📞

Xác lập thế đứng thông qua “sức mạnh mềm”

07:47 | 18/12/2013
Kể từ Đại hội Đảng lần thứ XI, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch có thể nói là một bức tranh sáng màu, đa sắc và không ngừng được mở rộng.
Bộ trưởng VH-TH&DL Hoàng Tuấn Anh (giữa), Đại sứ VN tại Italy Nguyễn Hoàng Long trong Lễ khai mạc Những ngày văn hóa Việt Nam tại Italy 2013.

Ngoại giao Văn hóa được triển khai mạnh mẽ và đạt những thành tựu đáng kể, tiếp tục đóng vai trò là một trong ba trụ cột ngoại giao của Nhà nước. Chiến lược ngoại giao văn hóa được Chính phủ phê duyệt đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Bộ Ngoại giao và các tỉnh thành trong cả nước phối hợp triển khai hiệu quả trong hai năm qua. Các hoạt động trong khuôn khổ hợp tác và giao lưu về văn hóa đóng vai trò quảng bá hình ảnh quốc gia và mở đường cho những hợp tác sâu rộng ở nhiều lĩnh vực khác với quốc tế.

Hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được triển khai mạnh mẽ và hiệu quả qua việc dựng tượng Bác tại nhiều quốc gia như Mông Cổ, Philippines, Argentina, Sri Lanka... Ta đã phối hợp với Đảng Cộng sản Pháp tổ chức triển lãm, nói chuyện chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh, xúc tiến công tác xây dựng tượng Bác tại Chile, CH Dominica.... Ta tiếp tục coi trọng phát triển quan hệ với các đảng cộng sản, đảng cánh tả, các đảng cầm quyền và những đảng khác trên toàn thế giới.

Việc ký kết các thỏa thuận hợp tác quốc tế: Coi trọng mở rộng đàm phán, ký kết các văn bản hợp tác với các nước trên thế giới, riêng năm 2012-2013, ở cấp Chính phủ, đã có hơn 40 văn bản điều ước quốc tế, thoả thuận quốc tế, hợp tác quốc tế được ký kết. Trong đó, tiếp tục gia hạn các Chương trình hợp tác văn hóa với các đối tác chiến lược như Nga, Trung Quốc; lần đầu tiên ký Hiệp định hợp tác với các nước Hungary, Hy Lạp, Italy, Kazakhstan, Peru... Bản ghi nhớ thành lập trung tâm Văn hóa giữa Việt Nam với Trung Quốc nhân chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Bản ghi nhớ cấp Chính phủ về Dự án Ngôi nhà Italia nhân chuyến thăm chính thức Italy của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng...

Quán triệt thực hiện tốt sự phối hợp chặt chẽ hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân, giữa ngoại giao chính trị với ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hoá, giữa đối ngoại với quốc phòng, an ninh. Thông qua văn hóa, du lịch thúc đẩy xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. Bộ phối hợp soạn thảo, đàm phán với Trung Quốc thống nhất nội dung và hoàn thiện các thủ tục pháp lý cần thiết để triển khai ký Bản thỏa thuận hợp tác khai thác du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc).

TS. Nguyễn Văn Tình, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch

Quan hệ đối ngoại được mở rộng và ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần tạo ra thế và lực mới của đất nước. Phát triển quan hệ với các nước láng giềng, tăng cường giao lưu văn hóa, du lịch, thể thao ở cấp độ cao hơn với các đối tác chiến lược như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp, Nga... Thông qua các hoạt động quảng bá, giao lưu văn hóa, du lịch, đã góp phần củng cố, phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị truyền thống với Cộng đồng ASEAN và các nước trên thế giới.

Các Tuần văn hóa và Lễ hội du lịch, văn hóa Việt Nam được tổ chức ở nước ngoài với quy mô lớn, đáng chú ý là các sự kiện tại Lào, Campuchia, Pháp, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác nhân dịp kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao đã góp phần quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam, tăng lượng du khách cũng như đưa các mối quan hệ quốc tế vào chiều sâu trên cơ sở phát huy tối đa nội lực, tranh thủ sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc.

Tạo mọi điều kiện cho công tác ngoại giao nhân dân, khuyến khích các cơ sở văn hóa, nghệ thuật chủ động hợp tác với các đối tác quốc tế để tổ chức hoạt động giao lưu văn hóa, biểu diễn nhằm giới thiệu, quảng bá văn hóa, du lịch Việt Nam đến thế giới. Các Trung tâm Văn hóa Việt Nam ở nước ngoài đã và đang phát huy hiệu quả việc kết nối hoạt động đa dạng này.

Công tác đưa văn hóa Việt đến các quốc gia có đông kiều bào Việt để phục vụ đời sống tinh thần cho bà con cũng được coi trọng, đặc biệt ở các quốc gia Đông Âu, Hàn Quốc... Các Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp, Lào đang trở thành hình mẫu hiệu quả cho việc kết nối kiều bào với quê hương và giữ gìn bản sắc Việt trong đời sống kiều bào.

Công tác nghiên cứu, dự báo để triển khai chiến lược ngoại giao văn hoá bước đầu có hệ thống và khoa học, tiếp tục tiến hành xây dựng Đề án Chiến lược phát triển văn hoá đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; chuẩn bị phê duyệt Đề án Triển khai Tùy viên văn hóa giai đoạn 2013 - 2020.

Đẩy mạnh đáng kể việc giao lưu, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, giới thiệu đặc sắc của nước ngoài với công chúng Việt Nam, từ những sự kiện văn hóa nước ngoài tại Việt Nam như Những ngày văn hóa Nga, Ukraine, Lào, Campuchia, các liên hoan nghệ thuật như Liên hoan Múa rối quốc tế Hà Nội lần thứ 3, Liên hoan Xiếc, LHP quốc tế Hà Nội, Festival Huế 2012 và hàng loạt sự kiện giao lưu quốc tế như các buổi hòa nhạc, các tuần phim, triển lãm quốc tế tại Việt Nam...

Những sự kiện văn hóa, du lịch quốc tế quy mô lớn cũng được tăng cường đáng kể, như Festival Huế 2012, Festival Di sản 2013 tại Quảng Nam, Hội nghị Du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững... Những sự kiện này thể hiện sự năng động, khả năng hội nhập mạnh mẽ, tính đa dạng cũng như chất lượng của các loại hình văn hóa, nghệ thuật, du lịch Việt Nam.

Những thành tựu, kinh nghiệm của 25 năm đổi mới (1986-2011) đã tạo ra cho đất nước thế và lực, sức mạnh tổng hợp lớn hơn nhiều so với trước. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, vai trò văn hóa đối ngoại hay ngoại giao văn hóa ngày càng trở nên quan trọng, bên cạnh việc khẳng định vai trò cầu nối giữa các dân tộc, thông qua “sức mạnh mềm” hay “quyền lực mềm” để xác lập thế đứng, uy lực trên trường quốc tế còn góp phần hoà giải các xung đột, mâu thuẫn, tạo tiền đề thúc đẩy hợp tác phát triển.

Bên cạnh việc thúc đẩy, nâng cao về lượng và chất các hoạt động hợp tác quốc tế về văn hóa, thể thao và du lịch, mở rộng các cơ sở văn hóa tại nước ngoài, tranh thủ sự hợp tác, hỗ trợ của bạn bè quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của Việt Nam, mục tiêu của ta còn cần đẩy mạnh quảng bá, phát triển du lịch như ngành kinh tế mũi nhọn.

Ta cần đầu tư và kêu gọi sự chung tay của các bộ ngành và địa phương cho công tác quảng bá hình ảnh quốc gia, để bạn bè quốc tế biết và đến du lịch Việt Nam nhờ nền văn hóa đa dạng, hấp dẫn, phong cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, nhiều di sản thế giới, người dân thân thiện, mến khách, những bãi biển đẹp và ẩm thực phong phú.

"Duy trì ổn định và tiếp tục mở rộng hợp tác với các quốc gia trên thế giới. Mở rộng và đa dạng hóa các kênh hợp tác, tăng cường hợp tác với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó các nước láng giềng, các quốc gia Đông Bắc Á và Đông Nam Á vẫn sẽ là khu vực năng động và gần gũi với sự hội nhập và phát triển của ta. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị một kế hoạch gắn kết các quốc gia ASEAN và các nước đối thoại thông qua một Lễ hội thường kỳ được xây dựng như một thương hiệu về hợp tác giao lưu văn hóa giữa các nước ASEAN+3, khẳng định hợp tác, giao lưu văn hóa là kênh quan trọng thúc đẩy đối thoai, tăng cường hiểu biết và tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước".

TS. Nguyễn Văn TìnhCục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch