📞

Xuất khẩu ngày 10-12/2: Riêng tháng 1/2023, thương mại Việt-Trung đạt hơn 10 tỷ USD; gạo Quảng Trị 'thẳng tiến' đến châu Âu

Vân Chi 20:04 | 13/02/2023
Tháng 1/2023, thương mại Việt Nam-Trung Quốc đạt hơn 10 tỷ USD; gạo hữu cơ Quảng Trị "thẳng tiến" đến châu Âu... là những tin nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 10-12/2.
Ngày 8/1, Trung Quốc thông báo mở các cửa khẩu biên giới để đẩy mạnh thương mại hàng hóa. (Nguồn: Báo Công Thương)

Tháng 1/2023, thương mại Việt Nam-Trung Quốc đạt hơn 10 tỷ USD

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 1, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 3,87 tỷ USD.

Nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất là điện thoại và linh kiện với kim ngạch đạt 1,7 tỷ USD.

Chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa của nước ta từ quốc gia láng giềng đạt 7,23 tỷ USD trong tháng 1.

Hàng hóa nhập khẩu đa dạng từ sản phẩm, linh kiện điện tử; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; nguyên phụ liệu; hàng tiêu dùng; hàng nông sản… Với tổng kim ngạch hơn 11 tỷ USD, Trung Quốc là đối tác thương mại song phương duy nhất của Việt Nam có quy mô kim ngạch hơn 10 tỷ USD trong tháng đầu năm.

Trước đó, năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 175,57 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 57,7 tỷ USD, trong khi nhập khẩu 117,87 tỷ USD.

Trong quan hệ thương mại, tính bổ sung lẫn nhau trong cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước vẫn rất lớn. Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc các sản phẩm nông sản nhiệt đới, thủy sản, dệt may, điện thoại, máy tính, sản phẩm điện tử, đồng thời nhập khẩu từ Trung Quốc các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất, nông sản ôn đới...

Hiện nay, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với một số mặt hàng nông sản của Việt Nam (thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với nhóm hàng rau quả, sắn và các sản phẩm từ sắn, cao su; thị trường xuất khẩu lớn thứ ba với nhóm hàng thủy sản, chỉ sau Mỹ, Nhật Bản).

Với vị trí địa lý gần gũi, nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc có sức cạnh tranh mạnh mẽ, góp phần tích cực vào tăng trưởng của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.

Ngày 8/1, Trung Quốc thông báo mở các cửa khẩu biên giới để đẩy mạnh thương mại hàng hóa, trong đó có thương mại nông sản, đây là tin mừng cho các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc.

Bên cạnh đó, thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện triển khai truyền thông mạnh mẽ các quy định theo Lệnh 248 và 249 của Hải quan Trung Quốc về yêu cầu đối với các quốc gia, vùng lãnh thổ, doanh nghiệp muốn xuất khẩu chính ngạch nông sản sang thị trường này phải tuân thủ: Mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phải bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu. Các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, doanh nghiệp xuất khẩu do phía Trung Quốc phê duyệt, cấp mã số.

Đến nay, Hải quan Trung Quốc đã cấp 435 mã số doanh nghiệp xuất nhập khẩu theo Lệnh 248. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cấp hơn 2.000 mã số vùng trồng và 1.438 mã số cơ sở đóng gói sản phẩm nông sản.

Để đảm bảo việc xuất khẩu nông sản, thủy sản, lâm sản phát triển bền vững, thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai rất mạnh xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm để phục vụ xuất khẩu, trong đó có xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Để gia tăng xuất khẩu sang Trung Quốc, dần tiến tới cân bằng cán cân thương mại, Bộ Công Thương khuyến cáo công tác tổ chức sản xuất, các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương của Việt Nam cần xây dựng chiến lược phát triển ngành, xây dựng thương hiệu; xây dựng vùng sản xuất, nuôi trồng chuyên canh tập trung, quy mô lớn; định hướng sản xuất, nuôi trồng theo tín hiệu thị trường. Trong quản lý chất lượng, tăng cường quản lý giám sát chất lượng hàng xuất khẩu từ nuôi trồng đến gia công; tăng cường tập huấn và nhân rộng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP...

Để tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, cần tận dụng hiệu quả cơ chế hợp tác giữa hai nước. Đồng thời, cần xây dựng lộ trình, kế hoạch mở cửa thị trường cho mặt hàng xuất khẩu, đánh giá kỹ năng lực sản xuất trong nước và nhu cầu của thị trường.

Cá khô, chả cá thu "đắt hàng"

Dù không phải mặt hàng thuỷ sản chủ lực, nhưng trong năm 2022 xuất khẩu cá khô và chả cá cũng giúp Việt Nam thu về gần 737 triệu USD.

Năm 2022, xuất khẩu thuỷ sản của nước ta thắng lớn và lập kỷ lục lịch sử khi kim ngạch đạt gần 11 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2021.

