Nắm bắt cơ hội từ hiệp định EVFTA, xuất khẩu gốm sứ vào EU tăng mạnh
Nửa đầu năm 2022, sản xuất của ngành gốm sứ đã và đang có bước phục hồi và tăng trưởng khá. Tính đến thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp đều có đơn hàng sản xuất. Rất nhiều doanh nghiệp trong ngành có mức tăng từ 15 - 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Vương Siêu Tín, Giám đốc Công ty Phước Dũ Long đánh giá, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết đã tạo ra những cơ hội lớn cho động xuất khẩu nói chung, thủ công mỹ nghệ và gốm sứ mỹ nghệ nói riêng.
Cũng theo ông Tín, hiện thị trường của doanh nghiệp 95% là xuất khẩu, trong đó, thị trường xuất khẩu chính là EU. Năm 2021 kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp tăng khoảng 26 - 27% so với năm trước đó. Năm 2022, doanh nghiệp đã kín đơn hàng đến tháng 9, tháng 10 này. Đây là một tín hiệu rất tích cực. Doanh nghiệp cũng kỳ vọng doanh thu xuất khẩu sẽ tăng trưởng khoảng 5 - 7% năm 2022.
Tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ của Việt Nam trong tháng 6/2022 đạt 63,77 triệu USD, tăng 4,5% so với tháng 05/2022. Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ đạt 375,59 triệu USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Nửa đầu năm 2022, sản xuất của ngành gốm sứ đã và đang có bước phục hồi và tăng trưởng khá. (Nguồn: Báo Công Thương) |
Tháng 6/2022 xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ sang EU đạt 6,97 triệu USD, tính chung trong 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ sang EU đạt 45,65 triệu USD.
Việt Nam đứng thứ 3 (sau Trung Quốc và Thái Lan) trong số các thị trường cung cấp gốm sứ mỹ nghệ cho EU, với tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2016 - 2021 đạt 7,6%/năm (theo thống kê của Eurostat). Việc thực thi Hiệp định EVFTA đang mở ra rất nhiều cơ hội xuất khẩu cho các sản phẩm thủ công mỹ nói chung và gốm sứ mỹ nghệ nói riêng.
Các doanh nghiệp gốm sứ nhận định, khi Việt Nam ngày càng tham gia sâu rộng vào kinh tế thế giới sẽ mở ra nhiều cơ hội. Tuy nhiên, 6 tháng cuối năm thật sự là thử thách lớn khi nhiều nền kinh tế bị ảnh hưởng, việc mở rộng sản xuất để nắm bắt cơ hội thị trường không phải doanh nghiệp cứ muốn là làm được.
Mặc dù đạt kim ngạch xuất khẩu khả quan, song hoạt động xuất khẩu đối mặt nhiều thách thức. Cụ thể, diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19, nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng do căng thẳng thương mại, địa chính trị, giá cước vận tải ở mức cao; giá hàng hóa, nguyên, nhiên, vật liệu nhập khẩu là đầu vào của sản xuất tiếp tục tăng… Đáng chú ý, năng lực tự chủ về logistics được coi là rào cản lớn nhất.
Đồng Euro lao dốc: Xuất khẩu lo mất giá, nhập khẩu có hưởng lợi?
Trong khi doanh nghiệp xuất khẩu "đứng ngồi không yên" khi đồng Euro lao dốc thì những doanh nghiệp nhập khẩu lại cho rằng họ đang có lợi nhiều hơn.
Ông Phạm Văn Việt - Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean - phân tích: Ảnh hưởng trước mắt với các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may chính là giá trị sụt giảm.
Theo đó, tất cả các khách hàng tại châu Âu đều thanh toán bằng đồng Euro và doanh nghiệp Việt nhận tiền về nước đều phải đổi qua USD. Nay đồng Euro giảm gần bằng với đồng USD sẽ đồng nghĩa với việc giá trị xuất khẩu của mỗi lô hàng giảm theo.
Trong khi đó, lợi nhuận của doanh nghiệp vốn đang thấp bởi các chi phí đầu vào như xăng dầu, giá nguyên liệu đầu vào, giá nhân công… đều tăng, nay thêm giá Euro lao dốc sẽ càng kéo lợi giảm thấp hơn.
Bên cạnh đó, việc đồng Euro mất giá chứng tỏ thị trường châu Âu đang bất ổn, sức mua của người tiêu dùng giảm. Bằng chứng là thời gian qua chúng tôi không có nhiều đơn hàng mới. Tuy vậy, hiện doanh nghiệp vẫn đang vận hành đều đặn nên số lượng hàng tồn kho theo đó sẽ nhiều lên, gây bất lợi cho doanh nghiệp.
“Chúng tôi đã sụt giảm gần 20% đơn hàng xuất khẩu đi châu Âu trong mấy tháng nay. Điều nay cho thấy cầu của thị trường yếu đi và doanh nghiệp vốn đang trong giai đoạn phục hồi lại tiếp tục rơi vào thế khó”- ông Việt chia sẻ.
Tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng chịu tác động tiêu cực từ việc đồng Euro lao dốc. Ông TS Sử Ngọc Khương, chuyên gia kinh tế, Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu tin học và Khoa học Ứng dụng TP. Hồ Chí Minh cho rằng, đúng là nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hàng vào thị trường châu Âu sẽ chịu ảnh hưởng lớn trước biến động hiện nay song nhìn rộng hơn sẽ không hẳn như vậy. Cụ thể, với những doanh nghiệp đang nhập khẩu nguyên liệu thường thanh toán bằng đồng USD. Khi giá USD và Euro gần như tương đương nhau đồng nghĩa giá trị sản phẩm nhập khẩu cũng sẽ giảm theo.
“Và trong 6 tháng đầu năm, cán cân xuất nhập khẩu của việt Nam gần như bằng nhau, chứ không phải xuất siêu nên kinh tế Việt Nam cũng không ảnh hưởng nhiều khi Euro mất giá", ông Sử Ngọc Khương nói.
Gạo Việt "gặt" trái ngọt, chuyển dần từ lượng sang chất
Nhiều năm qua, khi nói về gạo xuất khẩu, câu chuyện thường xoay quanh thị trường gần, thị trường xa cùng các hợp đồng số lượng lớn. Rõ ràng, với gạo Việt, "lượng" đã thuộc Top đầu, nhưng một vấn đề đã tồn tại nhiều năm là "chất" vẫn ít được biết đến, do không có thương hiệu uy tín.
Nhiều chuyên gia phân tích, thương hiệu không chỉ là đích đến cho gạo xuất khẩu của Việt Nam mà còn có thể giải quyết bài toán lớn về thị trường.
Có một tin tốt là những bao gạo mang thương hiệu Việt gần đây đã được đóng túi nhỏ, bán trực tiếp trên những kệ hàng tại siêu thị, cửa hàng ở Nhật Bản, EU, Mỹ, Canada… Đây có thể xem như là trái ngọt sau nhiều nỗ lực của doanh nghiệp nhằm nâng cao giá trị gạo Việt trên thị trường quốc tế.
Không quá khó khăn để thấy rằng, gạo Việt với thương hiệu ST25, Lộc Trời đã và đang được đón nhận nồng nhiệt, không chỉ làm hài lòng những người con xa xứ mà còn của cả cư dân bản địa. Và, những ấn tượng như thế có thể nói là sẽ còn đọng lại lâu trong lòng người tiêu dùng.
Trong tương lai, để ngày càng nhiều thương hiệu gạo Việt chiếm lĩnh thị trường nước ngoài, cần triển khai ngay các giải pháp từ trong nước.
Giải pháp ở đây, theo đề xuất của các chuyên gia là cụ thể hóa chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo có thương hiệu và được gắn nhãn chứng nhận quốc gia gạo Việt Nam (Vietnam Rice). Cùng đó, Nhà nước nên bỏ thủ tục đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo, tham gia đấu thầu hợp đồng tập trung và yêu cầu đạt chuẩn đối với nhà máy của doanh nghiệp xuất khẩu gạo.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp có khả năng tiếp cận và có sẵn khách hàng nước ngoài mà không phụ thuộc vào công ty có giấy phép xuất khẩu gạo. Điều này sẽ phần nào hạn chế được việc giá gạo bị đội lên. Đây có thể nói là những cơ chế hoàn toàn trong tầm tay. Vấn đề là cần có sự thay đổi quyết liệt trong cách làm để không chỉ quá bị chi phối bởi những hợp đồng gạo chỉ vài trăm USD/tấn. Hạt gạo Việt khi đã tạo dựng được thương hiệu, đáp ứng nhu cầu cung ứng dưới góc độ thương mại sẽ giúp các thương nhân Việt Nam được quyền định giá theo mức xứng đáng của thị trường.
Khi gạo đã có thương hiệu, chuyện cạnh tranh về giá đầu ra không còn quan trọng, do đó doanh nghiệp có thể thu mua lúa tươi với giá cao, giúp nông dân tại vùng nguyên liệu yên tâm sản xuất. Đây cũng là những động thái cần thiết để tiến tới xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp xuất khẩu nhằm phát huy những ưu thế của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Xuất khẩu đồ gỗ lao đao trước “bão” lạm phát toàn cầu
Những tháng gần đây xuất khẩu đồ gỗ đang có xu hướng giảm. Cụ thể, trong tháng 5/2022 trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,38 tỷ USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Đáng chú ý, trong khi các mặt hàng xuất khẩu chính giảm nhẹ, thì xuất khẩu các mặt hàng như dăm gỗ; gỗ, ván và ván sàn; cửa gỗ; đồ gỗ mỹ nghệ lại tăng trưởng khả quan trong 6 tháng đầu năm 2022.
Xuất khẩu gỗ đang gặp nhiều khó khăn. (Nguồn: VnEconomy) |
Tuy nhiên, do đồ gỗ chiếm tỷ trọng quá lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, nên sự tăng trưởng của những mặt hàng này cũng không bù lại được với những khó khăn về xuất khẩu đồ gỗ. Xuất khẩu đồ gỗ sang Mỹ và Trung Quốc đều giảm rất mạnh.
Theo phân tích của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 3 cho Trung Quốc. Tuy nhiên, xuất khẩu đồ gỗ sang Trung Quốc trong những tháng đầu năm nay giảm rất mạnh, với mức giảm hơn 21%.
Do tác động bởi tình hình dịch bệnh, chính sách Zero Covid tại Trung Quốc, khiến các doanh nghiệp đồ gỗ rất khó khăn khi thông quan hàng đồ gỗ tại các cửa khẩu cả trên bộ và tại các cảng biển của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho rằng chi phí đầu vào tăng cao do tác động từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, khiến giá gỗ nguyên liệu tăng cao đang gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ.
Nhiều quốc gia đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao nên người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng không thiết yếu giảm, trong đó có mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ. Vì vậy, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong nửa đầu năm 2022 giảm tốc.