📞

Xứ sở của đồng tiền đá ở Thái Bình Dương

Xuân Sơn 12:30 | 13/03/2024
Là một trong 2.100 hòn đảo tạo nên các quốc gia độc lập của Micronesia tại Thái Bình Dương, đảo Yap là nơi sinh sống của khoảng 12.000 người và họ sử dụng những đĩa đá vôi khổng lồ gọi là Rai làm tiền tệ giao dịch.
Người dân Đảo Yap sử dụng những đĩa đá vôi khổng lồ làm phương tiện giao dịch trung gian thay cho tiền tệ. (Nguồn: Amusing Planet)

Sở dĩ đá có tên "Rai" (cá voi trong tiếng địa phương) vì hình dáng ban đầu của chúng giống cá voi. Dù chưa rõ nguồn gốc loại tiền này nhưng các nhà khảo cổ đã phát hiện những tảng đá dẹt có niên đại lên tới 2.000 năm tuổi trên đảo.

Ban đầu, người dân chạm khắc đá Rai từ các mỏ đá hoặc hang động ở đảo Palau, cách đảo Yap khoảng 400km. Đá Rai được làm từ đá vôi do vật liệu này có bề mặt sáng bóng, làm nổi bật loại đá này so với vật thể khác trên đảo. Chúng được tạo thành hình chiếc đĩa tròn lớn, có khoét lỗ để cắm cây sào qua, với đường kính từ 7-360cm, nặng tới 5 tấn. Cũng có những viên Rai nhỏ hơn có đường kính 7-8cm nên rất thuận tiện trong trao đổi.

Đá Rai sau khi hoàn thành sẽ được vận chuyển bằng xà lan do ca nô kéo đưa về đảo Yap trong thời gian khoảng 1-2 tuần. Thời gian và công sức vận chuyển, cũng như kích thước của đá có tác động đến mệnh giá đồng Rai.

Vì giá trị và sức nặng của "đồng tiền" này, người dân trên đảo đều tự ý thức chúng thuộc về ai nên việc trộm cắp hầu như không xảy ra. Hiện có khoảng 6.500 đồng Rai phân bổ rải rác trên khắp các đảo.

Dù người dân chuyển sang dùng đồng USD vào thế kỷ 20, đồng Rai vẫn được tin dùng trong các giao dịch đặc biệt như thỏa thuận chính trị, quà hồi môn. (Nguồn: Amusing Planet)

Trong quá khứ, thuyền trưởng người Mỹ gốc Ireland David O'Keefe từng được người bản xứ giúp đỡ trong vụ đắm tàu gần đảo Yap. Sau đó, ông hỗ trợ người dân lấy những đồng tiền Rai. Đổi lại, thuyền trưởng này nhận nhiều món hàng như cùi dừa và hải sâm.

Việc buôn bán giao dịch bằng đá Rai không còn thịnh hành vào đầu thế kỷ XX do tranh chấp thương mại giữa Tây Ban Nha và Đức trong khu vực. Trong Thế chiến II, khi Nhật Bản chiếm đảo Yap, người Nhật dùng loại đá này để xây dựng hoặc làm mỏ neo.

Đến thế kỷ XX, người đảo Yap đã sử dụng đồng USD để thay thế cho đồng Rai. Tuy nhiên, trong một số giao dịch đặc biệt như thỏa thuận chính trị, quà hồi môn, đồng Rai vẫn được sử dụng.

(theo Times of India)