Hình ảnh vệ tinh vào tháng 12/2019 (ảnh trái) và tháng 10/2020 (ảnh phải) cho thấy Trung Quốc xây dựng ngôi làng mới trên vùng núi Himalaya mà Bhutan tuyên bố là thuộc lãnh thổ nước này. (Nguồn: NYT) |
Đúng vào ngày Quốc khánh 1/10 năm nay, Trung Quốc đã hoàn thành việc xây dựng một ngôi làng mới trên núi cao tại khu vực Tây Tạng của Trung Quốc tiếp giáp với Vương quốc Bhutan.
Khoảng 100 người đã được chuyển tới hơn 20 ngôi nhà mới bên bờ sông Torsa và những cư dân mới này đã kỷ niệm ngày Quốc khánh của nước mình bằng cách treo quốc kỳ và hát quốc ca.
Vấn đề ở đây là, những phần “tọa độ” mới này đã lấn sâu hơn một dặm (1,6 km) vào khu vực Bhutan tuyên bố là lãnh thổ của nước này.
Chiến lược quen thuộc
Vị trí chính xác của ngôi làng mới nói trên, vốn được đặt tên là Pangda, xuất hiện trên hàng loạt bức ảnh chụp từ vệ tinh do Maxar Technologies, một công ty công nghệ có trụ sở tại Colorad (Mỹ), phát hành.
Các bức hình cho thấy việc xây dựng ngôi làng được khởi công vào cuối năm 2019 và đã được hoàn tất có lẽ là không lâu trước ngày Quốc khánh Trung Quốc 1/10. Biên giới Trung Quốc nằm ở phía Nam của ngôi làng này.
Theo ông Stephen Wood, người phát ngôn của Maxar, các bức ảnh chụp được còn cho thấy một con đường mới đang được gấp rút hoàn thành và các công trình xây dựng dường như là các nhà kho quân sự.
Bắc Kinh đã phớt lờ những tuyên bố chủ quyền của các nước láng giềng để củng cố vị thế trong các tranh chấp lãnh thổ bằng cách đơn phương thay đổi hiện trạng trên thực địa. |
Các nhà kho này nằm trong lãnh thổ của Trung Quốc không có tranh chấp, mặc dù vậy, nó vẫn cho thấy Trung Quốc đã tăng cường hiện diện quân sự của họ tại phần lớn khu vực biên giới Himalaya.
Rõ ràng là sự hiện diện của công trình xây dựng ngôi làng ở biên giới với Bhutan được tiến hành theo chiến lược mà Trung Quốc đã sử dụng từ nhiều năm nay. Bắc Kinh đã phớt lờ những tuyên bố chủ quyền của các nước láng giềng để củng cố vị thế trong các tranh chấp lãnh thổ bằng cách đơn phương thay đổi hiện trạng trên thực địa.
Trung Quốc đã sử dụng chiến thuật tương tự như ở Biển Đông, nơi nước này đã tôn tạo và quân sự hóa các bãi cạn mà Việt Nam và Philippines tuyên bố chủ quyền, bất chấp việc Trung Quốc đã cam kết với Mỹ là sẽ không làm như vậy.
Hồi tháng 6 vừa qua, quân đội Trung Quốc đã triển khai các lực lượng trên dãy Himalaya và tiến vào khu vực mà Ấn Độ tuyên bố là lãnh thổ của họ bên trong Ranh giới kiểm soát thực tế (LAC). Hành động đó đã dẫn tới vụ đụng độ đẫm máu nhất của Trung Quốc kể từ nhiều thập kỷ qua, khiến ít nhất 21 lính Ấn Độ thiệt mạng, trong khi con số thương vong của binh sĩ Trung Quốc không được công khai.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ A.Srivastava cho rằng, nguyên nhân vụ va chạm ở khu vực biên giới là phía Trung Quốc không giữ cam kết tôn trọng LAC tại thung lũng Galwan.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho rằng, phía Ấn Độ đã vi phạm cam kết và đã vượt qua LAC để thực hiện “các hoạt động bất hợp pháp” và tiến công binh sĩ Trung Quốc.
Quân đội Trung Quốc yêu cầu Ấn Độ chấm dứt ngay lập tức mọi hành vi xâm phạm và hành động khiêu khích chống Trung Quốc; đồng thời quay trở lại đối thoại để giải quyết bất đồng.
Vụ đụng độ bạo lực này đã khiến cho mối quan hệ vốn được đang được cải thiện giữa Trung Quốc và Ấn Độ xấu đi nghiêm trọng.
"Đang mất kiên nhẫn"
Taylor Fravel, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu An ninh tại Viện Công nghệ Massachusetts và là chuyên gia về quân sự Trung Quốc, nhận định: “Sau cùng thì việc xây dựng ngôi làng trên phản ánh sự củng cố vững chắc quyền kiểm soát của Trung Quốc đối với các khu vực họ tuyên bố chủ quyền”.
Trong năm qua, Trung Quốc đã có những động thái gây hấn với nhiều nước láng giềng, đồng thời dường như không quan tâm đến hậu quả về ngoại giao hoặc địa chính trị. Các hành động của Bắc Kinh phản ánh tham vọng của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình nhằm khẳng định các yêu sách lãnh thổ, các lợi ích kinh tế và các nhu cầu chiến lược của nước này trên khắp thế giới.
Ông Tập Cận Bình thường viện dẫn những mối oán hận lịch sử đối với sự xâm lấn và đô hộ của nước ngoài, lấy quá khứ của Trung Quốc để biện minh cho các hành động gây hấn chiến lược của nước mình.
Công trình xây dựng ngôi làng ở Himalaya cho thấy Trung Quốc đã đẩy mạnh một chiến dịch rộng lớn hơn nhằm củng cố các sườn phía Nam của Trung Quốc, bao gồm Bhutan, quốc gia Phật giáo với 800.000 dân được biết đến rộng rãi với khái niệm “Chỉ số hạnh phúc quốc gia”.
Tin liên quan |
'SHOCK!' Trung Quốc tuyên bố chủ quyền khu bảo tồn của Bhutan |
Khi công tác xây dựng đang trong quá trình triển khai tại khu vực tranh chấp lâu nay, hồi mùa Hè vừa qua, Trung Quốc đã đưa ra thêm một tuyên bố chủ quyền mới đối với vùng lãnh thổ gần 300 dặm vuông (776 km2) tại Khu bảo tồn thiên nhiên hoang dã Sakteng, một khu vực bên phía Bhutan nhìn từ nơi ngôi làng nói trên khi đó đang được xây dựng.
Biên tập viên Tenzing Lamsang của tờ báo Người Bhutan và là Chủ tịch Hiệp hội Truyền thông Bhutan, viết trên Twitter: “Người Trung Quốc rõ ràng đang mất kiên nhẫn”.
Tranh chấp này bắt nguồn từ những cách diễn giải khác nhau về một hiệp ước được ký kết từ năm 1890 bởi hai cường quốc phong kiến hiện đã không còn tồn tại nữa - thực dân Anh cai trị Ấn Độ với triều đại nhà Thanh tại Trung Quốc.
Ngôi làng mới nằm gần Cao nguyên Doklam, nơi giao cắt biên giới của Trung Quốc, Ấn Độ và Bhutan. Cao nguyên này là nơi diễn ra cuộc giao tranh kéo dài 73 ngày giữa các binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc vào năm 2017, mà nguyên nhân bắt nguồn từ việc Trung Quốc mở một con đường vào lãnh thổ Bhutan.
Ấn Độ, vốn là quốc gia có nghĩa vụ bảo vệ Bhutan theo một hiệp ước an ninh lâu đời, đã huy động quân tới để ngăn chặn hành động của Trung Quốc.
Biên tập viên Lamsang lưu ý rằng Bhutan lâu nay vẫn phải chiều theo các lợi ích an ninh của Ấn Độ. Trong các cuộc đàm phán liên tục với Trung Quốc, Bhutan đến nay vẫn chưa sẵn sàng có bất cứ nhượng bộ nào về lãnh thổ dọc theo các đường biên giới phía Tây và miền Trung nước này.
Vẫn trên Twitter, ông Lamsang đã viết: “Do Bhutan từ chối nhượng bộ trong các cuộc đàm phán, hoặc thậm chí không đồng ý với những thỏa hiệp do Trung Quốc đưa ra, giờ đây chúng tôi đang phải trả giá”.
Ấn Độ thận trọng
Dễ hiểu vì sao Ấn Độ rất quan tâm việc Trung Quốc xây dựng làng ở khu vực biên giới với Bhutan. Vương quốc nhỏ bé không phải là một mối đe dọa về quân sự đối với Trung Quốc song với Bắc Kinh, kiểm soát khu vực này có thể cho phép các lực lượng của họ chiếm được vị trí chiến lược gần với dải đất hẹp tại Ấn Độ được gọi là “Hành lang Siliguri”.
“Hành lang Siliguri”, còn được các chiến lược gia quân sự Ấn Độ gọi là “Cổ Gà”, là vùng đất nối phần lớn lãnh thổ Ấn Độ với các tỉnh cực Đông của nước này giáp Bangladesh, Myanmar và Trung Quốc.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc đã chế nhạo những tuyên bố trên báo chí Ấn Độ cho rằng ngôi làng mới xây là trên lãnh thổ Bhutan, đồng thời cáo buộc Ấn Độ châm ngòi cho các căng thẳng với các quốc gia láng giềng ở phía Nam của Trung Quốc.
Một ngày sau đó, tờ báo này đã cảnh báo về việc “các lực lượng nước ngoài đang hậu thuẫn cho chiến dịch ‘đánh Trung Quốc’ trên khắp dãy Himalaya”.
Trong một tuyên bố, Đại sứ Bhutan tại Ấn Độ, Thiếu tướng Vetsop Namgyel cho biết "không có làng Trung Quốc nào bên trong Bhutan".
Trong khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng “các hoạt động xây dựng bình thường của Trung Quốc trên lãnh thổ nước mình hoàn toàn nằm trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc, không có gì sai trái cả”, Bộ Ngoại giao Ấn Độ chưa có phản ứng trước sự việc trên, theo CNN.
| Xây dựng lòng tin chiến lược – kỳ vọng và thách thức TGVN. Lòng tin luôn là khởi nguồn, nền tảng vững chắc của mọi mối quan hệ giữa các quốc gia, dân tộc. Xây dựng lòng ... |
| Bhutan phản đối kịch liệt yêu sách kỳ lạ của Trung Quốc TGVN. Chính phủ Bhutan đã gửi công hàm để phản đối yêu sách từ phía Trung Quốc đòi chủ quyền đối với khu vực bảo tồn ... |
| Nhìn từ Trung Quốc: Quan hệ Mỹ-Trung Quốc trước ngã rẽ lịch sử TGVN. Quan hệ Trung - Mỹ xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, những ngôn từ và cử chỉ ngoại giao thông thường nay ... |