📞

Xuất khẩu ngày 1-4/12: Giá gạo cao kỷ lục trong gần 1 thập kỷ, hiệu ứng đòn bẩy từ các FTA và xuất khẩu thủy sản sẽ cán đích

Hoàng Nam 07:59 | 04/12/2020
TGVN. Giá nông sản xuất khẩu tăng do nhu cầu phục hồi, các hiệp định thương mại tự do tác động tích cực đến kim ngạch xuất khẩu, tin vui từ xuất khẩu thủy sản… là những tin chính trong bản tin xuất khẩu ngày 1-4/12.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, xuất khẩu gạo năm 2020 sẽ cán mốc trên 6 triệu tấn. (Nguồn: Lao Động)

Nhu cầu phục hồi đẩy giá nông sản tăng

Theo Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại tháng 11 của Bộ Công Thương, nhu cầu thị trường thế giới trong những tháng cuối năm đang có dấu hiệu phục hồi, đẩy kim ngạch xuất khẩu của một loạt nông sản Việt Nam như gạo, cà phê, điều... bật tăng.

Cụ thể, trong tháng 11/2020, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm thủy sản ước đạt 2,22 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ 2019. Những mặt hàng ghi nhận sự tăng trưởng so với tháng 11/2019 là thủy sản tăng 4,7%, hạt điều tăng 6,6%, hạt tiêu tăng 33,5%, gạo tăng 23,8%, cao su tăng 15,8%...

Đáng chú ý, nhu cầu thế giới phục hồi cũng kéo theo giá xuất khẩu hầu hết các mặt hàng nông, thủy sản đều tăng so với tháng trước cũng như cùng kỳ năm 2019.

Theo đó, giá xuất khẩu bình quân cà phê đạt 1.963 USD/tấn trong tháng 11/2020, tăng 5,7% so với tháng 10/2020 và tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2019; giá xuất khẩu hạt tiêu tăng 3,6% so với tháng 10/2020 và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2019; nhân điều đạt 6.207 USD/tấn, tăng 3,5% so với tháng trước; giá xuất khẩu cao su tăng 8,8% so với tháng 10/2020 và tăng 15% so với cùng kỳ năm 2019.

Giá xuất khẩu gạo cao kỷ lục

Trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu, tăng giá mạnh nhất là gạo. Giá xuất khẩu gạo trong tháng 11/2020 đạt bình quân 534 USD/tấn, tăng 1% so với tháng 10/2020 và tăng 16% so với cùng kỳ năm 2019. Trong 11 tháng năm 2020, gạo cũng là mặt hàng có giá xuất khẩu tăng mạnh nhất, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2019, đạt bình quân 496 USD/tấn.

Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo trắng 5% tấm của Việt Nam tính đến ngày 25/11/2020 dao động ở mức 495-500 USD/tấn, cao hơn so với các nhà cung cấp khác trong khu vực như Thái Lan (475-485 USD/tấn) hay Ấn Độ (366-370 USD/tấn). Đây là mức giá cao nhất trong vòng 9 năm qua.

Theo các chuyên gia, bên cạnh nhu cầu trữ lương thực của các nước trước dịch bệnh Covid-19, giá gạo Việt xuất khẩu ở mức cao do chiếm phần lớn trong sản lượng gạo xuất khẩu là các loại gạo chất lượng cao, gạo thơm ngon hơn trước. Đặc biệt, việc gạo thơm ST25 đoạt giải gạo ngon nhất thế giới cũng góp phần tăng giá trị cho hạt gạo Việt. Chỉ trong tháng qua, giá gạo xuất khẩu nước ta tăng từ 20 đến 30 USD/tấn so với tháng trước đó.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, xuất khẩu gạo năm 2020 sẽ cán mốc trên 6 triệu tấn. Kỳ vọng, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) tiếp tục là đòn bẩy để thúc đẩy xuất khẩu gạo vào thị trường tiềm năng này và dự báo giá bán sẽ còn tăng, ổn định trong năm tới.

Khai thác tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA)

Theo Bộ Công Thương, thời gian qua, hàng hóa Việt Nam đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới từ việc tận dụng các FTA đã có hiệu lực và đang tiếp tục đàm phán, ký kết. Khi cộng đồng doanh nghiệp tận dụng tốt hơn cơ hội từ các FTA sẽ là yếu tố tích cực thúc đẩy quá trình xuất khẩu hàng hóa.

Ngày 15/11, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mà Việt Nam là thành viên đã chính thức được ký kết, mang lại cơ hội lớn cho Việt Nam khi quy mô thị trường của các quốc gia tham gia hiệp định chiếm hơn 32% tổng GDP toàn cầu với hơn 2,2 tỷ dân và sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới.

Việc ký kết RCEP có ý rất lớn trong bối cảnh hiện nay, mở ra những cơ hội mới cho nền kinh tế cũng như doanh nghiệp Việt trong một sân chơi kinh tế rộng lớn.

Xuất khẩu thuỷ sản có thể đạt mốc 8,58 tỷ USD năm nay

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, xuất khẩu thuỷ sản của cả năm 2020 có thể cán đích 8,58 tỷ USD.

VASEP cho hay, sau khi giảm liên tục trong nửa đầu năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam bắt đầu hồi phục từ tháng 7 và có tăng trưởng 2 con số từ tháng 9, nhờ xuất khẩu tôm duy trì tăng ổn định và các sản phẩm hải sản cũng có tín hiệu khả quan từ tháng 8. Sau khi tăng 10% trong tháng 9, tăng 12% trong tháng 10 đạt mức đỉnh 919 triệu USD, xuất khẩu thủy sản tháng 11/2020 tiếp tục tăng 13% so với cùng kỳ năm 2019 đạt 868 triệu USD.

Theo VASEP, nhờ sự hồi phục trong 3 tháng gần đây, xuất khẩu thủy sản đến cuối tháng 11 chạm mức tương đương cùng kỳ năm 2019 là trên 7,8 tỷ USD. Dự báo xuất khẩu thủy sản cả năm 2020 sẽ đạt tương đương năm 2019 với 8,58 tỷ USD.

Thống kê cho thấy, trong top 6 thị trường chính tháng 11, thị trường Mỹ, EU và Trung Quốc đều có tăng trưởng dương lần lượt là 25%, 30% và 15%.

Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ từ tháng 6 tăng mạnh với mức tăng cao hơn qua các tháng. Lũy kế hết tháng 11, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này đạt trên 1,5 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2019. Ước tính cả năm xuất khẩu thủy sản sang Mỹ đạt 1,65 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2019.

Thị trường EU hồi phục mạnh từ tháng 9 với mức tăng 19-30%. Lũy kế 11 tháng, xuất khẩu sang EU đạt 900 triệu USD, giảm 3,8%. Ước tính xuất khẩu sang EU (trừ Anh) trong năm 2020 đạt khoảng 992 triệu USD, giảm 2,4% so với năm 2019.

Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc tháng 11 tăng 19% sau khi tăng 27% và 16% trong tháng 9 và tháng 10. Lũy kế xuất khẩu sang Trung Quốc 11 tháng năm 2020 đạt 1,3 tỷ USD, tăng 3,4% và cả năm 2020 ước đạt 1,48 tỷ USD, tăng gần 5%. Tuy nhiên, thị trường này đang có động thái kiểm soát chặt nhập khẩu thủy hải sản do lo sợ lây nhiễm Covid-19, do vậy, mức tăng xuất khẩu sang Trung Quốc dự báo thấp hơn trong những tháng tới.

Xuất khẩu cao su tháng 11 tăng 15,8% so với cùng kỳ

Theo ước tính của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 11/2020 đạt 200 nghìn tấn, trị giá 303 triệu USD, tăng 2,6% về lượng và tăng 11,6% về trị giá so với tháng 10/2020. So với tháng 11/2019, tăng 0,7% về lượng và tăng 15,8% về trị giá, giá xuất khẩu bình quân tăng 15% so với cùng kỳ năm 2019 lên mức 1.513 USD/tấn.

Lũy kế 11 tháng năm 2020, xuất khẩu cao su ước đạt 1,51 triệu tấn, trị giá 1,99 tỷ USD, tăng 0,4% về lượng, nhưng giảm 1,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019, giá xuất khẩu bình quân ở mức 1.324 USD/tấn, giảm 1,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Đối với thị trường xuất khẩu, Cục Xuất nhập khẩu dẫn số số liệu thống kê của Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ cho thấy, 9 tháng năm 2020, Mỹ nhập khẩu 1,21 triệu tấn cao su, trị giá 2,12 tỷ USD, giảm 19,6% về lượng và giảm 25,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.

Trong 9 tháng năm 2020, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 14 cho Mỹ với 17,62 nghìn tấn, trị giá 25,71 triệu USD, giảm 25% về lượng và giảm 17,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019; thị phần cao su Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu cao su của Mỹ chiếm 1,4%, giảm nhẹ so với mức 1,5% của 9 tháng đầu năm 2019.

Triển vọng xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Mỹ phụ thuộc rất lớn vào hiệu quả kiểm soát dịch Covid-19 và tốc độ phục hồi kinh tế của quốc gia này.

(tổng hợp)