📞

‘Xếp loại đạo đức nhà giáo theo các thang bậc chuyên môn là không phù hợp’

Nguyệt Anh 08:15 | 27/03/2021
TGVN. Theo quan điểm của TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục, đồng sáng lập Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, việc xếp loại đạo đức nhà giáo theo các thang bậc chuyên môn là không phù hợp, sai về mặt nguyên lý, thực tiễn, bởi tất cả đều phải có một chuẩn chung về đạo đức.
TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, xếp loại đạo đức nhà giáo theo các thang bậc chuyên môn là không phù hợp, sai về mặt nguyên lý, thực tiễn, bởi tất cả đều phải có một chuẩn chung về đạo đức. (Ảnh: Yến Nguyệt)

Muốn đưa giáo dục Việt Nam phát triển, đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, góp phần đưa đất nước cất cánh trong 25, 35, 45 năm tới như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra không thể thiếu vai trò của nhà giáo. Ông đánh giá thế nào về đội ngũ nhà giáo Việt Nam hiện nay cả về tài năng lẫn đạo đức?

Theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Việt Nam cất cánh như thế nào thực sự là bài toán. Chúng ta không chỉ có nguyện vọng mà cần có chiến lược cụ thể, bên cạnh phát triển kinh tế, khoa học, không thể thiếu được giáo dục.

Hầu như tất cả những nước phát triển trên thế giới hiện nay, nhất là châu Á, muốn thành “con Rồng” đều đi từ giáo dục. Muốn giáo dục phát triển cần nhiều yếu tố nhưng có điều kiện tiên quyết là “ông thầy”.

Hiện nay, chúng ta đang bồi dưỡng, đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục nhưng khâu sử dụng, chọn lọc chưa chặt chẽ và đãi ngộ, tôn vinh chưa xứng đáng.

Ngành giáo dục muốn giáo viên phải có chứng chỉ nghề nghiệp và đánh giá theo các thang bậc nghề nghiệp. Nhưng đánh giá đạo đức giáo viên theo bậc nghề nghiệp, liệu có đúng không, có phù hợp không, thưa ông?

Theo tôi, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo phải bằng việc đánh giá đúng người ta, từ đó đi đến đãi ngộ. Tuy nhiên, gắn đạo đức nhà giáo theo thứ bậc không đúng về mặt khoa học cũng như về mặt nhân văn, đạo đức. Trong khi đó, đội ngũ giáo viên thực sự không đồng đều. Cá nhân tôi, giáo viên nước ta hiện có 4 loại.

Thứ nhất, giáo viên là người thực sự tài năng, tâm huyết, sáng tạo, luôn được học trò yêu quý, chương trình nào họ cũng dạy được và cả cuộc đời của họ là hình tượng không thể quên được của học trò. Đấy là những người thầy tuyệt vời.

Thứ hai, những thầy cô có tài, giỏi nhưng phần lớn ở nơi cán bộ quản lý biết người biết việc, tạo điều kiện, tạo động lực cho người ta phát triển và đóng góp. Nếu không, người ta lại bị thu hút vào hỗ khác chứ không đóng góp cho giáo dục.

Thứ ba, phổ biến nhiều nhất là những nhà giáo có phẩm chất, có đạo đức nhưng tài năng chưa nhiều, chưa phù hợp với đổi mới giáo dục.

Thứ tư, là những giáo viên không có đức cũng không có tài, không có phẩm chất, không xứng đáng đứng trên bục giảng. Nếu vẫn để lọt những “con sâu” như thế sẽ ảnh hưởng xấu đến ngành giáo dục.

Như vậy, có thể nói đổi mới giáo dục không chỉ hiểu là theo nghị quyết nọ, thông tư kia, đổi mới giáo dục phải đi theo thời đại, phải bồi dưỡng để phát huy nội lực của nhà giáo.

Nhưng hiện nay, chúng ta bồi dưỡng theo chứng chỉ, theo bằng cấp là không đúng. Tôi nhớ có một câu nói: “Nghề dạy học là một nghề cao quý, nó làm nên nhân cách, năng lực, phẩm chất và cả tương lai của mỗi đứa trẻ”.

Có thể nói, dạy học khó nhất là khích lệ và làm thay đổi được học trò. Robot có thể thay thầy dạy về kiến thức nhưng không thay thầy được việc khích lệ học trò. Do vậy, giáo viên cần phải hiểu điều đó, không thể mãi là “cái máy nói”.

Trong bối cảnh đất nước hiện nay, số đông thầy cô giáo đang phải vượt qua không ít áp lực. Vậy họ phải trở thành con người như thế nào và đâu là động lực chủ yếu để họ vượt qua, theo ông?

Chúng ta lạc quan thế hệ trẻ hết sức tài năng nhưng cũng dễ bị chi phối bởi kinh tế thị trường. Do đó, phải nêu cao đạo đức nhà giáo để thu hút người tài, để giáo dục thay đổi và cất cánh.

Trong bối cảnh đất nước hiện nay, số đông thầy cô giáo đang phải vượt qua những áp lực, khó khăn như lương thấp, đòi hỏi của xã hội cũng như của học sinh rất cao. Nếu thầy cô giáo không biết tích lũy, không biết tự phát triển sẽ khó bắt nhịp và đáp ứng được.

Tôi vẫn hay nói, người thầy phải coi học trò, cha mẹ học sinh là thượng đế, trách nhiệm của thầy cô giáo là phải phụng sự. Quan niệm như vậy để giáo viên trân trọng và tìm ra từng đối tượng khác nhau, phục vụ khác nhau chứ không phải cứ mang kiến thức ra “vãi” đều đối với tất cả học sinh.

