Tại Việt Nam, nhiều địa phương trên cả nước đang tích cực phát triển du lịch xanh. (Nguồn: Vinpearl) |
Du lịch xanh là loại hình du lịch dựa vào tự nhiên và văn hóa, hạn chế những tác động xấu tới môi trường như xả khói, xả thải, tàn phá động thực vật…, khắc phục hậu quả do biến đổi khí hậu, sử dụng năng lượng tái tạo và phát huy các di sản thiên nhiên văn hóa, các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đưa ra định hướng: "Phát triển du lịch xanh, gắn hoạt động du lịch với gìn giữ và phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường".
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị khóa XII cũng cho rằng, để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cần phát triển du lịch bền vững; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Cơ hội để Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu
Tại lễ khai mạc Năm du lịch quốc gia, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, đại dịch đã thay đổi cấu trúc xã hội và thói quen của người dân, nhưng cũng tạo ra xu hướng mới trong du lịch.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam cần xây dựng môi trường du lịch xanh để phát triền bền vững và hút khách quay lại. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam trở thành điểm đến được lựa chọn hàng đầu, với những trải nghiệm hấp dẫn.
Trên thế giới, loại hình du lịch này đã không còn quá xa lạ. Điển hình như tại quần đảo Madives. Quần đảo này đang nỗ lực thay thế nguồn cung cấp năng lượng điện hóa thạch bằng các nguồn năng lượng tái tạo để giảm lượng khí thải carbon.
Hầu hết các resort trên đảo đều sử dụng hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt và hệ thống hứng, thu gom nước mưa, đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng nước ngọt trong ngành du lịch. Rác thải luôn được phân loại mọi nơi mọi lúc.
Singapore cũng là quốc gia tiêu biểu cho loại hình du lịch xanh. Quốc gia này tăng cường trồng cây xanh khắp nơi, thậm chí trồng cả cây xanh nhân tạo.
Vườn cây Garden By the Bay của Singapore đã tạo được các “siêu cây” cao từ 22-50m, có khả năng tổng hợp năng lượng mặt trời, nhận nước mưa, lọc không khí và có hệ thống quang điện để chuyển ánh sáng mặt trời thành năng lượng điện. Vườn cây này ngay khi được khai trương đã có hàng triệu lượt khách tham quan mỗi năm.
Hay ở Thái Lan, đảo Koh Chang được đánh giá là một trong những đảo đẹp nhất Thái Lan. Các nhà đầu tư muốn “rót vốn” kinh doanh tại hòn đảo này phải ký cam kết cùng bảo tồn thiên nhiên. Ở Koh Chang không có moto nước hay du thuyền, chỉ có cano và thuyền chèo đưa du khách đi từ hòn đảo này sang hòn đảo khác.
Tại Việt Nam, nhiều địa phương trên cả nước cũng đang tích cực triển khai thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh như: Hà Nội, Lào Cai, Sơn La, Ninh Bình, Quảng Bình, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Thuận, Bình Định, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bà Rịa-Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bến Tre, Kiên Giang...
Cụ thể ở Đà Nẵng, theo Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (thuộc Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), địa phương này tiếp cận phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh từ góc độ phát triển thành phố thông minh và đô thị xanh.
Đà Nẵng tích cực triển khai nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ thông minh cho giao thông và đô thị, áp dụng các công nghệ xử lý chất thải nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Thành phố này cũng “phủ xanh” bằng việc tăng cường phát triển cây xanh, hạn chế bê tông hóa; phát triển các tòa nhà thông minh, công trình thông minh và khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo để tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính; phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp - nông thôn, du lịch cộng đồng...
Để thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. (Nguồn: Tạp chí Du lịch) |
Cần giải pháp đồng bộ
TS. Đỗ Thị Thanh Hoa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, thời gian tới, xu hướng du lịch sinh thái sẽ tiếp tục phát triển mạnh bởi những lợi ích kinh tế-xã hội và môi trường của loại hình này, đồng thời phản ánh mối quan tâm của khách du lịch, của toàn cầu đến sự phát triển bền vững.
Đó là sự gia tăng các tour du lịch xanh, tour tìm hiểu và chung tay bảo vệ thế giới tự nhiên, động vật hoang dã; các chuyến đi kết hợp với hoạt động bảo tồn, bảo vệ đa dạng sinh học, tài nguyên môi trường tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn tự nhiên…
Tuy nhiên, để khuyến khích phát triển loại hình du lịch xanh gắn với bảo tồn tài nguyên, thân thiện với môi trường cần phát triển các loại hình du lịch bền vững như: Du lịch sinh thái; du lịch gắn với bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên; đội thanh niên tình nguyện hỗ trợ du khách...
Song song với đó, các địa phương và ngành du lịch cũng cần xây dựng cơ chế để thành lập và phát huy hiệu quả các quỹ môi trường trong hoạt động du lịch.
Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cũng cho rằng, để thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Trong đó, việc khai thác tài nguyên, phát triển sản phẩm du lịch phải tuân thủ nguyên tắc “tôn trọng và bảo vệ tài nguyên tự nhiên, bảo vệ môi trường”, “phát triển du lịch thân thiện với môi trường”; “không đánh đổi tài nguyên, môi trường với tăng trưởng, phát triển du lịch bằng mọi giá”.
Về phía địa phương, cần khuyến khích doanh nghiệp du lịch có trách nhiệm, đầu tư bền vững, tạo ra sản phẩm, dịch vụ du lịch xanh để thúc đẩy xu hướng tiêu dùng du lịch xanh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ tiên tiến trong hoạt động kinh doanh; sử dụng năng lượng tái tạo, nhiên liệu sạch, vật liệu tái chế, tiết kiệm năng lượng; có trách nhiệm với môi trường.
Về phía doanh nghiệp, cần có hệ thống xử lý chất thải, nước thải, hạn chế sử dụng sản phẩm dùng một lần, sản phẩm làm từ vật liệu không tái chế; có trách nhiệm với xã hội, góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa bản địa tại các điểm đến...