Vụ quan hệ quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo phụ trách.
Năm 1992, Tiến sĩ Bùi Công Thọ yêu cầu WUS giúp đỡ Đại học Sư phạm kỹ thuật (UTE) tại TP. Hồ Chí Minh tìm một đối tác phù hợp ở Đức tư vấn cho các dự án cải cách và hiện đại hóa. WUS đã giới thiệu bang Baden-Wurttemberg cho dự án này. Trong giai đoạn 1993-2001, bang Baden-Wurttemberg đã tài trợ cho UTE xây dựng Trung tâm Việt - Đức để đào tạo lao động có tay nghề và giáo viên dạy nghề trong các lĩnh vực kỹ thuật kim loại và kỹ thuật điện.
Năm 1993, WUS - Việt Nam và WUS - Đức, với sự tài trợ của Bộ Giáo dục Đại học, Nghiên cứu và Nghệ thuật bang Hessen đã trao học bổng Sur-Place cho 100 sinh viên để học tại một trường đại học Việt Nam. Năm 2014, đánh dấu kỷ niệm 20 năm của chương trình học bổng Sur-Place, số lượng học bổng tăng lên 200 suất. Hiện chương trình này đã có hơn 3.000 cựu sinh viên, trong đó 75% là nữ.
Nhiều hội thảo với các chủ đề khác nhau cũng đã được tiến hành từ năm 1990 tại Việt Nam và Đức.
Từ năm 1993, hơn 180 sinh viên và các học giả tốt nghiệp từ trường đại học Đức đã nhận được từ WUS - với sự tài trợ của Bộ hợp tác và phát triển kinh tế liên bang (BMZ)- các thiết bị làm việc trị giá lên đến 10.000 Euro. Các thiết bị này tạo điều kiện cho những người trở về phát huy tốt nhất kỹ năng mà họ học được tại Đức, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế và xã hội tại Việt Nam.
Năm 2006, ý tưởng về trường Đại học Việt - Đức xuất hiện. Tháng 5/2007, trong chuyến thăm của Tổng thống Đức tới Việt Nam, Đại học Việt-Đức (VGU) đã được ký kết thành lập với sự chứng kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống Horst Kohler.
Vào đầu năm học 2014-15, VGU có 1.000 sinh viên. Thế hệ sinh viên thứ tư của VGU đã tìm được công việc tốt ở các doanh nghiệp Việt Nam và Đức. Đây thực sự là một câu chuyện thành công và WUS tự hào là một phần của câu chuyện này giữa Việt Nam và bang Hessen và giữa Việt Nam và Đức.
Từ năm 2010, WUS bắt đầu chương trình trao đổi thanh niên "Hessen gặp gỡ Việt Nam - Việt Nam gặp gỡ Hessen" với sự tham gia của 100 sinh viên Việt Nam và Hessen ở độ tuổi từ 16 đến 21 năm dưới sự bảo trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục bang Hessen. Cả hai nhóm cùng làm việc thông qua các hội nghị trực tuyến và các chuyến thăm trao đổi để hiểu biết lẫn nhau và đưa ra những ý tưởng cho sự phát triển bền vững. Từ đây, các ý tưởng và tình bạn sâu sắc giữa sinh viên đã được lan truyền...
LÊ VY (ghi)