Thẻ vàng IUU là một trong những yếu tố làm hạn chế rất nhiều khi xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU. (Nguồn: Báo Công Thương) |
Thủy sản Việt Nam có nguy cơ mất 500 triệu USD/năm vì thẻ vàng IUU
Việc truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác tại vùng biển Việt Nam được thực hiện theo chuỗi qua cơ chế xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác hải sản đảm bảo thống nhất với hồ sơ kiểm soát tàu ra vào cảng; công tác xác nhận tại 52 cảng cá chỉ định, chứng nhận tại Chi cục Thủy sản, cấp chứng thư xuất khẩu và kiểm soát nguyên liệu tại các nhà máy chế biến.
Dù vậy, những vụ việc vi phạm vẫn còn xảy ra, và ước tính, những vi phạm đang gây thiệt hại lớn cho ngành thủy sản. Bên cạnh đó, còn gây hại môi trường và hệ sinh thái biển nghiêm trọng, đe dọa an ninh lương thực, tổn hại sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội toàn cầu.
Tin liên quan |
Việt Nam tích cực tham gia chống khai thác IUU |
Bà Nguyễn Thị Trang Nhung - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế (Tổng cục Thủy sản) - nhấn mạnh, khung pháp lý của Việt Nam đáp ứng được yêu cầu quốc tế, tạo nền tảng pháp luật chống lại IUU; xem việc quản lý đội tàu là yếu tố then chốt trong công tác giải quyết các khuyến nghị của EU về thẻ vàng…
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thể kiểm soát hiệu quả việc tàu cá của ngư dân Việt Nam tham gia đánh bắt trái phép ở các vùng biển nước ngoài. Muốn gỡ thẻ vàng EC, đây là điều tiên quyết. Bên cạnh đó, cần kiểm soát hiệu quả nguồn gốc thủy sản nhập khẩu.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, việc EC áp “thẻ vàng” khiến xuất khẩu thủy sản của họ sang thị trường EU đang gặp khó khăn bởi sự kiểm tra ngặt nghèo khiến doanh nghiệp chậm trễ cung ứng hàng cho khách hàng, phát sinh chi phí. Càng khó khăn hơn khi sắp tới, thị trường Hoa Kỳ cũng sẽ áp dụng IUU. Hạ tầng cảng cá hạn chế cũng ngăn trở không nhỏ cho doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản...
Hai năm qua, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã đem lại những kết quả tích cực, trong đó, thủy sản vẫn là ngành tận dụng tốt nhất cơ hội xuất khẩu. Tuy nhiên, theo bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản, thẻ vàng IUU là một trong những yếu tố làm hạn chế rất nhiều khi xuất khẩu thủy sản sang thị trường này.
Để tận dụng thị trường EU, tăng cơ hội cho thủy sản, trước hết phải gỡ thẻ vàng IUU, lấy lại được “thẻ xanh”. Nếu “thẻ vàng” bị chuyển sang “thẻ đỏ”, Việt Nam có nguy cơ mất thị trường EU. Như vậy, sẽ mất 500 triệu USD/năm riêng cho ngành thủy sản sang EU. Đặc biệt, EU là thị trường định hướng sẽ chi phối các thị trường khác trong việc kiểm soát chặt về nguồn gốc xuất xứ
Nhờ CPTPP, xuất khẩu cá tra sang Mexico khởi sắc
Từ vị trí thứ 4 trong các thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam năm 2021, năm nay Mexico đã vươn lên thị trường thứ 3, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ. Trong 7 tháng đầu năm 2022 xuất khẩu cá tra sang thị trường này tăng trưởng 73% đạt 73,5 triệu USD, chiếm 4,5% xuất khẩu cá tra của Việt Nam.
Sau khi tăng mạnh mẽ trong nửa đầu năm, từ tháng 7/2022, xuất khẩu cá tra sang một số thị trường chủ lực như Mỹ bắt đầu chững lại vì lượng tồn kho đang tăng lên, tiêu thụ cũng chậm lại, giá cá cũng có dấu hiệu giảm.
Tuy nhiên, xuất khẩu cá tra sang Mexico vẫn giữ được phong độ tăng trưởng cao trong tháng 7: tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ đạt trên 11 triệu USD.
Trong 7 tháng đầu năm nay, sản phẩm cá tra phile đông lạnh xuất khẩu sang Mexico chiếm 94% giá trị với 69 triệu USD, sản phẩm cá tra cắt khúc chiếm 6% đạt 4,4 triệu USD.
Giá trung bình cá tra phile đông lạnh xuất khẩu sang thị trường Mexico trong nửa đầu năm nay là 2,8 USD/kg, cao hơn 63,5% so với mức trung bình 1,71 USD/kg cùng kỳ năm 2021.
Năm 2022, tính đến thời điểm này, lạm phát tại Mexico tăng cao kỷ lục 22 năm. Người tiêu dùng Mexico phải cân nhắc và giảm chi tiêu cho các sản phẩm thực phẩm giá cao. Với lợi thế về giá cạnh tranh, lại thêm thuận lợi thuế ưu đãi theo hiệp định CPTPP, cá tra Việt Nam vẫn là sự lựa chọn ổn định của các nhà nhập khẩu thuỷ sản Mexico.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cũng chuyển hướng từ một số thị trường khác sang Mexico. Nửa đầu năm nay, đã có 30 doanh nghiệp thủy sản Việt Nam xuất khẩu cá tra sang Mexico. Trong đó 3 doanh nghiệp có giá trị xuất khẩu lớn nhất là: Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I; Công ty TNHH Cá Việt Nam và Công ty CP XNK Thủy sản Cửu Long An Giang. Nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra tại Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre, Cần Thơ và Vĩnh Long đang quan tâm đến Mexico và đẩy mạnh xuất khẩu cá tra sang thị trường này.
Dự báo cả năm 2022, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Mexico sẽ mang về khoảng 125 triệu USD, tăng 80% so với năm 2021.
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành gỗ
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 6 tháng đầu năm 2022 đạt 8,2 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2021, đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Khảo sát mới đây của các Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng cho thấy, số lượng đơn đặt hàng đang ngày càng giảm, tới cuối tháng 7 lượng đơn hàng đã giảm 44,4% so với năm trước và dự báo lượng đơn hàng sẽ tiếp tục giảm cho tới cuối năm.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, nếu như những tháng đầu năm, đơn hàng cao điểm đến dồn dập, nhưng các doanh nghiệp ngành gỗ vẫn không dám đặt bút ký dài hơi vì biến động giá cả nguyên liệu và chi phí logistics tăng cao, sản xuất không hiệu quả; thì trong 2 tháng trở lại đây đơn hàng giảm sút rất nhiều và dự báo thời gian tới nếu tình hình lạm phát và sự suy giảm tỷ giá giữa đồng Euro và USD không được khống chế thì đơn hàng sẽ càng có nguy cơ tiếp tục suy giảm. Đây là một trong những khó khăn, thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp ngành gỗ trong 6 tháng cuối năm.
Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 6 tháng đầu năm 2022 đạt 8,2 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2021, đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. (Nguồn: Báo Đầu tư) |
Bên cạnh đó, ngành gỗ đang đối diện với rủi ro, hoặc những tác động không mong muốn. Cụ thể, ngày 22/4/2022, Liên minh Tủ bếp Hoa Kỳ (AKCA) đã gửi đơn yêu cầu Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam.
Hoa Kỳ đang xem xét bãi bỏ thuế nhập khẩu một số mặt hàng trong đó có sản phẩm gỗ từ Trung Quốc. Điều này có thể sẽ khiến khách hàng và đơn hàng từ Việt Nam quay trở lại Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt rất khó cạnh tranh.
Cùng với các khó khăn tại thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp ngành gỗ còn phải đối diện với các khó khăn, thách thức tại trong nước khi nhiều doanh nghiệp ngành gỗ sử dụng gỗ rừng trồng đang vướng mắc về mặt thủ tục, về truy xuất nguồn gỗ lâm sản; hồ sơ; xác minh trong xin cấp C/O và hoàn thuế.
