TIN LIÊN QUAN | |
TP. Hồ Chí Minh đẩy nhanh tiến độ dự án tuyến metro số 2 | |
Sụt giảm sản lượng ở ĐBSCL làm suy yếu an ninh lương thực toàn cầu |
TP. Hồ Chí Minh là đầu tàu cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế với tỷ trọng 22% GDP toàn quốc, 30% ngân sách và cũng là địa phương được coi là trung tâm xuất nhập khẩu, tài chính ngân hàng, thương mại, dịch vụ, công nghệ của cả nước.
Thành phố năng động này cũng là vùng động lực cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội ở địa bàn Nam Bộ và cả nước theo chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà Đảng, Nhà nước đã đề ra.
Chiều 27/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam cùng các thành viên Chính phủ đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt TP. Hồ Chí Minh để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2016 , thống nhất các chỉ tiêu phát triển và giải quyết các kiến nghị để tạo điều kiện cho thành phố phát huy vai trò hạt nhân tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
Lãnh đạo cấp cao của Chính phủ làm việc tại TP. Hồ Chí Minh (Nguồn: VGP) |
Buổi làm việc diễn ra đúng vào dịp Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đang sôi nổi thi đua chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày thành phố Sài Gòn – Gia Định được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh (2/7/1976 – 2/7/2016).
Thành tựu toàn diện
So với cùng kỳ, 6 tháng đầu năm 2016, kinh tế của TP. Hồ Chí Minh tăng trưởng ở mức khá với mức tăng GDP đạt 7,47%.
Chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát tốt, tăng 1,79% so với cùng kỳ. Thu ngân sách của thành phố đạt ấn tượng ở mức 143.965 tỷ Đồng (48,26% dự toán). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 125.000 tỷ Đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ.
Những thành tựu kinh tế-xã hội của TP. Hồ Chí Minh 6 tháng qua còn được thể hiện một cách rõ nét trong công tác xây dựng thể chế, với quyết tâm cao đứng vào tốp 5 địa phương dẫn đầu cả nước về xếp hạng chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công, chỉ số năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính.
Với chủ trương coi doanh nghiệp là động lực phát triển, lãnh đạo thành phố đã tổ chức đối thoại với doanh nghiệp; ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Đáng chú ý, thành phố đã rà soát, đơn giản hóa hành chính 77 thủ tục thuộc lĩnh vực “đầu tư – đất đai – xây dựng”, tiết kiệm hơn 110 tỷ Đồng mỗi năm.
Đến nay đã có 97,5% doanh nghiệp trên địa bàn kê khai nộp thuế điện tử; 100% Chi cục hải quan thực hiện thủ tục hải quan điện tử…
Đề xuất thí điểm nhiều lĩnh vực quan trọng
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã kiến nghị với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc 7 vấn đề lớn để tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố phát triển nhanh, bền vững và đóng góp ngày càng nhiều cho đất nước.
Theo đó, thành phố đề xuất Thủ tướng phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền ban hành văn bản để điều chỉnh một số ngành, lĩnh vực cho phù hợp với đặc thù hoặc để cụ thể hóa các quy định của Trung ương sát với thực tế địa phương như: Thí điểm quy định một số khoản thu phí, lệ phí; thí điểm quy định xử phạt hành chính một số hành vi xâm phạm trật tự, an toàn, văn minh đô thị; thí điểm quyết định số lượng cán bộ, công chức, viên chức của thành phố.
Căn cứ vào tình hình thực tế, lãnh đạo thành phố kiến nghị Chính phủ cho phép lực lượng Công an thành phố được áp dụng cơ chế đặc thù về tăng cường biên chế, đầu tư trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật và các chế độ chính sách của cán bộ, chiến sĩ ngang tầm với quy mô địa bàn trọng điểm và đặc điểm phức tạp của thành phố.
Thành phố cũng kiến nghị cho phép thí điểm thành lập Ban quản lý an toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố trên cơ sở tổ chức lại các cơ quan đang thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, không tăng biên chế…
Về một số cơ chế tài chính đặc thù, thành phố kiến nghị Thủ tướng chấp thuận giữ nguyên tỉ lệ % để lại cho ngân sách thành phố như hiện nay là 23% kể từ năm 2017 và ổn định trong 10 năm…
Mở rộng không gian phát triển
Góp ý tại buổi làm việc, các thành viên Chính phủ cho rằng, bên cạnh những thành tựu có ý nghĩa to lớn, TP. Hồ Chí Minh còn đang gặp phải các thách thức về không gian phát triển đang bị thu hẹp trong khi dân số tăng nhanh, hạ tầng y tế, giáo dục còn thiếu; hệ thống giao thông, đặc biệt là hàng không đang quá tải.
Thêm vào đó TP. Hồ Chí Minh đang hứng chịu áp lực của tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Các bộ, ngành đề xuất thành phố rà soát lại quy hoạch, xây dựng thêm các thành phố vệ tinh, đặc khu kinh tế, giảm áp lực cho vùng trung tâm; cùng với đó, tạo sự liên kết với các tỉnh trong vùng.
Các bộ cũng đề xuất thành phố đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực khoa học công nghệ, trong đó có công nghệ phần mềm.
