Việt Nam trở thành nước xuất khẩu giày vải lớn nhất (về giá trị), vượt xa Trung Quốc. (Nguồn: Cafe F) |
Việt Nam vượt xa Trung Quốc về xuất khẩu giày vải
Số liệu từ World Footwear Yearbook cho thấy, sản xuất giày dép trên toàn thế giới trong giai đoạn 2010 - 2019 tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm là 2,2%. Năm 2019, ngành công nghiệp tăng trưởng chậm lại, chỉ tăng 0,6% so với năm 2018, đạt mức kỷ lục sản xuất mới với 24,3 tỷ đôi.
Bất chấp tác động của Covid-19, năm 2020, châu Á vẫn là "công xưởng" giày dép của thế giới. Cứ 10 đôi giày thế giới làm ra, thì 9 đôi được sản xuất tại châu Á, chiếm 87% tổng sản lượng giày dép thế giới.
Trong đó, Trung Quốc tiếp tục là quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu giày dép, với lượng đạt 7,402 tỷ đôi, chiếm 61,1% thị phần. Tuy nhiên, trong 10 năm qua, thị phần xuất khẩu giày dép của Trung Quốc đã sụt giảm mạnh, từ 73,1% xuống còn 61,1%. Sự sụt giảm này đến từ sự vươn lên của Việt Nam, Indonesia và một số thị trường khác.
Việt Nam xếp thứ hai thế giới về xuất khẩu giày dép, với lượng xuất khẩu đạt 1,233 tỷ đôi trong năm 2020, lần đầu tiên Việt Nam vượt qua mức 10% tổng số lượng giày dép xuất khẩu của thế giới, chiếm 10,2%, tăng 4,4 lần so với năm 2011.
Đáng chú ý, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu giày vải lớn nhất (về giá trị), vượt xa Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên kể từ khi xuất bản World Footwear Yearbook, Trung Quốc không dẫn đầu xuất khẩu đối với một loại giày dép.
Các quốc gia kế tiếp gồm Indonesia xuất khẩu 366 triệu đôi (3% thị phần); Đức 301 triệu đôi (2,5% thị phần); Thổ Nhĩ Kỳ 280 triệu đôi (2,3% thị phần).
Theo Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương), năm 2020, Việt Nam chiếm 10,2% tổng số lượng giày dép xuất khẩu của thế giới, giảm 19% so với năm trước. Dù đây là mức thấp nhất trong 10 năm qua, nhưng so với năm 2011, lượng giày dép xuất khẩu của Việt Nam tăng 4,4 lần (với 316 triệu đôi giày xuất khẩu).
Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2019 của ngành giày dép tăng 12,1%/năm. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, xuất khẩu giày dép của Việt Nam giảm 9,1% so với năm 2019.
Tính chung trong giai đoạn 2016 - 2020, xuất khẩu giày dép của Việt Nam tăng trưởng bình quân 6,4%/năm. Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam trong giai đoạn 2016 - 2020 có xu hướng tăng từ 10,3% trong năm 2016 lên 13,6% trong năm 2020.
Xuất khẩu nông sản 10 tháng tăng hơn 13%
Theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, trong 10 tháng qua, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng nông, lâm, thuỷ sản ước đạt trên 74,3 tỷ USD. Riêng xuất khẩu ước đạt gần 38,75 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, trong tháng 10, xuất khẩu (XK) nhóm nông sản chính ước đạt gần 17,4 tỷ USD, tăng 12,7%; lâm sản chính đạt khoảng 12,8 tỷ USD, tăng 22,3%; thủy sản đạt gần 6,9 tỷ USD, giảm 0,8%; chăn nuôi ước đạt 359 triệu USD, tăng 6,1%; nhóm đầu vào sản xuất khoảng 1,4 tỷ USD, tăng 22,3%.
Tính chung 10 tháng, nhiều sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng, gồm: Cà phê, cao su, gạo, nhóm hàng rau quả, hồ tiêu, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn, sản phẩm chăn nuôi, tôm, sản phẩm gỗ, mây, tre, cói thảm, quế... Trong đó, cao su, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu.
Cụ thể, cao su tăng 13,9% khối lượng và tăng hơn 46% giá trị, hạt điều tăng hơn 14% khối lượng và 13,5% giá trị, sắn và sản phẩm từ sắn chỉ tăng hơn 7% khối lượng, nhưng tăng hơn 21% giá trị. Riêng hồ tiêu, dù khối lượng XK giảm 5,7%, nhưng nhờ giá XK bình quân tăng 52,9% nên giá trị XK vẫn tăng 44,2%.
Giá XK bình quân 10 tháng nhiều mặt hàng tăng, như cao su đạt 1.680 USD/ tấn (tăng 4,1%), chè đạt hơn 1.665 USD/tấn (tăng 28,7%) Giá cà phê cũng tăng 9,7%, gạo găng hơn 7,1%, hồ tiêu tăng hơn 71%, sắn hơn 13%...
Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cũng cho biết về giá trị XK nông, lâm, thủy sản 10 tháng qua của Việt Nam tới các thị trường thuộc khu vực châu Á (chiếm 42,8% thị phần), châu Mỹ (30,0%), châu Âu (11,4%), châu Phi (1,9%), châu Đại Dương (1,5%).
Theo đó, thị trường xuất khẩu lớn nhất là Mỹ đạt trên 10,8 tỷ USD (chiếm 27,9% thị phần), trong đó kim ngạch XK nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 68,4% tỷ trọng kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang thị trường này...
Rau củ xuất sang Đài Loan tăng rất mạnh bất chấp dịch bệnh
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19, nhưng xuất khẩu rau củ sang Đài Loan (Trung Quốc) trong năm nay vẫn tăng trưởng rất ấn tượng.
Thông tin từ Cơ quan Hải quan Đài Loan, cho thấy, nhập khẩu hàng rau củ vào thị trường này trong 9 tháng đầu năm 2021 đạt 295,5 nghìn tấn, trị giá 232,9 triệu USD, tăng 3,9% về lượng và tăng 13,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Đặc biệt, hàng rau củ từ Việt Nam nhập khẩu vào Đài Loan tăng trưởng rất mạnh. Trong 9 tháng đầu năm 2021, rau củ Việt Nam nhập khẩu vào Đài Loan đạt 60,7 nghìn tấn, trị giá 40,3 triệu USD, tăng 81,6% về lượng và tăng 68,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Với lượng và trị giá như trên, Việt Nam là thị trường cung cấp hàng rau củ lớn nhất cho thị trường Đài Loan, tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 20,6% tổng lượng hàng rau củ nhập khẩu, tăng 8,8 điểm phần trăm so cùng kỳ năm 2020.
Người tiêu dùng tại thị trường Đài Loan đang ngày càng quan tâm nhiều tới các sản phẩm rau củ của Việt Nam. |
Việt Nam cũng là nhà cung cấp số 1 cho thị trường Đài Loan ở chủng loại rau củ được nhập khẩu nhiều nhất.
Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2021, thị trường Đài Loan nhập khẩu nhiều nhất chủng loại bắp cải, hoa lơ, su hào, cải xoăn và cây họ bắp cải ăn được tương tự, tươi hoặc ướp lạnh (mã HS 0704), đạt 93,9 nghìn tấn, trị giá 45,8 triệu USD, tăng 33,4% về lượng và tăng 46,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Việt Nam là thị trường cung cấp lớn nhất chủng loại này cho thị trường Đài Loan, trong 9 tháng đầu năm 2021 với 51,7 nghìn tấn, trị giá 26,4 triệu USD, tăng 117,8% về lượng và tăng 130% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 55% tổng lượng nhập khẩu chủng loại mã HS 0704 vào thị trường này.
Những số liệu trên cho thấy, người tiêu dùng tại thị trường Đài Loan đang ngày càng quan tâm nhiều tới các sản phẩm rau củ của Việt Nam. Điều này mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng rau củ sang thị trường Đài Loan trong những tháng cuối năm và trong những năm tới, khi nhu cầu nhập khẩu rau củ của thị trường Đài Loan ngày càng tăng.
Xuất khẩu sắt thép tiếp tục vượt mức 1 tỷ USD
Xuất khẩu sắt thép các loại tháng 10/2021 đạt 1,22 triệu tấn với trị giá 1,23 tỷ USD. Đây đã là tháng thứ 4 liên tiếp mặt hàng này có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD mỗi tháng.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 10/2021 xuất khẩu sắt thép các loại đạt 1,22 triệu tấn với trị giá 1,23 tỷ USD. Như vậy đây đã là tháng thứ 4 liên tiếp mặt hàng này có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD mỗi tháng.
