Quả sầu riêng Việt Nam được niêm yết giá bán 7.800 Yên (khoảng 1,4 triệu đồng) tại siêu thị Nhật Bản. (Nguồn: Báo Công Thương) |
Sầu riêng Việt Nam vượt Thái Lan, "đắt hàng" tại Nhật Bản
Ông Tạ Đức Minh - Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản - cho biết, theo số liệu của Hải quan Nhật Bản, trong 2 tháng đầu năm nay, số lượng sầu riêng tươi nhập khẩu từ Việt Nam đã vượt hàng nhập khẩu từ Thái Lan.
Đặc biệt, sản phẩm sầu riêng tươi đông lạnh của Việt Nam chiếm vị thế áp đảo và có rất nhiều doanh nghiệp tham gia nhập khẩu với số lượng lớn để đưa vào các siêu thị Nhật Bản bán quanh năm.
Cũng theo ông Tạ Đức Minh, sầu riêng cùng với nhãn tươi của Việt Nam đang là những loại trái cây bán chạy ở Nhật Bản, nhưng giá bán cao nên người tiêu dùng chủ yếu là những khách hàng có thu nhập ở mức cao. Nhóm khách hàng ăn nhiều nhất vẫn là cộng đồng người Trung Quốc và một số nước khối ASEAN đã quen ăn sầu riêng.
Theo doanh nghiệp chuyên nhập khẩu cung cấp trái cây tươi vào Nhật Bản, hiện nay giá sầu riêng tươi nhập khẩu từ Việt Nam bán ở Nhật Bản đã tăng gần gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Cụ thể, tháng 4/2022, giá sầu riêng bán lẻ đến người tiêu dùng chỉ khoảng 9 - 10 USD/kg, còn hiện nay đã lên tới 17 - 18 USD/kg. Giá sầu riêng Việt Nam chỉ đứng sau hàng của Thái Lan là 21 USD/kg và cao hơn hàng của Phillippines chỉ có 14 - 15 USD/kg.
Giá sầu riêng Việt Nam tăng mạnh là do tác động từ khi Trung Quốc mở cửa biên giới từ ngày 8/1. Thị trường Trung Quốc có sức hút hàng rất lớn, đẩy mạnh thu gom sầu riêng Việt Nam khiến thị trường Nhật Bản bị đứt nguồn cung trong hơn 2 tháng. Điều này khiến sầu riêng của Việt Nam liên tục tăng giá ở thị trường Nhật Bản.
Sầu riêng Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản với 2 sản phẩm là quả tươi và sầu riêng bóc múi đông lạnh. So với sầu riêng tươi, sầu riêng đông lạnh giá "mềm" hơn, khoảng 14 - 15 USD/kg. Sản phẩm này được nhập khẩu và bán quanh năm, không phụ thuộc vào mùa vụ như trái tươi.
Hàn Quốc áp hạn ngạch với tôm xuất khẩu
Chính sách hạn ngạch (quota) và thuế nhập khẩu tôm mà Hàn Quốc áp với sản phẩm tôm Việt Nam đang làm khó hoạt đông xuất khẩu tôm sang thị trường này.
Đó là lý do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đề nghị Chính phủ rà soát và làm việc với chính phủ Hàn Quốc xem xét việc bãi bỏ quota nhập khẩu tôm từ Việt Nam hoặc có các giải pháp liên quan đến việc điều chỉnh thuế suất về 0% cho tôm Việt Nam trong Hiệp định Thương mại tự do song phương Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA).
Theo VASEP, VKFTA là FTA song phương giữa Việt Nam-Hàn Quốc, thực thi từ năm 2015 đến nay, tưởng như tạo thuận lợi về thương mại và thuế quan nhập khẩu cho sản phẩm tôm Việt Nam. Tuy nhiên, theo thông tin chi tiết từ các doanh nghiệp, thì sản phẩm tôm Việt Nam nhập khẩu vào Hàn Quốc đang bị "vướng" quy định về hạn ngạch.
Đó là tình trạng Chính phủ Hàn Quốc yêu cầu đấu giá mua hạn ngạch nhập khẩu tôm từ Việt Nam vào nước này với giá 14-16% giá trị nhập khẩu.
Tin liên quan |
Việt Nam được dự báo là quốc gia sản xuất tôm chủ lực của thế giới |
Nếu ngoài quota thì mức thuế nhập khẩu là 20%. Như vậy, nhập khẩu tôm Việt Nam vào Hàn Quốc chịu mức thuế 14-20%. Đây là một bất lợi lớn và làm giảm sức cạnh tranh của tôm Việt Nam trên thị trường Hàn Quốc.
Trong khi, Peru và Hàn Quốc cũng có FTA (thuế 20% giảm theo lộ trình 5 năm từ tháng 8/2011, đến nay đã về 0%), nhưng sản phẩm tôm Peru xuất vào thị trường Hàn Quốc không có quota và thuế đã về 0%.
Mỗi năm, Hàn Quốc nhập khẩu trên 100.000 tấn tôm với giá trị từ 800 triệu USD – 1 tỷ USD. Trong đó, tôm Việt Nam luôn chiếm thị phần cao nhất trên 50%. Số lượng tôm xuất khẩu sang Hàn Quốc của Việt Nam đã hơn 50.000 tấn, tức là hiện tại đã cao gấp 3-4 lần số lượng trong quota (15.000 tấn với mức thuế nhập khẩu 0%).
Đối với nguồn cung từ Peru, từ 2018-2022, nhập khẩu tôm vào Hàn Quốc từ Peru tăng gấp 10 lần. Riêng năm 2022, nhập khẩu tôm vào Hàn Quốc từ Peru ghi nhận mức tăng trưởng mạnh 176% so với năm 2021.
2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc đạt hơn 46 triệu USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc những tháng đầu năm nay đi theo xu hướng giảm chung trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, lạm phát tăng, sức mua giảm.
Năm 2022, Hàn Quốc là thị trường có nhu cầu tiêu thụ tôm ổn định, cộng với lợi thế khoảng cách vận chuyển gần, lạm phát không căng thẳng như các nước phương Tây. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc năm 2022 đạt 468 triệu USD, tăng 26% so với năm 2021.
Trong 5 năm (2018-2022), xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc tăng trưởng khá ổn định từ 386 triệu USD năm 2018 lên 468 triệu USD năm 2022, tăng 21%. Đặc biệt, các sản phẩm tôm chân trắng xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng trưởng cao và liên tục từ năm 2019 đến nay.
Để cải thiện khả năng cạnh tranh của tôm Việt Nam trên thị trường Hàn Quốc và gia tăng xuất khẩuu vào thị trường này, Vasep đã kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành rà soát và kiến nghị với phía Hàn Quốc xem xét việc bãi bỏ hạn ngạch nhập khẩu tôm từ Việt Nam và có giải pháp liên quan đến việc điều chỉnh thuế suất về 0% cho tôm Việt Nam trong VKFTA (giống Peru).
Nhờ lực đẩy CPTPP, thủy sản Việt Nam giữ "ngôi vương" tại thị trường Australia
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Australia từng là thị trường nhập khẩu thủy sản đứng thứ 9 của Việt Nam vào năm 2018. Đến năm 2022, sau 4 năm Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, Australia đã vươn lên trở thành thị trường nhập khẩu đơn lẻ đứng thứ 6 của thủy sản Việt Nam.
Đáng chú ý, kể từ năm 2018 tới năm 2022, trong Top 6 thị trường, chỉ có Australia có kim ngạch nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam tăng trưởng liên tục. Từ mức 197 triệu USD năm 2018 xuất khẩu thủy sản đã tăng 85% lên 365 triệu USD năm 2022. Tỷ trọng của thị trường Australia do vậy cũng tăng từ 2,2% lên 3,3% tổng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Thị trường mở rộng cửa cùng với các ưu đãi thuế quan từ Hiệp định CPTPP mang lại cơ hội gia tăng xuất khẩu thủy sản sang Australia trong thời gian qua.
Tăng đột phá và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các sản phẩm xuất khẩu sang Australia sau 4 năm là tôm chân trắng. Năm 2022, xuất khẩu sản phẩm này sang Australia đạt 259,5 triệu USD, tăng 171% so với 112 triệu USD năm 2018, trước khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực. Doanh thu từ tôm đã chiếm 71% giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2022, so với năm 2018 con số này là 49%.
Australia đang là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Australia. (Nguồn: VASEP) |
Trái lại, xuất khẩu cá tra sang thị trường Australia bị giảm tỷ trọng từ 24% xuống còn 10%. So với năm 2018, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Australia giảm 18%, từ 47 triệu USD xuống còn 38 triệu USD.
Nằm trong Top 3 các mặt hàng thủy sản xuất khẩu sang Australia có cá chẽm (barramundi) chiếm 6% doanh số xuất khẩu với giá trị gần 21 triệu USD năm 2022. Cá chẽm xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là sản phẩm nuôi của công ty Australia tại Việt Nam. Cá chẽm là loài được ưa chuộng không chỉ ở Australia mà cả ở Mỹ vì dễ chế biến, thịt nạc, ít xương.
Ngoài ra, Australia cũng nhập khẩu một lượng đáng kể các sản phẩm hải sản khác của Việt Nam và có doanh số tăng mạnh trong những năm qua. Ví dụ, cá trích tăng 158% sau 5 năm, cá ngừ tăng 81%, cá đục tăng 143%, cá chai tăng 255%, nghêu tăng 68%, nước mắm tăng 190%...
Trong những năm qua, quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Australia có nhiều bước phát triển mạnh mẽ, trong đó, hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước là điểm sáng, với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 đạt gần 15,7 tỷ USD, tăng gần 27% so với năm 2021, đưa Australia trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam và Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Australia.
Riêng lĩnh vực thủy sản, Việt Nam đang giữ vị trí số 1 trên thị trường Australia, chiếm 23% nhập khẩu thủy sản của Australia năm 2022. Tỷ trọng này cao hơn rất nhiều so với con số 13% cách đây 5 năm, cho thấy sự bứt phá mạnh mẽ của hàng thủy sản Việt Nam sang Australia nhờ mối quan hệ hợp tác thương mại tốt đẹp và các hiệp định FTA với thị trường này. Đặc biệt, sau Hiệp định CPTPP, các sản phẩm thủy sản như tôm, cá tra, hải sản của Việt Nam nhập khẩu vào Australia đều được hưởng mức thuế 0%.
Trong cuộc hội kiến ngày 4/4 vừa qua với Toàn quyền Australia David Hurley nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị Australia tạo thuận lợi hơn nữa cho các mặt hàng nông, thủy sản Việt Nam tiếp cận thị trường Australia để cân bằng cán cân thương mại song phương.
Nhiều chuyên gia kỳ vọng, sau chuyến công tác này, giao thương thủy sản Việt Nam với Australia sẽ nâng lên mức cao mới.
Số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, quý I/2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Australia đạt 63 triệu USD, giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm chân trắng giảm 34%, xuất khẩu cá tra giảm 26%, cá chẽm giảm 34%,…
Bối cảnh của năm 2023 thị trường Australia cũng không tránh khỏi tác động của vòng xoáy lạm phát thực phẩm khiến cho tiêu thụ bị ảnh hưởng và sụt giảm.
Lạm phát của Australia ở mức 6,7%, vẫn cao hơn nhiều so với phạm vi mục tiêu 2 - 3% của Ngân hàng Dự trữ Australia. Nhưng báo cáo mới nhất cho thấy lạm phát tại nước này đang giảm nhanh hơn dự kiến. Do vậy, thương mại thủy sản với Australia dự báo sẽ hồi phục dần trong nửa cuối năm 2023 này.
| Trung Quốc nhập kỷ lục hành, hẹ, tỏi Việt Nam; nhiều nhóm hàng tỷ USD sang Mỹ giảm tốc ... là những tin nổi bật ... |
| Đẩy mạnh đàm phán FTA, thúc đẩy đưa hàng Việt vào thị trường Mỹ Latinh; gạo xuất khẩu Việt Nam tăng vọt về giá trị, ... |
| Khủng hoảng ngân hàng thế giới, xuất khẩu "khó chồng khó"; VinFast chuẩn bị 'xuất xưởng' 1.800 xe điện sang Mỹ, Canada... là những tin ... |
| Mỹ giữ "ngôi vương'' là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam; tận dụng FTA để thúc đẩy nông sản Việt sang thị ... |
| Xuất khẩu ngày 7-9/4: Giá gạo xuất khẩu tăng cao kỷ lục; nhóm hàng chủ lực 'đuối sức' Giá gạo xuất khẩu tăng cao nhất 10 năm qua; nhóm hàng chủ lực "đuối sức"; Việt Nam lọt top 4 quốc gia châu Á ... |