📞

Xòe Thái dưới góc nhìn hội nhập

HÀ ANH 10:00 | 12/10/2019
TGVN. Xòe Thái được Chính phủ đồng ý cho xây dựng Hồ sơ quốc gia trình UNESCO xét duyệt vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại, nhưng việc phát huy giá trị của di sản này trong bối cảnh toàn cầu hóa vẫn là câu chuyện còn bàn luận nhiều...
Màn xòe Thái tại Yên Bái.

Lần đầu tiên một hội thảo khoa học quốc tế về “Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Xòe Thái trong xã hội đương đại” đã được tổ chức tại Hà Nội, thu hút sự tham gia của hơn 100 đại biểu trong và ngoài nước. Đây cũng là cơ hội để các chuyên gia Việt Nam và quốc tế, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý địa phương, các nghệ nhân cùng thảo luận về các khía cạnh lý luận và thực tiễn xung quanh việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Xòe khá cấp thiết hiện nay.

Câu chuyện đi tìm giá trị mới

Có thể nhận thấy sự quan tâm đặc biệt của các chuyên gia, nhà nghiên cứu về những thách thức bảo vệ Xòe Thái trong bối cảnh đương đại và dòng chảy hiện đại hóa, đặc biệt là những cơ hội và thách thức cho di sản này ngay cả khi được UNESCO vinh danh.

"Xòe Thái mang một sắc Thái riêng, mang tính cội rễ. Trong thời kỳ hội nhập và phát triển của đất nước việc bảo tồn, quảng bá Xòe Thái chính là công việc thiết thực bảo lưu, kế thừa và phát huy tính văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc".

Nghệ nhân Lò Văn Biến tại thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái

Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên Phạm Việt Dũng phải thừa nhận rằng, Xòe truyền thống của dân tộc Thái tại địa phương đang có nguy cơ bị mai một rõ. Bên cạnh những điệu Xòe truyền thống, trong sinh hoạt cộng đồng đã xuất hiện và đan xen những điệu nhảy và âm nhạc hiện đại. Thế hệ trẻ khi Xòe đã không thể hiện được động tác nhịp nhàng, tinh tế như những người cao tuổi. Có nhiều điệu Xòe đến nay chỉ còn đọng lại trong trí nhớ của một số người đam mê, am hiểu về nó...

Nêu câu chuyện thực tế tại Hàn Quốc, GS.TS. Hahm Hanhee - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Di sản văn hóa phi vật thể Hàn Quốc cho biết kể từ năm 1960, Hàn Quốc tập trung vào việc bảo vệ các di sản văn hóa đang phải đối mặt với rủi ro lớn về mai một và biến đổi do hiện đại hóa và công nghiệp hóa và Luật Bảo vệ Tài sản Văn hóa (CPPL) được thông qua năm 1962.

Cũng theo ông Hanhee, không ít nghệ nhân và cộng đồng địa phương ở Hàn Quốc rất khao khát được liệt kê trong Danh sách đại diện của UNESCO. Họ tin rằng việc vào Danh sách này là vinh dự nhưng lại không thực sự quan tâm đến những gì Công ước nói về hoặc việc ghi danh thực sự đại diện cho điều gì. Bởi vậy, nhiều di sản văn hóa phi vật thể dần sẽ biến mất hoặc biến thành hình thức và nội dung nghệ thuật khác...

Thực trạng trên không phải là chuyện lạ ở Việt Nam. Về việc phát huy giá trị Xòe, TS. Lê Thị Minh Lý - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia Nghệ thuật quan tâm đến việc tích hợp nghệ thuật này với hoạt động tại cộng đồng. Tuy nhiên, quan trọng hơn là làm thế nào để Xòe thực sự có sức sống mới, công chúng mới và giá trị mới.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó Giám đốc Trung tâm văn hóa tỉnh Điện Biên, hiện nay nghệ thuật Xòe Thái không chỉ riêng của dân tộc Thái mà cần nhân rộng, giới thiệu giao thoa cùng với các dân tộc khác vì múa Xòe có đầy đủ ý nghĩa về sự đoàn kết, tính nhân văn, tính giáo dục rất cao.

Lào là quốc gia có nhiều loại hình di sản gần gũi với Xòe. TS. Souksavatd Bountheng đến từ Học viện Khoa học xã hội Lào chia sẻ, việc gìn giữ Sae Thái cổ truyền ở Lào cũng đang gặp khó, chưa nói đến việc sáng tạo và nâng cấp. Dù có lúc thăng trầm, vũ điệu Sae Thái ở Lào vẫn được quan tâm để lan tỏa sức sống lâu bền hơn.

Tận dụng công nghệ, tại sao không?

Khi bàn về việc bảo vệ di sản múa, GS.TS. So Inhwa, Trung tâm Gugak Quốc gia Hàn Quốc cho biết trước đây, người dân Hàn Quốc rất hiếm khi múa điệu múa truyền thống trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, Chính phủ Hàn Quốc đã nỗ lực hồi sinh, tái lập bản sắc dân tộc Hàn Quốc trong xã hội phương Tây và năm 1951 đã lập Trung tâm Gugak Quốc gia tập hợp các nhạc sĩ và vũ công truyền thống. Cũng để lan tỏa sức sống của múa, nhóm nhạc pop nổi tiếng BTS đã sử dụng điệu múa trống, múa quạt và múa mặt nạ dân gian Hàn Quốc trong các màn trình diễn hiện đại gây ấn tượng mạnh với người hâm mộ trên toàn cầu.

Chia sẻ kinh nghiệm này, TS. Barley Norton, Đại học London (Anh) cũng cho rằng việc sản xuất các tài liệu nghe nhìn là một phần trong quá trình lan tỏa di sản ở nhiều nơi trên thế giới. Qua việc tìm hiểu các clip Xòe Thái trong tháng 9/2019 trên YouTube, TS. Barley Norton cho biết các bài đăng này đã thu hút hàng trăm lượt người xem. Ông khẳng định, trong xã hội đương đại, các phương tiện kỹ thuật số sẽ giúp nhiều người quan tâm đến di sản văn hóa hơn. Bởi vậy, việc bảo tồn và phát huy nên tính đến việc phổ biến nghe nhìn trong môi trường phương tiện truyền thông mới luôn thay đổi như ngày nay.

“Nghệ thuật Xòe Thái là di sản văn hóa phi vật thể tràn đầy sức sống và tương lai có thể góp phần vào bức tranh đại diện của nhân loại. Nghệ thuật này cần được nghiên cứu, vừa bảo tồn vừa tái sáng tạo để tạo ra những giá trị mới gia tăng. Phải làm sao để Xòe Thái hội nhập được với đời sống đương đại, được giới trẻ và công chúng thưởng thức, sử dụng như một sản phẩm văn hóa mới nhưng không bị xói mòn những giá trị cốt lõi tạo thành bản sắc của Xòe Thái”.

TS. Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia