Bản tin xuất khẩu ngày 1-3/5: Lần đầu tiên mật ong Việt Nam có nguy cơ bị điều tra chống bán phá giá. (Nguồn: Printerest) |
Mật ong Việt Nam có nguy cơ bị điều tra chống bán phá giá
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) vừa nhận được thông tin Bộ Thương mại Mỹ (DOC) tiếp nhận hồ sơ yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm mật ong xuất xứ từ 5 quốc gia gồm: Argentina, Brazil, Ấn Độ, Ukraine và Việt Nam.
Đây là lần đầu tiên mật ong của Việt Nam có nguy cơ bị điều tra, áp biện pháp phòng vệ thương mại và có thể là vụ việc điều tra phòng vệ thương mại thứ ba trên thế giới. Trước đó, năm 2001, Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá đối với mật ong Trung Quốc và điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với mật ong Argentina.
Theo quy định, DOC xem xét tiến hành khởi xướng điều tra vụ việc trong vòng tối đa 20 ngày kể từ ngày nhận đơn kiện (21/4/2021).
Theo Cục Phòng vệ thương mại, hàng hóa bị điều tra là mật ong thô được phân loại theo mã HS 0409.00. Thời kỳ điều tra bán phá giá đề xuất từ 1/10/2020 đến 31/3/2021 và thời điểm điều tra thiệt hại từ ngày 1/1/2018.
Số liệu từ hải quan Mỹ cho thấy, kim ngạch xuất khẩu mật ong của Việt Nam vào thị trường này đạt khoảng 50.700 tấn trong năm 2020, chiếm khoảng 25,8% tổng lượng nhập khẩu mật ong của Hoa Kỳ.
Cục Phòng vệ thương mại cho biết thêm, Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) đang xem xét đơn kiện của nguyên đơn để đưa ra kết luận về đánh giá mức độ thiệt hại của ngành sản xuất mật ong tại Hoa Kỳ trong 45 ngày kể từ ngày nhận đơn.
Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, ước tính tháng 4/2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 27 tỷ USD, giảm 5,1% so với tháng trước và tăng 43,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 102,61 tỷ USD, tăng 30,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 35,69 tỷ USD, tăng 24,8%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 66,92 tỷ USD, tăng 34,2%.
Đáng chú ý, trong 4 tháng đầu năm 2021 có 19 mặt hàng nhập khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm 77,4% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Về cơ cấu nhập khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm 2021, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 96,31 tỷ USD, tăng 31,4% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 93,9% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa. Nhóm hàng tiêu dùng ước đạt 6,3 tỷ USD, tăng 22,5% và chiếm 6,1%.
Về thị trường nhập khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm nay, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 33,1 tỷ USD, tăng 47,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tiếp theo là Hàn Quốc đạt 16,9 tỷ USD, tăng 16,9%; thị trường ASEAN đạt 14,1 tỷ USD, tăng 48,2%; Nhật Bản đạt 7,2 tỷ USD, tăng 10,5%; thị trường EU đạt 5,3 tỷ USD, tăng 16,6%; Mỹ đạt 5,1 tỷ USD, tăng 7,9%.
Thép không gỉ xuất khẩu vào Malaysia bị áp thuế tối đa gần 24%
Theo Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công nghiệp và Thương mại quốc tế Malaysia (MITI) mới đây đã ban hành kết luận cuối cùng trong vụ việc điều tra chống bán phá giá (CBPG) đối với thép không gỉ cán nguội (Cold rolled stainless steel) có xuất xứ từ Việt Nam và Indonesia.
Cụ thể, MITI quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam và Indonesia với mức thuế áp dụng từ 7,81% đến 23,84% đối với các nhà sản xuất, xuất khẩu Việt Nam và từ -0,2% đến 34,82% đối với các nhà sản xuất, xuất khẩu Indonesia.
Trước đó, ngày 28/7/2020, MITI thông báo khởi xướng điều tra vụ việc trên cơ sở hồ sơ yêu cầu của ngành sản xuất nội địa.
Hàng hóa bị điều tra là thép không gỉ cán nguộn dạng cuộn, tấm hoặc hình dạng khác, được phân loại theo mã AHTN: 7219.31.00.00, 7219.32.00.00, 7219.33.00.00, 7219.34.00.00, 7219.35.00.00; 7220.20.10.00; 7220.90.00.
Doanh nghiệp xuất khẩu hơn 70 tấn trái cây sang Mỹ, Hàn Quốc mỗi ngày
Dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 nhưng Công ty TNHH Sản xuất Chế biến nông sản Cát Tường (tại xã Đạo Thạnh, Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) đã nỗ lực tìm kiếm thị trường đưa một lượng lớn trái cây của nhà vườn ĐBSCL xuất khẩu sang thị trường khó tính.
Cụ thể, từ Tết Nguyên đán năm 2021 đến nay, mỗi ngày Công ty TNHH Sản xuất Chế biến nông sản Cát Tường đưa từ 6-10 container trái xoài và thanh long xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản (tương đương hơn 70 tấn).
Trái cây doanh nghiệp này xuất khẩu có giá trị cao hơn tiêu thụ nội địa từ 2-3 lần, cho lợi nhuận bình quân 1USD/kg. Để đạt tiêu chuẩn trái cây xuất khẩu, doanh nghiệp Cát Tường đã chủ động nguồn nguyên liệu 100 ha thanh long tại tỉnh Tiền Giang và hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các hợp tác xã, nhà vườn ở các tỉnh Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp để mua xoài, thanh long.
Các trái cây sản xuất phải đảm bảo an toàn sinh học, phải qua xử lý nhiệt bằng máy VHT trước khi đóng gói đưa xuống tàu vận chuyển đến đối tác ngoài nước.
Ông Ðoàn Văn Sang, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Chế biến nông sản Cát Tường cho biết, hướng tới doanh nghiệp sẽ tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là các thị trường khó tính. Công ty có kế hoạch mở đại lý thu mua nhiều loại trái cây ở các địa phương trong cả nước, tăng cường liên kết với nhà vườn, hợp tác xã sản xuất trái cây theo tiêu chuẩn sạch.
Theo ông Sang: "Trái cây bắt buộc phải làm các quy trình, không sử dụng các loại thuốc cấm. Trái cây phải được bao trái an toàn, có những điều kiện về vùng trồng, có đóng gói và có chiếu sạ”.