Xuất khẩu khẩu trang y tế tăng mạnh trở lại trong tháng 3/2021 trong bối cảnh làn sóng dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát tại nhiều quốc gia trên thế giới. (Nguồn: https://moit.gov.vn) |
Xuất khẩu khẩu trang y tế tăng mạnh trở lại
Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 3, cả nước có 35 doanh nghiệp chính tham gia xuất khẩu khẩu trang y tế các loại với số lượng là 60,72 triệu chiếc, tăng 26,3% so với số lượng xuất khẩu ghi nhận trong tháng 2.
Như vậy, tính chung trong 3 tháng từ đầu năm 2021, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu gần 174 triệu chiếc khẩu trang y tế các loại. Trong đó, tháng 1 xuất được 64,7 triệu chiếc, tháng 2 là 48,08 triệu chiếc và tháng 3 là 60,72 triệu chiếu.
Theo một số doanh nghiệp đang sản xuất và xuất khẩu khẩu trang tại TP. HCM, tình hình dịch bùng phát tại một số nước khiến đơn hàng khẩu trang chống dịch tăng trở lại.
Năm 2020, cả nước xuất khẩu hơn 1,37 tỷ chiếc khẩu trang y tế các loại. Vào những tháng cao điểm, có khoảng hơn 60 doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia xuất khẩu khẩu trang.
Năm 2020, vào những tháng “đỉnh” dịch Covid-19, lượng khẩu trang y tế xuất khẩu mỗi tháng cao gấp 3-4 lần so với mức hiện tại. Chẳng hạn, tháng 5/2020 xuất khẩu đến 181 triệu chiếc, tháng 6/2020 xuất vọt lên đến 236 triệu chiếc…
Xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai tăng 75%
Hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh với giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu và các loại hình dịch vụ khác đạt gần 950 triệu USD trong quý I/2021, tăng 75% so với cùng kỳ năm trước.
Trong số đó, với gần 406 triệu USD, giá trị xuất khẩu 3 tháng đầu năm qua cửa khẩu Lào Cai tăng 63% so với cùng kỳ năm 2020 với một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu như phốt pho vàng, thanh long, xoài, dưa hấu, chuối...
Tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu năm 2021 đạt tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu khoảng 4,6 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2020. Trong bối cảnh vẫn còn rất nhiều khó khăn, địa phương đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quyết liệt và linh hoạt để đẩy mạnh các hoạt động xuất nhập khẩu.
Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai là 1 trong 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025. Hiện, tỉnh Lào Cai đang đẩy mạnh quy hoạch mở rộng khu kinh tế cửa khẩu lên 16.000 ha; trong đó, ưu tiên xây dựng hạ tầng, kêu gọi thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển logistics...
Tin liên quan |
Giá thuê bất động sản công nghiệp tăng nóng, doanh nghiệp lúng túng và gợi ý từ chuyên gia |
Giá gạo xuất khẩu Việt Nam vượt Thái Lan
Báo cáo của Cục Chế biến & Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) về thông tin thị trường nông sản cho thấy, khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam 3 tháng đầu năm đạt 1,1 triệu tấn với giá trị 606 triệu USD, giảm 30,4% về khối lượng và giảm 17,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Điều đáng chú ý, tháng 3, giá xuất khẩu bình quân gạo Việt Nam đạt 547 USD/tấn, tăng 0,5% so với tháng 2 và tăng 19,1% so với tháng 1.
Bình quân trong quý I/2021, giá xuất khẩu bình quân gạo đã tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 547 USSD/tấn.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, nguyên nhân khiến gạo xuất khẩu được giá là do nhu cầu mua gạo Đông Xuân vụ mới từ Việt Nam của đối tác nước ngoài tăng cao.
Với mức giá trên, gạo Việt tiếp tục giữ vững ngôi đầu thế giới về giá bán. Giá gạo 5% của Ấn Độ dù đã tăng mạnh và dịp cuối tháng 3 những vẫn chỉ đạt mức 401 USD/tấn. Gạo Ấn Độ đang có giá thấp nhất trong 3 nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.
Trong khi đó, giá gạo cùng loại của Thái Lan đạt mức 538 USD/tấn vào đầu tháng nhưng đã giảm xuống 509 USD/tấn vào cuối tháng 3.
