Khai mạc chương trình kết nối giao thương giữa nhà cung cấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại. (Nguồn: Báo Công Thương) |
Kết nối nhà cung cấp vùng đồng bằng sông Cửu Long với doanh nghiệp xuất khẩu
Sáng 5/8, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương khai mạc chương trình kết nối giao thương giữa nhà cung cấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại tại TP. Hồ Chí Minh.
Hội nghị đã thu hút hơn 300 đại biểu tham dự, là đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực miền Nam; các Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch, các Hiệp hội ngành hàng, Đại sứ quán, tổ chức Xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam và các doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc chương trình, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng đã tác động tới hoạt động xuất nhập khẩu của mọi quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Hiện nay Việt nam đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện linh hoạt “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Để góp phần tháo gỡ khó khăn cho các nhà sản xuất trong bối cảnh thị trường tiêu thụ vẫn còn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh và căng thẳng về chính trị trên thế giới hiện nay, Bộ Công Thương đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành cùng các địa phương trên cả nước nói chung, các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam nói riêng, để giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu, các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu tới các cơ quan xúc tiến thương mại quốc tế, các nhà nhập khẩu, các nhà thu mua chế biến xuất khẩu Việt Nam cũng như các nhà phân phối Việt Nam, quốc tế.
Ngoài ra, Hội nghị cũng sẽ cung cấp thông tin, giải pháp giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa trực tiếp vào các mạng lưới phân phối nước ngoài và tham gia hiệu quả chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.
Xuất khẩu rau quả sẽ khả quan hơn trong những tháng cuối năm 2022
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả trong quý II/2022 đạt 830,2 triệu USD, giảm 2,2% so với quý trước, giảm 21,7% so với quý II/2021. Trong nửa đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 1,68 tỷ USD, giảm 17,1% so với năm 2021.
Tháng 7/2022 xuất khẩu rau quả tăng trưởng tháng thứ 2 liên tiếp, ước đạt 260 triệu USD, tăng 0,3% so với tháng 6/2022, nhưng giảm 1,8% so với tháng 7/2021. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, tổng trị giá xuất khẩu rau quả đạt ước 1,7 tỷ USD, giảm 17,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Đáng chú ý, thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc đang có nhiều tín hiệu tích cực. Hoạt động thông quan mặt hàng rau quả qua các cửa khẩu biên giới đất liền với Trung Quốc thuận lợi hơn.
Cục Xuất Nhập khẩu nhận định, xuất khẩu rau quả của Việt Nam có nhiều triển vọng tăng trưởng sang thị trường này, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, bởi nhu cầu tiêu thụ hàng rau quả tại thị trường Trung Quốc sẽ tăng mạnh.
Cũng theo Cục Xuất nhập khẩu, các tín hiệu tích cực khi một số mặt hàng rau quả của Việt Nam gần đây được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc góp phần nâng cao trị giá xuất khẩu hàng rau quả trong thời gian tới.
Từ 1/7/2022, phía Trung Quốc đã đồng ý nhập khẩu thí điểm chanh leo Việt Nam qua các cửa khẩu thuộc tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc; ngày 11/7/2022 Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã kí Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Hiện khu vực châu Á là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam trong nửa đầu năm 2022, tuy nhiên tỷ trọng xuất khẩu rau quả sang khu vực này đang có xu hướng giảm.
Đáng chú ý, hàng rau quả xuất khẩu sang khu vực châu Mỹ tăng tỷ trọng xuất khẩu trong nửa đầu năm 2022, đạt 162,1 triệu USD, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu sang thị trường EU đạt 144,4 triệu USD, giảm 6,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Đây là các khu vực có tiêu chuẩn khắt khe đối với hàng rau quả, vì vậy xuất khẩu rau quả được vào các thị trường này, ngành hàng rau quả của Việt Nam có kỳ vọng xuất khẩu sang nhiều thị trường khác và làm giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Nhiều dư địa cho các sản phẩm từ tre
Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu sản phẩm từ tre khoảng 300 - 400 triệu USD, tuy nhiên, phát triển ngành tre Việt vẫn thiếu tiêu chuẩn riêng và hành lang pháp lý.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Vai trò của tre nguyên liệu đối với sự phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm tre Việt Nam” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các đơn vị tổ chức vào sáng 4/8, tại Hà Nội.
Tổng quan về cây tre Việt Nam, theo bà Nguyễn Thị Hoàng Yến – Phó Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), hiện tổng diện tích tre Việt Nam khoảng 1.592.205 ha phân bố hầu hết tại các tỉnh trên cả nước, có 37/63 tỉnh có diện tích trên 10.000 ha.
Với 6,5 tỷ cây, hàng năm khai thác 500 – 600 triệu cây, khoảng 2,5-3 triệu tấn. Sản phẩm chính gồm nguyên liệu thô/vật liệu xây dựng; chiếu/mành; tre đan; dụng cụ gia đình… Hiện, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu sản phẩm từ tre khoảng 300 – 400 triệu USD, trong đó, thị trường xuất khẩu chính gồm EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc…
Mặc dù cây tre có nhiều ý nghĩa trong sinh kế gia đình và kinh tế quốc dân; hấp thụ các bon và chống biến đổi khí hậu; sử dụng nguyên liệu “xanh” thay cho gỗ tự nhiên và hợp chất hóa học; phát triển du lịch sinh thái và cảnh quan kiến trúc; lưu giữ và bảo tồn các giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, ngành tre Việt Nam cũng đang đối diện với những khó khăn trong phát triển bền vững.
Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, hiện nay có rất ít nguồn giống tốt và đang có dấu hiệu suy thoái giống. Diện tích đang bị thu hẹp, trình độ canh tác thấp, quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; hạ tầng phục vụ sản xuất chưa được đầu tư; công nghệ chế biến lạc hậu so với thế giới; thiếu chính sách hỗ trợ phát triển và sản xuất kinh doanh; vốn đầu tư ban đầu cao, quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; sản phẩm lưu thông, tiêu thụ trên thị trường nội địa chủ yếu là sản phẩm thô, tươi; sản phẩm còn chưa đa dạng, chưa quan tâm đến quản lý chất lượng; thiếu sự gắn kết giữa các tác nhân trong chuỗi cả về chiều dọc và chiều ngang; công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu tre còn yếu và thiếu thông tin thị trường.
Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Diện – Vụ trưởng Vụ Phát triển sản xuất lâm nghiệp (Tổng cục Lâm nghiệp – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) – đánh giá, hiện cả nước có 251 doanh nghiệp chế biến tre, trong đó 95% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ; doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn (trên 15 tỷ đồng) chiếm khoảng 5%.
Hiện, sản phẩm từ tre Việt Nam xuất khẩu đến gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 5 thị trường xuất khẩu chính là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Hà Lan. Tuy nhiên, ứng dụng khoa học công nghệ của các doanh nghiệp chưa được chú trọng. Hiện có khoảng 10 nghìn lao động làm việc tại các doanh nghiệp chế biến tre, khoảng trên 300 nghìn lao động nông thôn tham gia vào hoạt động trồng, khai thác, chế biến tre, hầu hết lao động chưa qua đào tạo tại các trường.
Hỗ trợ doanh nghiệp Việt tiếp cận thị trường Bờ Biển Ngà
Hội thảo, giao thương trực tuyến Kết nối kinh doanh Việt Nam – Bờ Biển Ngà nằm trong Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2022, do Cục Xúc tiến thương mại phối hợp tổ chức.
Phát biểu tại sự kiện, ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương chia sẻ, đây là một hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam và Bờ Biển Ngà kết nối, trao đổi trực tuyến về khả năng hợp tác, kinh doanh, tiến tới giao dịch trực tiếp trong điều kiện cho phép.
Giao thương trực tuyến Kết nối kinh doanh Việt Nam – Bờ Biển Ngà ngày 4/8. (Nguồn: Bộ Công Thương) |
Bà Đặng Thị Thu Hà – Đại sứ Việt Nam tại Morocco (kiêm nhiệm Bờ Biển Ngà) thông tin, Bờ Biển Ngà là một trong những nền kinh tế hàng đầu của khu vực Tây Phi. Với dân số xấp xỉ 26,5 triệu người, Bờ Biển Ngà được đánh giá có sức tiêu thụ hàng hóa mạnh, trong khi yêu cầu về tiêu chuẩn sản phẩm lại không quá khắt khe. Xuất khẩu Việt Nam sang Bờ Biển Ngà những năm gần đây ngày càng tăng cao, đứng đầu trong số các thị trường châu Phi nói tiếng Pháp.
Đặc biệt, ngày 30/5/2019 Hiệp định Thương mại tự do châu Phi với sự tham gia của 54 quốc gia đã có hiệu lực, đưa châu Phi sẽ trở thành khu vực mậu dịch tự do lớn nhất về số nước tham gia kể từ khi Tổ chức Thương mại Thế giới được thành lập. Đây sẽ là yếu tố thuận lợi để hàng Việt Nam thâm nhập vào Bờ Biển Ngà và từ đây tới các nước khác ở châu Phi.
Chia sẻ cụ thể về tình hình hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam và Bờ Biển Ngà, ông Nguyễn Phúc Nam-Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương cho hay, Bờ Biển Ngà là đối tác thương mại lớn thứ 2 tại châu Phi, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam tại châu lục này.
Trong giai đoạn từ năm 2017-2021, trung bình mỗi năm tổng giá trị xuất nhập khẩu hai chiều đã đạt hơn 1 tỷ USD. Năm 2021, thương mại song phương ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ sau khoảng thời gian sụt giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, với tổng kim ngạch đạt gần 1,26 tỷ USD, tăng 38,7% so với năm 2020; trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 266,2 triệu USD, tăng 1,2% và nhập khẩu đạt 992,3 triệu USD, tăng 54%.
Trong số các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Bờ Biển Ngà, gạo chiếm ưu thế. Việt Nam hiện là một trong năm đối tác xuất khẩu gạo lớn nhất vào Bờ Biển Ngà, chiếm trung bình khoảng 30% - 40% tổng trị giá nhập khẩu gạo của nước này. Xuất khẩu gạo từ Việt Nam vào Bờ Biển Ngà đã tăng hơn 106% trong giai đoạn 5 năm trở lại đây, từ mức 207 nghìn tấn năm 2017 lên hơn 428 nghìn tấn năm 2021, với trị giá tăng 136,7% từ 92 triệu USD năm 2017 lên hơn 218 triệu USD năm 2021.
Về mặt hàng nhập khẩu, điều thô là nguyên liệu mà Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu hàng năm lên đến 2 triệu tấn và Bờ Biển Ngà là quốc gia sản xuất, có sản lượng hạt điều lớn nhất thế giới.