Nghệ thuật giáo dục, nghệ thuật sư phạm phải tác động đến từng cá nhân, để tạo ra những con người sáng tạo. Tôi phải nhấn mạnh mặt trái của kinh tế thị trường, nếu thầy cô giáo không vững sẽ dễ dàng sa ngã.

Giáo viên không chỉ cung cấp tri thức cho học trò, cái chính là phải thay đổi những cảm xúc, thay đổi những hành vi của học trò. Cũng như Bill Gate từng nói, đẳng cấp thế giới ngày nay không phải nhà cao cửa rộng, không phải cầu to, không phải nhiều nhà tỷ phú mà cái chính là hành vi, thái độ ứng xử của mỗi công dân của đất nước đó.

Thầy cô giáo phải nhận thức được mình còn khó khăn, còn vướng mắc trong nghề nhưng có một vinh quang rất lớn là góp phần xây dựng đất nước mình cất cánh bằng chính nguồn nhân lực chất lượng, bằng sự tác động của người thầy lên học trò.

Chúng tôi luôn đặt ra vấn đề làm sao phát huy được nội lực của thầy cô giáo để tạo được động lực và năng lực cho họ phát triển. Thời hội nhập, chúng ta phải lấy những ý tưởng và cách làm hay nhất của thiên hạ nhưng phải biến cái đó thành củamình để tác động đến đúng đối tượng học sinh.

Việc xếp loại, đánh giá đạo đức cho từng phân hạng giáo viên sẽ để lại hệ lụy gì, thưa ông?

Tôi luôn nói với các thầy cô, trong giáo dục phải chấp nhận cả mặt mạnh và mặt yếu của học sinh, khách quan đánh giá trẻ và tổ chức những hình thức giáo dục phù hợp với từng học trò. Trong đó, nhà giáo dục phải "bắc những nấc thang" cho học trò leo chứ không phải bắt ép chúng giỏi ngay được và quan trọng là biết “cấy” nhu cầu.

Muốn làm được vậy thầy cô phải tập trung thực hiện sứ mệnh của mình bằng phương pháp giáo dục khoa học nhất, tốt nhất. Trong quá trình phát triển ấy, đạo đức nhà giáo phải để lên hàng đầu. Vì nghề giáo, không phải dạy bằng kiến thức mà bằng chính mẫu hình của mình. Thầy cô phải dạy học trò những điều tử tế, dẫn dụ bằng những câu chuyện thực tế mới là quan trọng.

Như vậy, đạo đức nhà giáo không thể phân tầng được, không thể là bậc I, bậc II, bậc III. Dù năng lực ở bậc nào cũng đòi hỏi giáo viên phải có phẩm chất, có đạo đức.

Do đó, việc xếp loại đạo đức đi theo các thang bậc chuyên môn là không phù hợp, nói đúng hơn là tất cả đều có một chuẩn chung về đạo đức. Nếu khư khư xếp hạng, bắt giáo viên phải tự đánh giá đạo đức theo thứ bậc là sai về mặt nguyên lý, sai về mặt thực tiễn và hệ lụy còn lớn hơn. Đó là, thiếu sự tôn trọng, thiếu động viên thầy cô giáo.

Trong nền kinh tế thị trường, nếu làm hình thức thì người ta càng dễ đối phó, cùng "a dua" xếp hạng, không tạo ra động lực, chưa kể trong giáo dục phải trung thực, không thể là “hàng rởm”.

Vậy theo ông, đạo đức nhà giáo bao gồm những tiêu chí, chuẩn mực nào?

Tôi sẵn sàng bù những phẩm chất tốt đẹp của thầy cô giáo cho những năng lực còn thiếu chứ không thể chấp nhận tài năng nhưng thiếu đạo đức.

Cá nhân tôi cho rằng, tiêu chuẩn chính của nhà giáo là phải tâm huyết, sáng tạo. Không thể mang giáo án “cũ mèm” từ mấy chục năm trước cứ thế dạy. Xã hôi thay đổi, khoa học phát triển, người thầy cần sáng tạo để chuyển tải được tri thức đến con trẻ, giúp con trẻ tiếp thu và biến thành giá trị của nó, để trẻ vận dụng vào cuộc sống.

Ngoài ra, nhà giáo phải có niềm tin về sứ mệnh của người thầy, làm sao cho học trò của mình thay đổi, sống hạnh phúc hơn để phát triển tài năng.

Do vậy, cả thầy lẫn trò đều cần văn hóa phát triển vì đạo đức không phải bức tranh đẹp. Đạo đức của con người phải gắn với đời sống hằng ngày và phát triển chứ không phải tự “dán nhãn”.

Phát triển bản thân trước hết phải tự đổi mới tư duy, đổi mới cách nghĩ, đổi mới cách làm để ra kết quả. Đồng thời, phải tận tâm với công việc, tận tâm với chính sự nghiệp của bản thân mỗi người, phải theo đuổi đến cùng, phải luôn học hỏi và hợp tác với nhau để làm ra những cái tốt hơn.

Người thầy không phải thần thánh mà phải biết trừ đi những cái xấu xí, bảo thủ, lạc hậu. Nhân cách, nhân phẩm của người thầy không thể bị đánh đổi bởi bất cứ điều gì. Có đội ngũ nhà giáo thực sự có phẩm chất, có tài năng mới tạo ra những lứa học trò hạnh phúc.

Xin cảm ơn ông!

(thực hiện)