Năm 2020, không chỉ nhiều lần vượt qua các đối thủ về giá bán, với khối lượng xuất khẩu đạt 6,15 triệu tấn, thu về 3,07 tỷ USD, Việt Nam chính thức vượt qua Thái Lan, trở thành cường quốc xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Ấn Độ.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, xuất khẩu gạo từ cuối tháng 3 trở đi sẽ sôi động hơn khi nguồn cung lúa hàng hóa có mặt trên thị trường dồi dào và các doanh nghiệp đã hoàn tất chế biến gạo xuất khẩu.
Sau 8 tháng thực thi EVFTA, xuất khẩu sang EU đạt gần 4,8 tỷ USD
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, tính từ ngày 1/8/2020 (ngày Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu - EVFTA có hiệu lực) đến đầu tháng 4/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam sang thị trường EU tăng vọt, đạt gần 4,8 tỷ USD.
Theo đó, đến đầu tháng 4, các cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp C/O (giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc hàng hóa) đã cấp gần 127.300 bộ C/O. Số này chưa gồm trị giá hàng hóa sang EU của các doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ.
Hàng hóa xuất sang EU chủ yếu là thủy sản, dệt may, giày dép, nông sản... Thị trường nhập khẩu đa phần là các nước có cảng biển và trung tâm phân phối, trung chuyển của EU như Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp.
| Bứt tốc xuất khẩu, kiếm tìm động lực từ các FTA TGVN. Dù dịch Covid-19 vẫn phức tạp nhưng xuất khẩu của Việt Nam trong hai tháng đầu năm 2021 ghi nhận đà tăng trưởng cao, ... |
EVFTA có hiệu lực từ tháng 8/2020 đã mở ra cơ hội xuất khẩu lớn cho hàng hóa Việt Nam vào thị trường quy mô GDP 15.000 tỷ USD. Theo cam kết, gần 100% các dòng thuế theo lộ trình 7 - 10 năm, số ít dòng thuế còn lại cũng được hưởng hạn ngạch với thuế suất 0%.
EU cũng chính là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu sang châu Âu đạt 43,7 tỷ USD và nhập khẩu từ thị trường này 18,5 tỷ USD. Nhiều mặt hàng đang có dư địa tăng trưởng cao nhờ ưu đãi thuế quan từ EVFTA. Trong quý 1/2021, xuất khẩu hàng hóa sang EU đạt hơn 9,9 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020.
Không chỉ EVFTA, các FTA khác cũng đang góp phần phát triển xuất khẩu nhanh và bền vững, giảm dần phụ thuộc vào một hay một vài thị trường. Theo cơ quan quản lý xuất nhập khẩu, tổng kim ngạch xuất khẩu sử dụng các loại C/O ưu đãi theo FTA trung bình đạt 32%-34%/năm.
Tôm Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 4 tỷ USD
Ngày 14/4, tại Lễ khai mạc Hội chợ Triển lãm công nghệ ngành tôm Việt Nam lần thứ ba tại Cần Thơ, ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, năm 2021, toàn ngành đặt mục tiêu diện tích nuôi tôm đạt 740.000 ha, sản lượng 930.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 4 tỷ USD.
Tôm luôn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt 3,8 tỷ USD, diện tích nuôi 736.000 ha, sản lượng 900,000 tấn; tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Năm nay, toàn ngành đặt mục tiêu diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 740.000 ha, sản lượng 930.000 tấn; kim ngạch xuất khẩu 4 tỷ USD.
Với tốc độ tăng trưởng trung bình gần 7% mỗi năm của ngành tôm thế giới, ông Luân dự tính đến năm 2045, tổng sản lượng tôm toàn cầu sẽ đạt 15 triệu tấn. Việt Nam có thể trở thành cường quốc sản xuất và chế biến tôm số một thế giới, chiếm 25% thị phần tôm toàn cầu với sản lượng gần 4 triệu tấn tôm nguyên liệu, giá trị 20 tỷ USD vào năm 2045.
Ngành tôm đang được khuyến khích áp dụng công nghệ cao. Trong hơn 200.000 ha nuôi tôm công nghệ cao, phần lớn tập trung tại hai tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng, với tổng diện tích gần 190.000 ha. Hai địa phương này được các doanh nghiệp nước ngoài tập trung đầu tư nguồn lực phục vụ chế biến và xuất khẩu.