Trong hoạt động khởi nghiệp cần có đánh giá cụ thể về năng lực, tiềm năng của doanh nghiệp đảm bảo hoạt động kinh doanh hiệu quả nhưng phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật; tránh các trường hợp rủi ro trong kinh doanh và quản lý.
Thành phố cần liệt kê cơ chế, hành vi với chế tài cụ thể trong quy định xử phạt hành chính một số hành vi xâm phạm trật tự, an toàn, văn minh đô thị để Chính phủ xem xét, thẩm định.
Nêu ý kiến tại buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Đinh La Thăng cho rằng, để thực hiện mục tiêu đã được xác định trong Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị “về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020 với vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước thì cần có một cơ chế đặc thù, thí điểm thực hiện để rút kinh nghiệm, hoàn thiện.
Cho phép thí điểm những vấn đề mới
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh, đánh giá cao những thành tựu toàn diện về mọi mặt mà chính quyền và nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã đạt được thời gian qua, bám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và phát huy tốt tư duy chủ động hội nhập quốc tế.
Đánh giá từng lĩnh vực, Thủ tướng cho rằng, so với mục tiêu đã đề ra, thành phố cũng còn nhiều mặt cần tiếp tục cải thiện, khắc phục trong thời gian tới như: Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng trung tâm khởi nghiệp chưa thực sự đạt yêu cầu; ùn tắc giao thông, an ninh trật tự, an toàn xã hội, nhất là tình trạng cướp giật tài sản vẫn xảy ra gây bức xúc trong nhân dân...
Thủ tướng khẳng định tiềm năng, thế mạnh to lớn của TP. Hồ Chí Minh nằm ở không chỉ điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn nhân lực dồi dào mà còn dựa trên nền tảng một nền kinh tế năng động, đổi mới sáng tạo, có sức lan tỏa, đi đầu cả nước trong tiến trình hội nhập, làm động lực cho sự phát triển bền vững, đóng góp có hiệu quả vào nền kinh tế khu vực và thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. (Nguồn: VGP) |
Với nền tảng ấy, Thủ tướng mong muốn TP. Hồ Chí Minh định hướng phát triển với một tầm nhìn cao hơn, bền vững hơn, đặc biệt là chú trọng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý và hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nhấn mạnh tầm nhìn là dài hạn, nhưng công tác điều hành thì phải trung hạn, Thủ tướng đề nghị TP. Hồ Chí Minh cần ước mơ cao hơn, xa hơn, quyết tâm chính trị rõ ràng hơn, nhất là đối với những lĩnh vực then chốt phù hợp với bối cảnh thời đại mới để có thể đưa thành phố phát triển bứt phá, toàn diện trong tương lai, xứng đáng là ngọn cờ đầu của cả nước, xứng tầm với hòn ngọc chiếu sáng viễn đông.
Thủ tướng chỉ rõ 4 mục tiêu mà TP. Hồ Chí Minh cần hướng đến trong tiến trình phát triển theo hướng xây dựng nền kinh tế thông minh, lấy kinh tế công nghệ cao làm mũi nhọn, phát triển toàn diện các giá trị sáng tạo trong từng sản phẩm, dịch vụ.
Thủ tướng đề nghị TP. Hồ Chí Minh phải được xây dựng trở thành một thành phố thông minh với khả năng kết nối sâu vào chuỗi giá trị khu vực và quốc tế, cạnh tranh được với những thành phố khu vực châu Á, là thành phố năng động, hiện đại; phát huy cho được vai trò trung tâm nguồn lực chất lượng cao và phải là điểm nhấn thu hút đầu tư và khởi nghiệp của cả nước.
Đề cập đến mô hình kinh tế thị trường hài hòa, bền vững, Thủ tướng đề nghị Thành phố tranh thủ mạnh mẽ ngoại lực, phát huy nội lực; đẩy mạnh xã hội hóa y tế, giáo dục, tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân – động lực phát triển của nền kinh tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Đảng bộ, chính quyền thành phố quyết tâm hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong 6 tháng cuối năm, nhất là thu ngân sách, tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát để đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng chung của cả nước.
Lưu ý phải làm quy hoạch với tư duy đổi mới mạnh mẽ, chú trọng gìn giữ bản sắc riêng, Thủ tướng đề nghị TP. Hồ Chí Minh đi đầu trong đổi mới cách làm quy hoạch, tham khảo ý kiến rộng rãi các chuyên gia, nhà quản lý, hướng đến mô hình “một thành phố đáng sống”.
Liên quan đến các kiến nghị của địa phương về cơ cấu tổ chức, bộ máy, cơ chế tài chính, Thủ tướng cho phép Thành phố tiếp tục được thực hiện thí điểm các vấn đề mới, phát sinh; đồng thời yêu cầu thành phố chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương xây đề án trình Chính phủ thẩm định, phê duyệt, để thống nhất phương thức, cách làm và chịu sự giám sát của Chính phủ trong quá trình thực hiện.
Khởi công 2 dự án quan trọng phục vụ dân sinh tại TP. Hồ Chí Minh Ngày 26/6, tại thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ khởi công Dự án Giải quyết ngập do ... |
TP.HCM tiếp tục điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Hoa Kỳ Chiều 6/4, ông Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã có ... |