Ngày hội văn hóa - du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ Hoài Lang. |
Những dấu ấn trong phát triển du lịch
Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Bạc Liêu Trần Thị Lan Phương cho biết, thời gian qua, nhất là từ khi có Nghị quyết số 11 của BCH Đảng bộ tỉnh khoá XV về tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ngành du lịch Bạc Liêu đã có những bước tiến rất quan trọng. Hàng năm, lượng khách tăng trung bình khoảng 22%, tổng thu từ khách du lịch tăng trung bình khoảng 20%. Đặc biệt, năm 2022, sau thời gian bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, cùng với sự phục hồi nhanh chóng của du lịch cả nước, ngành du lịch Bạc Liêu đã phục hồi mạnh mẽ, các chỉ tiêu về du lịch tiếp tục có bước tăng trưởng, lượng khách du lịch đến Bạc Liêu đạt hơn 3,8 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 3.500 tỷ đồng, đứng thứ 05 khu vực ĐBSCL.
Hiện nay, Bạc Liêu đã có 10/43 điểm du lịch tiêu biểu được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận (nhiều nhất so với các tỉnh, thành phố trong khu vực ĐBSCL). Trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu hiện đã hình thành nhiều sản phẩm du lịch đặc thù có quy mô lớn, có sức cạnh tranh, góp phần làm đa dạng bức tranh du lịch tỉnh nhà. Các sản phẩm du lịch gắn liền với các công trình văn hóa, di tích lịch sử và phong tục tập quán hình thành từ sự gắn bó của cộng đồng 3 dân tộc Kinh - Khmer – Hoa, với các điểm du lịch nổi tiếng như: Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, Nhà Công tử Bạc Liêu, Nhà thờ Tắc Sậy, Quán Âm Phật Đài, chùa Xiêm Cán, cánh đồng điện gió trên biển,...ngày càng được nâng cao về chất lượng, tiếp tục khẳng định được thương hiệu trên thị trường du lịch.
Ngoài ra, một số dự án du lịch trên địa bàn đã đi vào hoạt động như: Khách sạn New Palace, khách sạn Hoàng Sa, khách sạn Trần Vinh, khách sạn Phụng Hoàng Vũ, KDL sinh thái Nhà Mát, KDL sinh thái điện gió Hoà Bình, dự án đầu tư hệ thống xe điện du lịch đi đến các điểm du lịch trên địa bàn nội ô TP Bạc Liêu,…. từ đó tạo nên một diện mạo mới cho tỉnh và góp phần quan trọng phát triển du lịch, dịch vụ cũng như kinh tế, văn hóa – xã hội tỉnh Bạc Liêu.
Dự kiến đến năm 2023, ngành du lịch Bạc Liêu phấn đấu đạt khoảng 3,95 triệu lượt khách du lịch, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 3.550 tỷ đồng. Đến năm 2025 sẽ đón trên 7 triệu lượt khách, tổng doanh thu đạt trên 10.000 tỷ đồng, đóng góp 7-9% GRDP của tỉnh, giải quyết việc làm cho 30.000 lao động; có 15 điểm du lịch, một khu du lịch cấp tỉnh được công nhận và nằm trong danh mục các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch quốc gia. Đến năm 2030, Bạc Liêu có ngành du lịch phát triển bền vững với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại và chuyên nghiệp; là một trong những trung tâm du lịch của khu vực ĐBSCL cả về quy mô và chất lượng.
Nhà hát Cao Lầu với thiết kế độc đáo hình nón lá. |
Tăng cường đầu tư và đa dạng hóa sản phẩm du lịch
Theo bà Trần Thị Lan Phương, với mục tiêu đưa Bạc Liêu phát triển trở thành một trong những trung tâm du lịch của khu vực ĐBSCL, ngành du lịch định hướng sẽ tập trung thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch và đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, nhất là đối với địa bàn trọng điểm, động lực phát triển du lịch. Khuyến khích các nhà đầu tư thực hiện các dự án về dịch vụ du lịch, nhất là các nhà đầu tư chiến lược tập trung đầu tư hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, các dự án quy mô lớn, chất lượng cao.
Được biết, thời gian qua, tỉnh đã và đang nỗ lực tìm kiếm, mời gọi đầu tư cho du lịch. Trong đó, đáng chú ý là 04 dự án có tổng quy mô hàng trăm héc-ta, tổng mức đầu tư lên đến hơn 1.000 tỷ đồng, gồm: KDL văn hóa và resort nghỉ dưỡng (TP Bạc Liêu); điểm du lịch, dịch vụ Tắc Sậy (TX Giá Rai); KDL sinh thái cửa biển Gành Hào và gắn với KDL tâm linh khu Lăng Ông Nam Hải (huyện Đông Hải); tuyến du lịch sinh thái ven biển Bạc Liêu (từ phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu đến thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải). Mặt khác, tỉnh đang tìm nhà đầu tư để xây dựng tuyến phố đi bộ đường Điện Biên Phủ (TP. Bạc Liêu) với điểm nhấn là tham quan những kiến trúc nghệ thuật, thưởng thức ẩm thực, các loại hình nghệ thuật đặc trưng của 3 dân tộc Kinh – Khmer – Hoa và nghệ thuât đờn ca tài tử Nam bộ. Đồng thời mời gọi các dự án hướng đến đánh thức tài nguyên, thế mạnh du lịch của các địa phương, như: KDL sinh thái vườn chim Lập Điền (huyện Đông Hải); KDL sinh thái Tháp Cổ Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Lợi); điểm du lịch sinh thái vườn cò Phước Long (huyện Phước Long); điểm du lịch câu cá sinh thái kết hợp với ngành nghề truyền thống (huyện Hồng Dân).
Cùng với những nỗ lực thu hút, mời gọi đầu tư, toàn ngành sẽ tiếp tục tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, khác biệt nhằm nâng cao thương hiệu và khả năng cạnh tranh của du lịch Bạc Liêu, như: sản phẩm du lịch văn hóa gắn liền với giá trị bất hủ của bản Dạ cổ hoài lang và nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ; sản phẩm du lịch gắn với thương hiệu Công tử Bạc Liêu; sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh; sản phẩm du lịch xanh tham quan điện gió kết hợp với trải nghiệm hệ sinh thái rừng ven biển; sản phẩm du lịch nông nghiệp truyền thống và nông nghiệp công nghệ cao; trùng tu, tôn tạo nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng, các công trình văn hóa, kiến trúc cổ để xây dựng thành sản phẩm du lịch thu hút du khách.
Tiếp tục tăng cường công tác quảng bá du lịch trong và ngoài nước thông qua các hoạt động xúc tiến du lịch tại Hà Nội, TP. HCM, các thị trường du lịch trọng điểm của cả nước cũng như xúc tiến du lịch ở một số quốc gia như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia,… Tăng cường liên kết có trọng tâm, trọng điểm, nhất là kết nối ba bên giữa các nhà quản lý – các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch – các khu, điểm du lịch; thực hiện có hiệu quả các chương trình liên kết, hợp tác, kết nối tour, tuyến du lịch với các địa phương có du lịch phát triển, đặc biệt là TP. HCM và các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch thông minh, trọng tâm là xây dựng và triển khai quản lý du lịch thông minh trong Đề án phát triển đô thị thông minh Bạc Liêu giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030. Tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch các cấp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch.