Oversea Filipino Workers không phải xếp hàng khi xuất nhập cảnh. |
Tuy nhiên, lượng kiều hối to lớn từ “Oversea Filipino Workers” - đóng góp khoảng hơn 10% GDP/năm cho nền kinh tế nước này có lợi về lâu dài cho phát triển kinh tế nói chung và phát triển xã hội nói riêng cho Philippines hay không lại là một câu hỏi lớn.
Thành công đến từ đâu?
Xuất phát từ tình trạng thiếu việc làm trầm trọng trong nước và nhu cầu cần công nhân của các nước xuất khẩu dầu mỏ Vùng Vịnh những năm 1960 - 1980, Tổng thống Ferninand Marcos đã xác định tăng thêm thu nhập quốc gia bằng xuất khẩu lao động sang các nước Trung Đông. Ngay từ thời kỳ đó, bộ máy vận hành công tác này đã được chính phủ thiết lập. Hai loại tổ chức được phép đứng ra tuyển người lao động là các công ty tư nhân được Bộ Lao động cấp phép và Cơ quan quản lý lao động Philippines (POEA). POEA đồng thời là cơ quan đảm bảo quyền lợi của người lao động ở nước ngoài. Các cơ quan tuyển người phải chịu hoàn toàn trách nhiệm giải quyết mọi vấn đề liên quan đến người lao động, nếu không sẽ bị thu hồi giấy phép và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Với hệ thống này, Philippines đã hạn chế được các trường hợp đáng tiếc xảy ra như chủ không thanh toán đúng hợp đồng, ngược đãi, buôn bán người hoặc lao động trốn sau khi hết hợp đồng…
Sớm coi xuất khẩu lao động là một mũi nhọn để phát triển kinh tế nên các chính sách liên quan đến xuất khẩu lao động đã được chú trọng từ rất sớm với hai ưu tiên là xuất khẩu lao động cả phổ thông, tay nghề cao và trí thức thay vì di dân dài hạn. Ngoại hối thu về sẽ được dùng để đầu tư vào các dự án trong nước. Lao động ở nước ngoài được coi là “người hùng” và được hưởng các chính sách ưu đãi của Chính phủ như miễn thuế giá trị gia tăng, con cái được giảm học phí và bảo hiểm y tế, không phải xếp hàng khi xuất nhập cảnh…
Từ đó, các dịch vụ chuyển tiền từ nước ngoài nở rộ và trở thành hiển nhiên tại Philippines. Bộ Lao động, POEA và các cơ quan đại diện của Philippines đều có trách nhiệm thực hiện chính sách thúc đẩy công tác xuất khẩu lao động của Chính phủ, cũng như đảm bảo quyền lợi của người lao động. Do đó, bất cứ vấn đề gì xảy ra với người lao động, như bạo loạn ở Libya, Iraq hay các trường hợp lao động bị ngược đãi hoặc bị buộc tội tử hình, Chính phủ đều giải quyết nhanh chóng và thấu đáo.
Lao động Philippines được đánh giá nói tiếng Anh tốt, kỷ luật, cởi mở và lễ phép. Từ nhiều chương trình dạy nghề phù hợp với nhu cầu, các lao động được đào tạo từ Cơ quan dạy nghề/cấp phép dạy nghề của Chính phủ (TESDA) còn được phổ biến về văn hóa, hoặc được dạy những câu bản ngữ căn bản. Do đó, các lao động có chứng chỉ của TESDA được đánh giá rất cao.
Lợi và hại?
Không thể phủ nhận thành công của công tác xuất khẩu lao động đã giúp Philippines có nguồn ngoại hối dồi dào, lên tới 23 tỷ USD năm 2013 (tăng gấp ba trong 10 năm so với 7.6 tỷ USD năm 2003) và dự kiến năm 2014 đạt gần 25 tỷ USD. Tuy nhiên, nguồn ngoại hối trên chưa giúp Philippines xóa đói giảm nghèo thành công. 39% dân số Philippines (tương đương với 8.5 triệu hộ gia đình) vẫn thuộc diện đói nghèo, với tổng thu nhập dưới 135 USD/tháng.
Tại sao vậy? Vì những người nghèo nhất không phải là đối tượng hưởng lợi từ chính sách ưu tiên xuất khẩu lao động. Để được các công ty tư nhân hoặc POEA tuyển chọn, ứng viên phải đóng một khoản phí/ đặt cọc nhất định để làm thủ tục và trải qua các khóa dạy nghề hoặc phải có chứng chỉ nhất định. Những hộ đói nghèo của Philippines vì vậy, thường không phải là những người được xuất khẩu lao động.
Tư tưởng ỷ lại vào xuất khẩu lao động ảnh hưởng không nhỏ đến nội lực và phát triển kinh tế bền vững của Philippines. Hầu hết người dân đều coi việc đi xuất khẩu lao động là cơ hội duy nhất để tăng thu nhập. Các lao động được đào tạo bài bản đều đã, đang và sẽ xuất khẩu lao động. Việc thiếu đi lao động có tay nghề, tri thức khiến những ngành thiết yếu cho phát triển kinh tế không được đầu tư, chú trọng. Ngoài ra, những gia đình có nguồn thu từ người thân làm việc ở nước ngoài cũng không quan tâm tìm việc làm hay làm việc trong nước.
Để hạn chế điều này, Philippines đang phát triển dịch vụ thuê ngoài cho các công ty nước ngoài để hướng lao động tay nghề cao về nước làm việc. Tuy nhiên, đây chưa phải nền móng cho sự phát triển, nên chưa giải quyết được gốc rễ của vấn đề xóa đói giảm nghèo.
Xuất khẩu lao động ngày càng tác động đến văn hóa, xã hội của Philippines, trong đó giáo dục và y tế trở thành hai lĩnh vực thiếu nhân lực trầm trọng. Đội ngũ giáo viên, bác sĩ Philippines đều hướng tới tìm việc làm ở nước ngoài thay vì trong nước, cho dù có phải đi với tư cách y tá hay người giúp việc. Do đó, người nghèo không được hưởng dịch vụ giáo dục, y tế tốt. Ngoài ra, những đứa con có bố mẹ xuất khẩu lao động có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của các tệ nạn xã hội hoặc có vấn đề về tâm lý.
Quỳnh Phương
Bí thư thứ hai Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines