Chanh dây đạt chất lượng cao xuất khẩu đi thị trường EU mang lại lợi nhuận cao cho nông dân. (Nguồn: Kingfood) |
Xuất khẩu thủy sản sang các thị trường giảm tới 50%
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, trải qua hơn một tháng hoạt động trong hoàn cảnh giãn cách xã hội và phương thức hoạt động 3 tại chỗ, trong bối cảnh Covid-19 căng thẳng tại TP. Hồ Chí Minh và 18 tỉnh phía Nam và các tỉnh Nam Trung Bộ, kết quả xuất khẩu thủy sản tháng 8/2021 đã phản ánh rõ mức độ ảnh hưởng đối với ngành thủy sản.
Cụ thể, xuất khẩu sang Trung Quốc và Nhật Bản đều giảm mạnh 36%, sang Liên minh châu Âu (EU) giảm 32% (riêng sang Hà Lan giảm gần 50%, Đức giảm 42%). Xuất khẩu sang Mỹ và Nga giảm ít nhất là 16%. Xuất khẩu sang Anh giảm 48%, sang Australia và Canada giảm 35% và 37%.
Với kim ngạch 588 triệu USD, xuất khẩu thuỷ sản trong tháng 8/2021 giảm gần 28% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm ở hầu hết các sản phẩm chủ lực. Xuất khẩu tôm, cá tra, cá ngừ, mực, bạch tuộc, cua ghẹ và cá biển khác đều giảm từ 20-33% so với cùng kỳ năm 2020.
Tính đến hết tháng 8/2021, xuất khẩu sang Mỹ vẫn duy trì được mức tăng trưởng gần 27%, sang EU tăng 10%. Xuất khẩu sang Hàn Quốc tương đương cùng kỳ năm ngoái.
Trong top 5 thị trường, xuất khẩu sang Trung Quốc giảm sâu 14,6%, xuất khẩu sang Nhật Bản giảm gần 3%. Ngoài Mỹ và EU, xuất khẩu sang các thị trường Australia và Nga sau 8 tháng vẫn giữ tăng trưởng cao, lần lượt tăng 25% và 52% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá gạo bật tăng từ mức thấp nhất một năm
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng trong tuần này từ mức thấp nhất trong hơn một năm, nhờ nhu cầu tăng cao sau khi chính phủ tăng cường dự trữ và các nhà buôn ngừng nhập khẩu gạo từ Ấn Độ với dự kiến chi phí vận chuyển cao sẽ giảm bớt trong thời gian tới.
Phiên cuối tuần này, giá gạo 5% tấm của Việt Nam tăng từ 385 USD/tấn trong hai tuần trước lên 400 USD/tấn. Thị trường đã đóng cửa vào tuần trước để nghỉ lễ Quốc khánh.
Một thương nhân ở TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Vụ Hè Thu sắp kết thúc, trong khi nhu cầu trong nước bắt đầu tăng cao. Chính phủ cũng tăng cường mua gạo để tích dự trữ quốc gia sau khi cung cấp gạo cho người dân bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa để phòng chống dịch Covid-19”.
Giới thương nhân tại Bangkok cho hay, nhu cầu không hề giảm và chi phí vận chuyển cao có thể khiến người mua hướng tới gạo Việt Nam.
Chanh dây được giá
Chanh dây đạt chất lượng cao xuất khẩu đi thị trường EU theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có giá thu mua tại nhà máy từ 35.000-38.000 đồng/kg. Người nông dân Gia Lai vui mừng vì năm nay chanh dây được mùa được giá, mang lại lợi nhuận cao giữa mùa dịch bệnh Covid-19.
Toàn tỉnh Gia Lai có hơn 3.100 ha chanh dây. Năng suất trung bình vụ chanh khoảng 40 tấn/1ha, ước tính sản lượng cả tỉnh trên 120.000 tấn. Các huyện có diện tích chanh dây nhiều nhất là Mang Yang, Đăk Đoa, Ia Grai, Đăk Pơ, Chư Prông.
Mỗi ha chanh dây xuất bán cho các nhà máy thu mua chế biến nông sản, sau khi trừ chi phí đầu tư, người nông dân bỏ túi tiền lời hơn 100 triệu đồng.
Theo khảo sát, giá chanh dây loại nhỏ dao động từ 8.000-11.000 đồng/kg, còn chanh dây loại lớn, dành cho xuất khẩu, chế biến nước ép giá từ 35.000-38.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất từ 2018 tới nay.
Ông Lê Tấn Hùng- Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai cho biết: “Năm nay mặc dù dịch bệnh xảy ra rất phức tạp, nhưng vận chuyển và sản xuất chanh dây ổn định, không có ảnh hưởng gì lớn. Sản lượng chanh dây ổn định, ít chịu sâu bệnh hại. Giá bán ra thị trường tăng cao mang lại thu nhập ổn định cho đời sống người dân”.
