Tính từ đầu năm đến hết tháng 11/2022, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 342,19 tỷ USD, tăng 13,4%, tương ứng tăng 40,5 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021. (Nguồn: Báo Nhân dân) |
Xuất nhập khẩu chạm mốc gần 700 tỷ USD, thặng dư thương mại lên tới 10,68 tỷ USD
Theo số liệu thống kê sơ bộ được Tổng cục Hải quan công bố ngày 14/12, trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 11/2022 (từ ngày 16/11 đến ngày 30/11/2022) đạt 28,68 tỷ USD, tăng 1% (tương ứng tăng 278 triệu USD) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 11/2022.
Kết quả đạt được trong nửa cuối tháng 11/2022 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước trong 11 tháng tính từ đầu năm 2022 đạt 673,7 tỷ USD, tăng 11,8% (tương ứng tăng 70,92 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 468,7 tỷ USD, tăng 12,1% (tương ứng tăng 50,76 tỷ USD); trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 205 tỷ USD, tăng 10,9% (tương ứng tăng 20,16 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Trong kỳ 2 tháng 11/2022, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 1,96 tỷ USD. Tính chung 11 tháng năm 2022, cán cân thương mại thặng dư 10,68 tỷ USD.
Cụ thể về xuất khẩu, trong kỳ 2 tháng 11/2022 đạt 15,32 tỷ USD, tăng 12,4% (tương ứng tăng 1,69 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 1 tháng 11/2022.
Một số nhóm hàng có trị giá xuất khẩu tăng cao, gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 725 triệu USD (tương ứng tăng 43,4%); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 245 triệu USD (tương ứng tăng 13,8%); sắt thép các loại tăng 157 triệu USD (tương ứng tăng 100%)...
Như vậy, tính từ đầu năm đến hết tháng 11/2022, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 342,19 tỷ USD, tăng 13,4%, tương ứng tăng 40,5 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ 2 tháng 11/2022 đạt 11,34 tỷ USD, tăng 12,7% tương ứng tăng 1,28 tỷ USD so với kỳ 1 của tháng, qua đó nâng tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa từ đầu năm đến hết tháng 11/2022 của nhóm các doanh nghiệp này lên 252,64 tỷ USD, tăng 14,5% (tương ứng tăng 32,03 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 73,8% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Từ chiều ngược lại, giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 11/2022 đạt 13,36 tỷ USD, giảm 9,6% (tương ứng giảm 1,4 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong kỳ 1 tháng 11/2022.
Như vậy, tính chung từ đầu năm đến hết tháng 11/2022, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 331,51 tỷ USD, tăng 10,1% (tương ứng tăng 30,42 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021.
Trong kỳ 2 tháng 11/2022, trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI đạt 8,62 tỷ USD, giảm 8,9% (tương ứng giảm 840 triệu USD) so với kỳ 1 tháng 11/2022. Tính chung 11 tháng năm 2022, tổng trị giá nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp FDI đạt 216,06 tỷ USD, tăng 9,5% (tương ứng tăng 18,73 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 65,2% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.
Cơ hội cho ngành gỗ 'lướt' CPTPP sang Canada
Canada là quốc gia có ngành công nghiệp gỗ rất mạnh với sản lượng lên tới 600 triệu m3/năm. Quốc gia này cũng là một trong 10 nhà sản xuất đồ nội thất hàng thế giới. Tuy vậy, nhu cầu nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Canada đang tiếp tục tăng mạnh trong bối cảnh ngành công nghiệp nội thất trong nước không thể cạnh tranh được với các thị trường nước ngoài có lợi thế chi phí rẻ hơn, trong đó có Việt Nam.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường này trong năm 2020 đạt gần 219,8 triệu USD, tăng 14,4% so với năm 2019.
Trong 8 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Canada đạt 169,3 triệu USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng xuất khẩu chính với tỷ trọng chiếm 90% tổng xuất khẩu của Việt Nam. Các mặt hàng khác như gỗ, ván và ván sàn; đồ gỗ mỹ nghệ; khung gương cũng tăng trưởng mạnh.
Số liệu của Cơ quan Thống kê Canada cho thấy, 4 thị trường cung cấp chính đồ nội thất bằng gỗ cho nước này hiện nay là Trung Quốc, Việt Nam, EU và Hoa Kỳ, chiếm hơn 80% thị phần tại Canada.
Bộ Công Thương cho rằng Việt Nam có năng lực sản xuất và chế biến gỗ tương đối cao với mạng lưới trên 7.000 doanh nghiệp ngành gỗ và sản phẩm từ gỗ, 340 làng nghề và có lực lượng lao động đông đảo với chi phí lao động thấp. Việt Nam được đánh giá có thể sẽ trở thành trung tâm sản xuất đồ gỗ lớn hàng đầu thế giới trong 10-15 năm tới.
Số liệu của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) cũng cho thấy, trong giai đoạn 2015-2020, kim ngạch xuất khẩu trung bình mặt hàng nội thất bằng gỗ của thế giới đạt 68,4 tỷ USD với mức tăng trưởng 2,7% mỗi năm. Trong đó, EU chiếm tỷ trọng lớn nhất là 38,1% (tương đương 26,8 tỷ USD).
Tiếp theo là Trung Quốc với tỷ trọng chiếm 27,3% trong năm 2020. Việt Nam đứng thứ ba với tỷ trọng đạt 14,5% trong năm 2020. Đáng lưu ý là tỷ trọng này đã tăng gấp 3 lần so mức mức 5,8% của năm 2015.
Xét về tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu hàng năm, Việt Nam nằm trong nhóm 10 nước các tỷ lệ tăng trưởng cao nhất thế giới trong giai đoạn 2015-2020.
Theo đó, tỷ lệ tăng trưởng bình quân của Việt Nam là 25,4%, cao gấp 9 lần so với mức bình quân của thế giới là 2,7%, và cao hơn đáng kể so với các nước xuất khẩu lớn như EU (2,8%), Trung Quốc (2,5%)…
Bộ Công Thương cho rằng thói quen tiêu dùng và cơ cấu chi tiêu, xu hướng tăng cường các hoạt động gắn với khuôn viên ngoài trời quanh nhà (vườn nhà) đang thúc đẩy nhu cầu về đồ gỗ ngoài trời tại Canada gia tăng, như bàn, ghế, xích đu gỗ, giá kệ ngoài trời... đặc biệt từ sau đại dịch Covid-19.
Thị hiếu tiêu dùng là một trong những yếu tố quan trọng quyết định mẫu mã và chất lượng sản phẩm. Do đó, để tiếp tục khai thác thị trường tiềm năng này, theo Bộ Công Thương, việc thu thập thông tin về thị hiếu tiêu dùng rất quan trọng với các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm gỗ.
Thực tế, việc này có thể được thực hiện thông qua việc khảo sát các sản phẩm đang được kinh doanh trên thị trường Canada. Tức là tham khảo thị hiếu thông qua việc tin tưởng rằng các nhà cung cấp hiện hữu trên thị trường Canada đã tìm hiểu và nắm bắt được phần nào về thị hiếu tiêu dùng của khách hàng.
“Dù hình thức này nhìn chung không tạo ra sự đột phá trong sản phẩm nhưng doanh nghiệp sẽ có phần nào “khái niệm” để tạo ra được sản phẩm tương đối phù hợp với người tiêu dùng Canada”, Bộ Công Thương nhận định.
Bản chất các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam có sự khác biệt về chất liệu và nguyên liệu, trong đó, sản phẩm gỗ từ Canada chủ yếu có nguồn gốc từ gỗ phong và các loại gỗ từ cây ôn đới. Vì thế, các doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ thị hiếu để đưa ra những mẫu mã sản phẩm đủ mới lạ với thị trường này.
Nguy cơ "đòn" phòng vệ thương mại từ Mỹ
Chia sẻ tại buổi họp báo về phòng vệ thương mại tại TP. Hồ Chí Minh ngày 16/12, ông Chu Thắng Trung, Phó cục trưởng Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, tính đến tháng 10, Việt Nam ghi nhận 224 vụ bị các nước áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Lý do là kinh tế thế giới khó khăn, xung đột Nga - Ukraine chưa có hồi kết khiến nhiều quốc gia tăng áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo hộ hàng hóa trong nước.
Ông Chu Thắng Trung, Phó cục trưởng Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) chia sẻ thông tin ngày 16/12 tại TP. Hồ Chí Minh. (Nguồn: VnExpress) |
Trong các thị trường lớn, Mỹ là quốc gia áp dụng nhiều biện pháp phòng vệ thương mại nhất với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (43 vụ). Tiếp đến là ASEAN (42 vụ), Ấn Độ (29 vụ)... Với thị trường EU, số vụ việc bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại giảm 14 vụ so với trước.
Theo thống kê, 11 tháng, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Mỹ đạt 101 tỷ USD, tăng 17,7% (tương ứng tăng 15,2 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu sang Mỹ ngày càng tăng mạnh, một số nhóm hàng bùng nổ doanh số nên theo ông Trung, các hàng hóa này có thể trở thành đối tượng bị điều tra phòng vệ thương mại trong thời gian tới.
Trong các sản phẩm hàng hóa như cá tra, tôm, mật ong của Việt Nam bị áp thuế chống bán phá giá nhiều nhất. Điển hình như mật ong có thời điểm Mỹ áp thuế chống bán phá giá sơ bộ lên tới 400%. Tuy nhiên, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành xử lý hiệu quả nên mức áp dụng chống bán phá giá mật ong giảm 7 lần xuống 58-62% (tùy doanh nghiệp).
Riêng với cá tra và tôm, tới nay nhiều doanh nghiệp đã không còn bị áp dụng chống bán phá giá. Dẫu vậy, theo ông Trung, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) hàng năm vẫn rà soát các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Dự báo Chính phủ Mỹ vẫn áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát lạm phát, bảo hộ sản xuất trong nước thông qua các biện pháp phòng vệ thương mại, đồng thời, gây sức ép mở cửa các thị trường xuất khẩu.
Do đó, doanh nghiệp khi xuất khẩu qua thị trường này cần chủ động nghiên cứu các vụ việc đã có kết luận để chuẩn bị sẵn hồ sơ chứng minh cho các lô hàng xuất khẩu để tránh bị áp thuế chống bán phá giá cao.
Trong khi các nước tăng cường áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với hàng nhập khẩu, cơ quan chức năng của Việt Nam đã và đang đẩy mạnh các biện pháp bảo hộ sản phẩm trong nước. Đến nay, Việt Nam đã áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại 22 vụ việc, trong đó có 16 vụ điều tra chống bán phá giá, 6 vụ điều tra tự vệ, 2 vụ điều tra chống lẩn tránh thuế, 1 vụ điều tra chống trợ cấp.
Đặc biệt, tháng 8, Việt Nam đã áp dụng biện pháp chống lẩn tránh phòng vệ thương mại với một số sản phẩm đường mía Thái Lan, hay áp dụng biện pháp chống bán phá giá với một số sản phẩm vật liệu hàn, áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời với một số sản phẩm bàn ghế nội thất từ Trung Quốc...