Trước những khó khăn mà doanh nghiệp ngành gỗ đang phải đối mặt, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước giữ mức tín dụng cho doanh nghiệp ngành gỗ để họ có thể duy trì sản xuất, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, cần có chính sách khoanh nợ, giãn nợ đến hạn; giãn tiền thuê đất; giãn nộp các tiền phí. Các khoản giãn và khoanh nợ này sẽ không tính lãi. Đây là những giải pháp trọng tâm lúc này để duy trì cho ngành gỗ và duy trì dòng tiền của các doanh nghiệp.
Về dài hạn, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chú trọng vấn đề nguồn gốc lâm sản, sửa đổi Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT theo hướng không quy định truy xuất hồ sơ nguồn gốc lâm sản (đầu tiên khai thác), đối với những chủ lâm sản đã thu mua nguyên liệu, sản phẩm qua trung gian. Chỉ xác minh, truy xuất khi có dấu hiệu nghi ngờ, hoặc không chính xác.
Các sản phẩm công nghiệp xuất khẩu sang Anh cần lưu ý gì?
Kể từ ngày 1/1/2023, hầu hết sản phẩm công nghiệp của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Anh buộc phải dán nhãn UKCA thay vì nhãn CE như trước đây.
Ông Nguyễn Cảnh Cường - Tham tán Thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Anh - cho biết: UKCA là nhãn hiệu chứng nhận hợp chuẩn theo tiêu chuẩn Anh. Nhãn hiệu này rất quan trọng đối với những doanh nghiệp đang xuất khẩu sản phẩm chế tạo sang thị trường nước này.
Trước khi xảy ra Brexit, phải có nhãn hiệu CE trên các sản phẩm mới xuất khẩu được sang thị trường châu Âu, trong đó có Anh. Nhãn hiệu CE hiện vẫn được chấp nhận ở Anh nhưng không lâu bởi Chính phủ Anh đã ban hành quy định riêng về chứng nhận hợp chuẩn đối với sản phẩm công nghiệp và bắt buộc doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường này phải tuân thủ, bao gồm cả doanh nghiệp Việt Nam.
Theo bà Emily - Đại diện Bộ kinh doanh, năng lượng và chiến lược công nghiệp Anh, kể từ ngày 1/1/2023, nhãn hiệu UKCA áp dụng bắt buộc tại Anh với hàng hóa lần đầu tiên đưa ra thị trường thay thế cho các nhãn hàng hóa trước đó đã lưu thông.
Năm 2021, UKCA đã được đưa vào sử dụng, tuy nhiên sau ngày 31/12/2022 bắt buộc mọi hàng hóa chế tạo phải sử dụng nhãn hiệu này để xuất khẩu vào Anh, trừ một số sản phẩm được luật quy định. Nhãn UKCA có quy định riêng về mẫu mã, hình thức và có thể do doanh nghiệp tự đánh giá hoặc bên thứ 3 đánh giá tùy theo yêu cầu của mặt hàng cụ thể.
Ngoài ra, để hỗ trợ và tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp trong quá trình đổi nhãn hiệu, Bộ Kinh doanh, năng lượng và chiến lược công nghiệp Anh vẫn tiếp tục chấp nhận phụ tùng nhập khẩu vào Anh trước ngày 31/12/2022 phục vụ cho khâu bảo trì, bảo dưỡng mà không cần tái thử nghiệm hoặc dán lại nhãn.
Dán nhãn hiệu UKCA có 4 đối tượng cần quan tâm, gồm: Nhà sản xuất, nhà tiếp thị sản phẩm, nhà nhập khẩu và nhà phân phối. Không có chi phí nào từ phía Chính phủ Anh liên quan đến dán nhãn hiệu UKCA nếu doanh nghiệp tự công bố.
| Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm Halal sang Malaysia Malaysia hiện có thị trường Halal rộng lớn có quy mô tăng trưởng nhanh trong khu vực ASEAN nhằm phục vụ cho nhu cầu người ... |
| Việt Nam-Qatar: Tạo điều kiện cho mặt hàng xuất khẩu thế mạnh thâm nhập thị trường mỗi nước Việt Nam-Qatar nhất trí, tăng cường hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, tạo điều kiện cho các mặt hàng xuất ... |