📞

Xuất khẩu ngày 10-13/8: Ấn Độ không áp thuế chống bán phá giá gỗ MDF từ Việt Nam; nhập khẩu ô tô tăng 111%, nông sản vào Nga vẫn khó

Hoàng Nam 08:14 | 13/08/2021
Ấn Độ không áp thuế chống bán phá giá gỗ MDF từ Việt Nam; bất chấp dịch Covid-19, nhập khẩu ô tô vẫn tăng 111%; nông sản Việt vào Nga gặp khó… là những tin chính trong bản tin xuất khẩu ngày 10-13/8.
Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu sang Nga 86 ngàn tấn cà phê, trị giá 153 triệu USD, chiếm tỷ trọng 39,4% về lượng và 24,3% về trị giá. (Nguồn: Foodyoushouldtry)

Ấn Độ không áp thuế chống bán phá giá gỗ MDF nhập khẩu từ Việt Nam

Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), ngày 12/8, Bộ Tài chính Ấn Độ đã ban hành quyết định không áp thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm gỗ MDF có độ dày dưới 6mm nhập khẩu từ Việt Nam, Malaysia, Thái Lan và Indonesia.

Vụ việc được Tổng vụ Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương Ấn Độ khởi xướng điều tra từ tháng 4/2020. Số liệu từ Hải quan Việt Nam cho thấy, trong năm 2019, giai đoạn trước khi Ấn Độ khởi xướng điều tra, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ MDF dưới 6mm của Việt Nam sang Ấn Độ là 2,3 triệu USD.

Cùng ngày, Cục Phòng vệ thương mại cũng thông báo, theo đề nghị của các bên liên quan, Tổng vụ Phòng vệ thương mại Ấn Độ (DGTR) - Bộ Công Thương Ấn Độ cũng đã thông báo gia hạn thời hạn nộp Bản trả lời câu hỏi vụ việc Ấn Độ điều tra rà soát cuối kỳ lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm sợi đàn hồi filament (Elastomeric Filament Yarn) có xuất xứ từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam tới ngày 20/8/2021.

Do đó, các bên liên quan cần nộp bản trả lời theo địa chỉ email: adg15-dgtr@gov.in; adv13-dgtr@gov.in; dir16-dgtr@gov.in; dd15-dgtr@gov.in.

Quy mô xuất nhập khẩu vượt 375 tỷ USD

Theo Tổng cục Hải quan, tháng 7/2021, kim ngạch xuất nhập khẩu đều đạt tín hiệu khả quan.

Cụ thể, trong cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa, kim ngạch xuất khẩu tháng 7 đạt 27,86 tỷ USD, tăng trưởng 2,4% so với tháng 6. Trong đó, xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt gần 20 tỷ USD, tăng 3,4%.

Kết quả xuất khẩu tháng 7 là hết sức đáng khích lệ trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp trên phạm vi cả nước, nhất là các tỉnh, thành khu vực phía Nam với những trọng điểm kinh tế như TP. H.ồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai…

Tăng trưởng ấn tượng nhất là điện thoại các loại và linh kiện; dệt may; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; sắt thép…

Lũy kế hết tháng 7, xuất khẩu cả nước đạt 186,35 tỷ USD tăng 26,2% so với cùng kỳ 2020. Ở chiều nhập khẩu, kim ngạch tháng 7 đạt 29,1 tỷ USD tăng 5,3% so với tháng trước và nâng tổng kim ngạch trong 7 tháng lên 188,76 tỷ USD tăng 35,8% so với cùng kỳ 2020.

Như vậy, hết tháng 7, quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 375 tỷ USD và nước ta nhập siêu hơn 2,4 tỷ USD.

Xuất nhập khẩu hàng hóa nửa cuối năm được dự báo đối diện với những thuận lợi và thách thức đan xen. Theo đó, dịch bệnh là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sẽ phụ thuộc rất lớn vào tốc độ kiểm soát dịch bệnh.

Bất chấp Covid-19, Việt Nam vẫn chi hơn 2 tỷ USD nhập khẩu ô tô

Ngày 12/8, Tổng cục Hải quan cho biết, tháng 7/2021, cả nước nhập khẩu 14.407 ô tô nguyên chiếc các loại, tổng kim ngạch gần 291 triệu USD. Lũy kế 7 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu 95.525 ô tô, kim ngạch đạt 2,13 tỷ USD (tăng 111% về lượng và 107% về kim ngạch so với cùng kỳ 2020).

Tháng 7, Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc vẫn là ba thị trường dẫn đầu, có lượng xe xuất khẩu sang Việt Nam từ 1.000 chiếc trở lên.

Trong đó, Thái Lan vẫn duy trì vị thế số một với 7.008 xe, kim ngạch gần 132,8 triệu USD, qua đó nâng kết quả trong 7 tháng lên 47.493 xe, kim ngạch 890,7 triệu USD.

Tính trị giá bình quân (chưa thuế), mỗi ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 37.263 USD/xe, cao hơn nhiều so với Thái Lan (18.723 USD/xe) và gấp 2 lần trị giá bình quân ô tô nhập khẩu từ Indonesia (chỉ 12.440 USD/xe).

Theo tìm hiểu, sở dĩ trị giá bình quân ô tô nguyên chiếc của Trung Quốc cao hơn nhiều so với 2 thị trường lớn ở Đông Nam Á do xe nhập khẩu ở nước láng giềng này là ô tô chuyên dụng và ô tô tải, trong khi Thái Lan và Indonesia tập trung vào dòng xe du lịch (ô tô con) và xe bán tải chở người với phân khúc bình dân.

Cụ thể như trong tháng 6 vừa qua, bình quân ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống có trị giá hơn 18.300 USD/xe, trong khi ô tô tải gần 23.350 USD/chiếc và ô tô chuyên dụng lên đến gần 49.330 USD/xe.

Tháng 7/2021, Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc vẫn là ba thị trường dẫn đầu, có lượng xe xuất khẩu sang Việt Nam từ 1.000 chiếc trở lên. (Nguồn: Thương trường)

Có nhiều lợi thế, nông sản Việt Nam vào Nga vẫn gặp khó

Với thị trường tiêu dùng và bán lẻ rộng lớn, đa dạng hàng hóa nhập khẩu, Nga được đánh giá là mảnh đất đầy tiềm năng cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam.

Trong cơ cấu mặt hàng, các sản phẩm nông sản hai nước cơ bản không cạnh tranh trực tiếp với nhau mà bổ sung cho nhau. Đặc biệt, với những ưu đãi thuế quan từ Hiệp định Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU), mặt hàng nông sản sẽ có nhiều cơ hội xâm nhập sâu hơn vào thị trường này.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang Nga trong thời gian gần đây tăng trưởng khá cao. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2021, nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước, như: rau quả tăng 50,8%, hạt điều tăng 47,6%, hạt tiêu tăng 61,9%, cao su tăng 266,6%.

Tuy nhiên, cũng có một số mặt hàng bị giảm kim ngạch xuất khẩu, đó là cà phê, chè và gạo (giảm đến 75%).

Theo Thương vụ Việt Nam tại Nga, nguyên nhân chủ yếu làm xuất khẩu gạo Việt Nam sang Nga giảm là do giá gạo Việt Nam cao hơn gạo của các nước khác khoảng 100-150 USD/tấn nên khó cạnh tranh, đặc biệt là gạo từ Ấn Độ.

Đối với cà phê, hiện cà phê có thương hiệu của Việt Nam hầu như không có trên kệ hàng của các chuỗi siêu thị tại Nga. Nguyên nhân chính là cà phê Việt Nam được nhập khẩu vào nước này ở dạng nguyên liệu thô (khoảng 99% là cà phê rang xay).

Trong năm 2019, Việt Nam xuất khẩu sang Nga 86 ngàn tấn cà phê, trị giá 153 triệu USD, chiếm tỷ trọng 39,4% về lượng và 24,3% về trị giá. Trong khi đó, Italy chỉ xuất khẩu vào Nga 15,6 ngàn tấn cà phê nhưng đạt kim ngach 105 triệu USD, vì 100% cà phê của Ý xuất sang Nga là cà phê đã qua chế biến có thương hiệu.

Do đó, để tăng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng cà phê, cũng như các mặt hàng khác mà Việt Nam có ưu thế, Thương vụ Việt Nam tại Nga khuyến nghị: Các doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu kỹ, tận dụng ưu đãi của Hiệp định EAEU, mạnh dạn đầu tư vào sản xuất và tiêu thụ hàng hóa tại Nga.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam luôn gặp khó khăn trong khâu cung cấp hàng với số lượng lớn ổn định và dài hạn. Vì vậy, cần xây dựng được chuỗi kho hàng với trữ lượng lớn và ổn định tại thị trường này.

Tân Cảng nói gì về việc tàu hàng xuất khẩu gạo phải nằm chờ?

Hiện nhu cầu xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp Việt rất cao, nhưng các doanh nghiệp không giao hàng được. Nguyên nhân do tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng diễn ra từ ngoài đồng, đến nhà máy, đến giao ra cảng và lên tàu cho khách hàng.

Theo Bộ Công Thương, hiện giá lúa gạo đang thấp hơn so với cùng kỳ năm trước khoảng 500-600 đồng/kg. Cùng đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh, doanh nghiệp không thuê được tàu, hoặc container để xuất hàng cho đối tác, dẫn đến hàng hóa ùn ứ ở cảng và kho rất lớn.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinafood 1 Bùi Thị Thanh Tâm cho biết, đơn vị còn tồn hơn 118.000 tấn gạo trong các kho, trữ lượng hàng tồn từ 70% đến 86% tổng diện tích kho của các công ty.

Theo Lao Động, bà Phạm Thị Thúy Vân - Phó Giám đốc Marketing Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, các hoạt động của cảng Cát Lái và các cảng trong hệ thống vẫn bình thường, thông suốt. Việc tiếp nhận hàng, nhất là các mặt hàng xuất khẩu được ưu tiên.

Riêng đối với bến đóng gạo 125 trong cảng Cát Lái tạm dừng để phòng chống dịch do 1 nhân viên đội kiểm tra bị F0 đã lan ra một số F1, để đảm bảo an toàn Tân Cảng đã ngưng đóng gạo tại bến 125.

Khi tạm dừng bến này, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đã triển khai dịch vụ đóng gạo tại các điểm khác, như: ICD Tân cảng Nhơn Trạch, Thốt Nốt, Cái Cui, Hiệp Phước...

Cùng với đó, đơn vị cung cấp dịch vụ đóng gạo tại kho của khách hàng, vận chuyển về Cát Lái xuất tàu. Lượng hàng đóng tại các kho doanh nghiệp chiếm hơn 60% lượng gạo xuất khẩu. Hiện đơn vị đang tăng cường dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp vận chuyển hàng về cảng.

Liên quan đến việc một số tàu hàng gạo đang phải nằm chờ, đại diện Tân Cảng Sài Gòn cho biết, hiện xuất khẩu gạo Việt Nam có 2 đường, 1 là hàng rời và 1 là bằng container. Hiện cảng Cát Lái chỉ đóng hàng container, và gạo chỉ là một phần trong nhiều mặt hàng khác và đang nhận hàng bình thường.

Theo đó, tàu chỉ chở gạo không thì đó là hàng rời sẽ không vào cảng Cát Lái mà vào cảng thuộc về cảng Sài Gòn gồm: Cảng Tân Thuận, Hiệp Phước Nam Sài Gòn do đó những tàu đang chờ đó là tàu hàng rời không vào Cát Lái.

(tổng hợp)