Tính chung 10 tháng, lượng xuất khẩu sắt thép lên 11,07 triệu tấn, tăng 39,6% về lượng với trị giá là 9,65 tỷ USD, tăng 132,1% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 5,5 tỷ USD.
Trong đó, khối doanh nghiệp trong nước xuất khẩu gần 7 triệu tấn sắt thép các loại, tăng 48% so với cùng kỳ năm trước với trị giá là 6,01 tỷ USD, chiếm 62% tổng giá trị, tăng 149%, tương ứng tăng 3,6 tỷ USD.
Sắt thép các loại 10 tháng qua được các doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường: ASEAN đạt 3,19 triệu tấn, giảm 7%; Trung Quốc đạt 2,45 triệu tấn, giảm 15,1%; sang EU đạt 1,53 triệu tấn, tăng gấp 8 lần; sang Hoa Kỳ đạt 775 nghìn tấn, tăng 5 lần so với cùng kỳ năm trước.
Bản tin cập nhật về Triển vọng ngắn hạn cho năm 2021 và 2022 của Hiệp hội Thép Thế giới dự báo nhu cầu thép sẽ tăng 4,5% trong năm 2021 và đạt 1.855,4 triệu tấn sau khi tăng trưởng 0,1% vào năm 2020.
Năm 2022, nhu cầu thép sẽ tăng thêm 2,2% lên 1.896,4 triệu tấn, với giả định vaccine được tiêm phủ rộng trên toàn cầu, sự lây lan của các biến thể virus Covid-19 sẽ ít gây tổn hại và gián đoạn hơn so với các đợt trước, và điều này tiếp tục tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu sắt thép của các doanh nghiệp Việt Nam.
Cá tra xuất khẩu sang Brazil tăng hơn 1,5 lần
Tính đến nửa đầu tháng 10/2021, tổng giá trị XK cá tra sang thị trường Brazil tăng gấp hơn 1,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 47,44 triệu USD. Năm nay, XK cá tra sang thị trường Mỹ Latinh khá tốt, trong đó nổi bật nhất là Mexico và Brazil.
Theo bà Tạ Hà, chuyên gia thị trường cá tra, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), có gần 20 doanh nghiệp cá tra Việt Nam đang tham gia tích cực xuất sang thị trường Brazil, trong đó, một số doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn, như: Công ty TNHH Công Nghiệp Thủy sản Miền Nam (SOUTH VINA – Cần Thơ) ; Công ty Cổ phần Hùng Cá 6 (HUNG CA Co.,Ltd – Đồng Tháp) và Công ty CP Chế biến và Xuất nhập khẩu Thủy sản Cadovimex II (CADOVIMEX II - Đồng Tháp).
Nhu cầu nhập khẩu thực phẩm, lương thực của Brazil được dự báo là sẽ tăng mạnh từ nay tới cuối năm và cả năm 2022. Đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam đẩy mạnh sang thị trường Brazil trong thời gian tới.
Theo số liệu thống kê cập nhật mới nhất của ITC, 9 tháng đầu năm nay, tổng giá trị nhập khẩu thủy sản đông lạnh của Brazil cũng tăng gần 40% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị nhập khẩu cá thịt trắng tăng 14,5%, riêng nhập khẩu phile cá tra từ Việt Nam tăng 41,3%. Năm nay, cá tra, cá hồi là hai sản phẩm thủy sản được yêu thích của các nhà nhập khẩu Brazil. Khoảng 96% sản phẩm cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Brazil là phile đông lạnh.
Việt Nam đang là nguồn cung sản phẩm cá thịt trắng dẫn đầu và chi phối tại Brazil. Có thể nói rằng, năm 2021, nếu các doanh nghiệp cá tra Đồng bằng sông Cửu Long cố gắng giữ được an toàn dịch bệnh Covid -19 trong nhà máy, ổn định được công suất chế biến thì Brazil và một số thị trường tiềm năng khác tại Nam Mỹ là những cơ hội mới cho các doanh nghiệp cá tra Việt Nam.