Việt Nam là thị trường cung cấp cà phê lớn nhất cho Nga
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu (FTA Việt Nam-EAEU) có hiệu lực thực thi từ năm 2016, đã tạo cơ hội rộng mở cho hàng xuất khẩu Việt Nam sang Liên bang Nga là thị trường lớn nhất trong EAEU.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang thị trường Nga trong 7 tháng năm 2021 đã tăng 34,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 323,26 triệu USD.
Hơn nữa, nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước như: thủy sản tăng 66%, rau quả tăng 47,6%, hạt điều tăng 59,76%, hạt tiêu tăng 71,3%, cà phê tăng 3,5%, đặc biệt cao su tăng tới 230,8%. Dù vậy, vẫn có một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Nga giảm là chè, gạo, gỗ và sản phẩm gỗ.
Ngoài ra, trong 7 tháng năm 2021, dứa đã qua chế biến là sản phẩm được các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Nga, đạt kim ngạch 14,6 triệu USD, tăng 73% so với cùng kỳ năm trước.
Không những thế, kim ngạch xuất khẩu một số loại trái cây sang Nga tăng rất mạnh trong 7 tháng qua như: xoài tăng 301,8%, chuối tăng 2.395%, dừa tăng 787,6%...
Theo số liệu của cơ quan Hải quan Nga, trong 6 tháng đầu năm 2021, nước này nhập khẩu tổng cộng 117,88 nghìn tấn cà phê, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đặc biệt, Việt Nam là thị trường cung cấp cà phê lớn nhất cho Nga với khối lượng đạt 36,77 nghìn tấn, chiếm 31,2% thị phần cà phê nhập khẩu của nước này, giảm so với mức 41% của cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, Nga lại tăng đáng kể lượng cà phê nhập khẩu từ các thị trường khác như: Brazil, Indonesia, Italy, Uganda… trong 6 tháng đầu năm nay.
Việt Nam là nước cung cấp cà phê lớn nhất vào Nga trong nhiều năm nên dư địa xuất khẩu cho Việt Nam vẫn còn rất lớn.
Acecook thông tin về mì Hảo Hảo chứa Ethylene Oxyde
Liên quan đến vụ thu hồi lô mì Hảo Hảo ở EU vì có chứa chất Ethylene Oxyde (EO), ngày 12/7, Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam thông tin, ngay sau khi nhận được thông tin liên quan đến hai lô sản phẩm xuất khẩu của công ty (miến Good và mì Hảo Hảo) bị thu hồi tại EU, công ty đã khẳng định trong quy trình sản xuất không sử dụng EO và tuân thủ quy định pháp luật của Việt Nam.
Dựa vào kết quả xác minh và thử nghiệm mẫu thực tế, Acecook Việt Nam khẳng định, hoàn toàn không có chứa chất EO.
Nói về lý do sản phẩm xuất khẩu bị thu hồi tại EU, Acecook Việt Nam cho biết, do có sự hiện diện của chất 2-CE. Do quy định có tính đặc thù riêng của EU về cách tính hàm lượng của EO là giá trị gộp của cả EO và 2-CE, nên sự có mặt của chất 2-CE được EU nhận định là không phù hợp với quy định của họ.
Cũng vì điều này nên hai lô sản phẩm là miến Good, hương vị sườn heo và mì Hảo Hảo bị thu hồi tại EU.
Nói về nguyên nhân xuất hiện chất 2-CE trong sản phẩm, đại diện Acecook Việt Nam cho biết, theo xác minh, đã có nhà cung cấp sử dụng EO để khử khuẩn trong một số nguyên liệu.
Bên cạnh đó, kết quả phân tích nguyên liệu của nhà cung cấp cũng phát hiện sự hiện diện của một ít 2-CE. Do vậy, Acecook Việt Nam cho rằng: "Có thể đây là một nguyên nhân dẫn đến việc EU nhận định là sản phẩm của doanh nghiệp này không phù hợp với quy định của họ. Công ty cần thêm thời gian để xác minh, nghiên cứu, làm rõ nguyên nhân".
Theo Acecook Việt Nam, đối với sự việc tại thị trường EU, công ty sẽ nghiêm túc thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất và phối hợp với nhà phân phối để tiến hành các công việc thu hồi theo yêu cầu của các cơ quan quản lý tại các quốc gia xảy ra sự việc.
Acecook Việt Nam cho hay: "Trong thời gian này, trước mắt, chúng tôi quyết định tạm ngưng xuất khẩu cho thị trường EU. Đồng thời trao đổi với những nhà phân phối tại các nước EU về việc ngưng xuất hàng ra thị trường đối với những sản phẩm còn chưa đạt tiêu chuẩn EU về chất 2-CE này.
Hiện nay, để tiếp tục nâng cao chất lượng, đảm bảo tính an toàn của sản phẩm, và tăng cường cơ chế quản lý EO, Acecook Việt Nam đã yêu cầu tất cả các nhà cung cấp phải cam kết tuyệt đối không được sử dụng EO để khử khuẩn".