Đáng nói, trong rổ hàng thuỷ sản xuất khẩu, ngoài các dòng sản phẩm chủ lực như tôm, cá tra, cá ngừ, cá đông lạnh có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, thì mặt hàng chả cá và cá khô cũng đem về nguồn ngoại tệ lớn.

Thống kê cho thấy, Việt Nam xuất khẩu khoảng 281 nghìn tấn cá khô và chả cá, thu về gần 737 triệu USD, chiếm 6,8% tổng giá trị thuỷ sản xuất khẩu trong năm 2022.

Riêng xuất khẩu cá khô tăng tới 41,3% về lượng và tăng 31,7% về giá trị so với năm 2021.

Ông Trương Đình Hoè - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, khách hàng chính của các dòng sản phẩm cá khô và chả cá của Việt Nam gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Thái Lan và Trung Quốc. Trong đó, cá khô được xuất nhiều sang Hàn Quốc, Nga và Trung Quốc; còn chả cá xuất chủ yếu xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan...

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2022, trong bối cảnh lạm phát tăng cao, những sản phẩm thủy sản dễ chế biến ở nhà, tiện dụng, dễ bảo quản và có mức giá phù hợp là xu hướng tiêu dùng và nhập khẩu thủy sản ở hầu hết các thị trường. Đây cũng là một trong những nguyên nhân giúp các mặt hàng thuỷ sản của Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh.

Gạo hữu cơ Quảng Trị "thẳng tiến" đến châu Âu

Ngày 13/2, tại TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, Công ty CP Nông sản hữu cơ Quảng Trị (QTOrganic) tổ chức lễ xuất khẩu lô gạo hữu cơ Quảng Trị đầu tiên sang thị trường châu Âu.

Sau khi đạt các thỏa thuận về giá cả, tiêu chí kiểm định, Công ty NHP Provide, s.r.o (Cộng hòa Séc) và Công ty Cổ phần Nông sản hữu cơ Quảng Trị - đã hoàn thành các thủ tục xuất khẩu 15 tấn gạo hữu cơ Quảng Trị sang thị trường châu Âu.

15 tấn gạo này sẽ được chuyển đến cảng Đà Nẵng và xuất khẩu vào giữa tháng 2/2023 với giá 1.800 USD/tấn.

Cắt băng đánh dấu lô hàng gạo hữu cơ Quảng Trị đầu tiên xuất sang thị trường châu Âu. (Nguồn: Báo Công Thương)

Sau lô hàng 15 tấn trên, dự kiến mỗi tháng sẽ có khoảng 30-50 tấn gạo hữu cơ Quảng Trị xuất khẩu sang châu Âu nếu được thị trường chấp nhận.

Được biết, vào năm 2017, Công ty Cổ phần nông sản hữu cơ Quảng Trị đã liên kết với nông dân ở các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh, Hải Lăng, Triệu Phong ở tỉnh Quảng Trị để trồng lúa hữu cơ.

Bà Phạm Thị Diễm Lệ, Giám đốc Công ty QTOrganic cho biết, trước đó doanh nghiệp đã có khảo sát và làm việc với nhiều khách hàng lớn tại châu Âu và Mỹ. Sau khi đạt các thỏa thuận về giá cả, tiêu chí kiểm định, Công ty NHP Provide, s.r.o (Cộng hòa Séc) và Công ty QTOrganic đã hoàn thành các thủ tục xuất khẩu 15 tấn gạo hữu cơ Quảng Trị sang thị trường châu Âu với giá bán 1.800 USD/tấn.

Qua trồng thử nghiệm rồi nhân rộng, mỗi ha lúa hữu cơ cho năng suất 5,5-6 tấn lúa. Do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và áp dụng các quy trình nghiêm ngặt, nên không chỉ đạt năng suất về lúa, mà cá tôm sinh sôi trở lại trên đồng ruộng.

Sau khi thu hoạch, lúa hữu cơ được doanh nghiệp thu mua tại chân ruộng với giá cao hơn nhiều so với lúa trồng theo phương pháp thông thường.

Gạo sản xuất ra được doanh nghiệp và chính quyền địa phương xây dựng thương hiệu gạo hữu cơ Quảng Trị, bày bán ở nhiều địa phương, được người tiêu dùng trên toàn quốc biết đến và yêu thích.

Đặc biệt, vào năm 2019, tại Hà Nội, Trường Đại học Hiroshima Nhật Bản phát hiện và công bố gạo hữu cơ Quảng Trị dung hợp được hai hợp chất quý là Momilactone A và Momilactone B vốn có tác dụng chống bệnh tiểu đường, gút, béo phì.

Ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho hay, khi gạo hữu cơ được xuất khẩu thuận lợi sang thị trường châu Âu, nông dân làm lúa hữu cơ ở địa phương sẽ được nâng cao đời sống và thu nhập. Vì vậy, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đề nghị ngành nông nghiệp tỉnh rà soát lại các diện tích đang trồng lúa, diện tích nào đáp ứng được yêu cầu thì chuyển sang trồng lúa hữu cơ.

(tổng hợp)