Xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ của Việt Nam trong tháng 4/2023 ước tính tăng trở lại sau 3 tháng liên tiếp giảm. (Nguồn: Báo Công Thương) |
Xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ tăng nhẹ sau 3 tháng giảm
Tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ của Việt Nam trong tháng 4/2023 ước tính tăng trở lại sau 3 tháng liên tiếp giảm, đạt 13,5 triệu USD, tăng 6,7% so với tháng 3/2023, nhưng vẫn giảm tới 44,8% so với tháng 4/2022.
Tính chung trong 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ của Việt Nam đạt 52,95 triệu USD, giảm 48,0% so với cùng kỳ năm 2022.
Về mặt hàng, tháng 3/2023, xuất khẩu sản phẩm chậu gốm sứ đạt 8,35 triệu USD, giảm 8,5% so với tháng 2/2023 và giảm 63,4% so với tháng 3/2022. Tính chung trong quý I/2023, xuất khẩu chậu gốm sứ chiếm 69,5% tổng kim ngạch xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ của cả nước, đạt 27,42 triệu USD, giảm 53,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu gốm sứ trang trí trong tháng 3/2023 đạt 3,13 triệu USD, tăng 17,8% so với tháng 2/2023, giảm 37,2% so với tháng 3/2022. Tính chung trong quý I/2023, xuất khẩu gốm sứ trang trí chiếm 22,2% tổng kim ngạch xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ của cả nước, đạt 8,76 triệu USD, giảm 37,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu gốm sứ gia dụng trong tháng 3/2023 đạt 842 nghìn USD, tăng 18,3% so với tháng 2/2023, giảm 14,2% so với tháng 3/2022; xuất khẩu bình gốm sứ đạt 278 nghìn USD, tăng 32,9% so với tháng 2/2022 và giảm 54,0% so với tháng 3/2022.
Tính chung trong quý I/2023, xuất khẩu gốm sứ gia dụng đạt 2,51 triệu USD, giảm 15,4% so với cùng kỳ năm 2022; xuất khẩu bình gốm sứ đạt 640,85 nghìn USD, giảm 49,9%.
Về thị trường xuất khẩu, tháng 3/2023, xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ của Việt Nam sang thị trường EU đạt 4,36 triệu USD, tăng 7,7% so với tháng 2/2023, giảm 55,5% so với tháng 3/2022. Tính chung trong quý I/2023, xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ sang EU chiếm 33,4% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước, đạt 13,18 triệu USD, giảm 48,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), Việt Nam hiện đứng thứ 2 trong số các thị trường ngoại khối cung cấp gốm sứ mỹ nghệ cho EU trong 2 tháng đầu năm 2023, chiếm 3,6% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của EU.
Xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ sang thị trường Mỹ trong tháng 3/2023 đạt 3,885 triệu USD, giảm 27,9% so với tháng 2/2023, giảm 65,9% so với tháng 3/2022. Tính chung trong quý I/2023, xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ sang Mỹ chiếm 38,2% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước, đạt 15,06 triệu USD, giảm 51,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo thống kê của Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ, nhập khẩu gốm sứ mỹ nghệ (HS 6911, 6912, 6913, 6914) của Mỹ trong 2 tháng đầu năm 2023 đạt 318,22 triệu USD, giảm 33,2% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, nhập khẩu từ hầu hết các thị trường chính như Trung Quốc, Bồ Đào Nha, Mexico, Thái Lan, Tây Ban Nha… giảm mạnh.
Ngược lại, nhập khẩu gốm sứ mỹ nghệ của Mỹ từ Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2023 tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 18,61 triệu USD. Tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu gốm sứ mỹ nghệ của Mỹ từ Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2023 cũng tăng lên 5,8% từ mức 3,5% trong 2 tháng đầu năm 2022.
Gốm sứ trang trí và các loại tượng nhỏ (HS 6913) là chủng loại được Mỹ nhập khẩu nhiều nhất từ Việt Nam, chiếm 85% tổng kim ngạch nhập khẩu gốm sứ mỹ nghệ từ Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2023, đạt 15,76 triệu USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, nhập khẩu chủng loại gốm sứ có mã HS 6914 của Mỹ từ Việt Nam tăng rất mạnh, đạt 2,43 triệu USD, tăng 192,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Tăng trưởng xuất khẩu “ngóng” kinh tế thế giới phục hồi
Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 4/2023 (từ ngày 16/4 đến ngày 30/4/2023) đạt 26,78 tỷ USD, tăng 2,7% (tương ứng tăng 702 triệu USD) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 4/2023.
Kết quả đạt được trong nửa cuối tháng 4/2023 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước trong 4 tháng đầu năm 2023 đạt 206,76 tỷ USD, giảm 15,3% (tương ứng giảm 37,47 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 144,02 tỷ USD, giảm 15,1% (tương ứng giảm 25,68 tỷ USD); trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 62,74 tỷ USD, giảm 15,8% (tương ứng giảm 11,79 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể về xuất khẩu, trong kỳ 2 tháng 4/2023 đạt 14,55 tỷ USD, tăng 9,9% (tương ứng tăng 1,3 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 1 tháng 4/2023. Trong đó, một số nhóm hàng có trị giá tăng mạnh, gồm: Sắt thép các loại tăng 310 triệu USD, (tương ứng tăng 123,2%); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 190 triệu USD (tương ứng tăng 12,1%); hàng dệt may tăng 184 triệu USD (tương ứng tăng 15,6%)...
Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 107,16 tỷ USD, giảm 13%, tương ứng giảm 16,08 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ 2 tháng 4/2023 đạt 10,45 tỷ USD, tăng 9,4% tương ứng tăng 898 triệu USD so với kỳ 1 của tháng, qua đó nâng tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm 2023 của nhóm các doanh nghiệp FDI lên 79,1 tỷ USD, giảm 12,4% (tương ứng giảm 11,19 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 73,8% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Từ chiều ngược lại, trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 4/2023 đạt 12,23 tỷ USD, giảm 4,8% (tương ứng giảm 613 triệu USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 4/2023.
Một số nhóm hàng có trị giá nhập khẩu trong kỳ 2 tháng 4/2023 giảm so với kỳ 1 trước đó là: điện thoại các loại và linh kiện giảm 140 triệu USD (tương ứng giảm 36,9%); máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện giảm 137 triệu USD (tương ứng giảm 4,4%); phế liệu sắt thép giảm 81 triệu USD, giảm 47,7%...
Như vậy, tính chung 4 tháng đầu năm 2023, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 99,6 tỷ USD, giảm 17,7% (tương ứng giảm 21,38 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.
Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ 2 tháng 4/2023 đạt 7,86 tỷ USD, giảm 5% (tương ứng giảm 415 triệu USD) so với kỳ 1 tháng 4/2023. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, tổng trị giá nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp FDI đạt 64,92 tỷ USD, giảm 18,3% (tương ứng giảm 14,49 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 65,2% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.
Với kết quả trên, trong kỳ 2 tháng 4/2023, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 2,33 tỷ USD. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 7,56 tỷ USD.
Đánh giá về kết quả xuất khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm 2023, Bộ Công Thương cho biết xuất khẩu của Việt Nam suy giảm là do các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm, trong khi đó các ngành sản xuất công nghiệp trong nước chủ yếu hướng vào xuất khẩu, phụ thuộc lớn vào thị trường toàn cầu do sản lượng sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu của thị trường nội địa, đặc biệt là đối với các ngành hàng như dệt may, da - giày, điện tử… chỉ cung ứng cho nhu cầu nội địa 10% sản lượng, 90% sản lượng còn lại là để xuất khẩu.
Bên cạnh việc giảm lượng, so với cùng kỳ giá xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản (nhân điều, cà phê, hạt tiêu, cao su…) giảm; giá xuất khẩu dầu thô, sản phẩm xăng dầu, các loại quặng, phân bón, sắt thép cũng giảm đã tác động đến tốc độ tăng giá trị sản xuất và xuất khẩu hàng hóa nói chung.
Hơn nữa, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu cùng chủng loại của Việt Nam. Trong khi đó, các doanh nghiệp của Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn do đơn hàng nước ngoài giảm, thị trường trong nước sức mua không lớn, chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, không dễ dàng trong việc tiếp cận tín dụng…
Mặc khác, kinh tế thế giới vẫn tiếp tục khó khăn dù có dấu hiệu phục hồi nhưng chậm và không đồng đều ở các quốc gia, nhu cầu tiêu dùng vì thế cũng phục hồi chậm.
Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, trong thời gian tới vẫn có những dấu hiệu tích cực. Cụ thể: Một số khu vực kinh tế lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ tăng trưởng cao hơn dự báo; một số nền kinh tế đang nổi tại châu Á như Ấn Độ, ASEAN tăng trưởng khả quan.
Dù bị cấm nhập khẩu, loại tôm nguy hiểm này vẫn được rao bán công khai
Được đưa vào danh mục cấm nhập khẩu vào Việt Nam khoảng 10 năm nay, tuy nhiên tôm hùm đất vẫn được nhập lậu và rao bán công khai trên các nền tảng mạng xã hội lẫn các cửa hàng thực phẩm.
Khảo sát tại thị trường chợ online khu vực TP. Hồ Chí Minh, chỉ cần gõ cụm từ "crawhfish" hay "tôm hùm đất", hàng loạt các điểm bán hiện lên với lời mời chào và hình ảnh món ăn vô cùng hấp dẫn. Tôm hùm đất cấp đông nguyên con size lớn sẽ có giá 340.000 đồng/kg, size nhỏ có giá 320.000 đồng/kg. Loại gia vị tẩm ướp để tăng hương vị cho món ăn sẽ có giá 250.000 đồng/hộp 700g.
Dù được đưa vào danh mục cấm nhập khẩu vào Việt Nam khoảng 10 năm nay, tôm hùm đất vẫn được nhập lậu và rao bán công khai trên các nền tảng mạng xã hội lẫn các cửa hàng thực phẩm. (Nguồn: Báo Người Lao động) |
Theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia khoa học về thực phẩm, tôm hùm đất là loài ăn tạp, sinh trưởng và phát triển nhanh. Tôm hùm đất còn nguy hiểm hơn cả ốc bươu vàng vì sức sống của nó tốt hơn, có khả năng đào hang hốc trú ẩn, gây hại cho các công trình thủy lợi, công trình công cộng.
Do đó, hàng loạt tôm, cá có thể có nguy cơ biến mất nếu để tôm hùm đất xâm lấn. Đặc biệt loài tôm này có thể gây hại cho các loài tôm bản địa xuất khẩu của Việt Nam như tôm sú, tôm càng. Chúng mang theo nhiều virus gây bệnh cho tôm, mang theo các loài giun ký sinh gây hại cho động vật có vú và người.