Người tiêu dùng Lào mua hàng Việt tại một Hội chợ. (Nguồn: Dân trí) |
Tạo nhịp cầu đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Lào, Thái Lan
Nhằm tư vấn, giải đáp các vấn đề doanh nghiệp quan tâm liên quan đến việc xuất, nhập khẩu sản phẩm chế biến từ nông sản, thực phẩm... với thị trường Lào và Thái Lan như yêu cầu đối với chất lượng và phẩm cấp hàng hóa, phương thức thanh toán, cách thức vận chuyển, bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu, giải quyết các vấn đề bất cập có thể phát sinh trong quá trình xuất nhập khẩu... ngày 21/6, Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Lào và Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan tổ chức Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Lào và Thái Lan.
Sự kiện sẽ được tổ chức trực tiếp tại tỉnh Tây Ninh kết hợp trực tuyến trên nền tảng Zoom và phổ biến trên fanpage Facebook Cục Xúc tiến thương mại.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào năm 2020 đạt hơn 1 tỷ USD, giảm 11,5% so với năm 2019; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 571,7 triệu USD, giảm 18,5% so với năm trước đó. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 458,1 triệu USD, giảm 0,7%.
Sang năm 2021, kim ngạch ngạch thương mại Việt Nam-Lào đạt 1,37 tỷ USD, tăng 33,3% so với năm trước. Trong số này, xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 594,7 triệu USD, tăng 4% so với năm trước và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 778,2 triệu USD, tăng 69,8%.
Năm tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại Việt Nam-Lào đạt 708,2 triệu USD, trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 247,2 triệu USD, giảm 11,7% so với cùng kỳ năm trước.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Lào gồm sản phẩm từ sắt thép, phương tiện vận tải và phụ tùng, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác, phân bón các loại, sản phẩm từ chất dẻo, rau quả.
Đối với thị trường Thái Lan, đây là một trong những đối tác có kim ngạch xuất, nhập khẩu lớn với tổng giá trị trao đổi thương mại luôn nằm trong số 10 quốc gia có quan hệ thương mại lớn nhất với Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), kim ngạch thương mại của Việt Nam với Thái Lan tăng gấp 7 lần, từ 2,31 tỷ USD năm 2004 lên đến 16,58 tỷ USD năm 2020, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt hơn 11%/năm.
Năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Thái Lan đạt gần 19 tỷ USD, tăng 17,9% so với năm 2020. Đây là mức kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước Việt Nam và Thái Lan cao nhất từ trước tới nay.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt gần 8,57 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan đạt 2,95 tỷ USD, tăng 15,6%; nhập khẩu của Việt Nam từ Thái Lan đạt 5,26 tỷ USD, tăng 3,5%.
Mặc dù là một cường quốc về xuất khẩu nông sản trên thế giới nhưng Thái Lan cũng có nhu cầu rất lớn về nhập khẩu các loại trái cây, rau củ tươi. Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam khai phá thị trường đầy tiềm năng có giá trị lên tới hàng tỷ USD này.
Hiện các sản phẩm như thuỷ sản, rau quả, hạt điều, cà phê, hạt tiêu, nhiều mặt hàng như trái cây tươi của Việt Nam cũng đang được người tiêu dùng Thái Lan ưa chuộng.
Năm 2020, nước này nhập khẩu lượng rau quả tươi và chế biến có giá trị hơn 2,6 tỷ USD. Trong khi đó, Việt Nam có nhiều sản phẩm thế mạnh mà Thái Lan không cạnh tranh được, thí dụ như vải và thanh long. Nhiều doanh nghiệp Thái Lan đã nhập thanh long, vải từ Việt Nam về bán trong các hệ thống siêu thị lớn.
Ngoài ra, doanh nghiệp Thái Lan còn nhập nông sản nguyên liệu và đưa về Thái Lan để chế biến.
Việc tham gia Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Lào và Thái Lan sẽ là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam được tư vấn, giải đáp các vấn đề liên quan đến việc xuất, nhập khẩu sản phẩm chế biến từ nông sản, thực phẩm... với hai thị trường này. Từ đó các doanh nghiệp Việt Nam có thể nhận diện được những cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Lào và Thái Lan.
Mở cánh cửa chính ngạch đối với trái sầu riêng Việt Nam tại thị trường Trung Quốc
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), Việt Nam đã đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc hoàn thiện các thủ tục để ký kết Nghị định thư cho phép xuất khẩu trái sầu riêng.
Hiện nay, tất cả hồ sơ kỹ thuật, cả nội dung tiếng Anh, tiếng Việt của Nghị định thư này đã được phía Việt Nam hoàn tất và gửi đi Trung Quốc, chỉ chờ phía bạn thống nhất, hoàn thành thủ tục và đề xuất ngày, giờ để 2 bên ký kết Nghị định thư.
Nghị định thư này có thể được ký kết theo nhiều hình thức, có thể trực tuyến hoặc có thể Trung Quốc ký trước rồi gửi sang Việt Nam để hoàn thiện rồi gửi lại cho phía bạn. Sau khi ký kết, trái sầu riêng có thể chính thức được xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc.
“Trái sầu riêng cũng đang đàm phán ở giai đoạn cuối. Hai bên đang hoàn thiện Nghị định thư quy định xuất khẩu về vùng trồng, mã số nhà phân phối và quản lý dịch hại”, ông Lê Văn Thiệt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết.
Để xuất khẩu được trái sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - cho biết, các doanh nghiệp, nhà vườn cần đáp ứng 3 yêu cầu cơ bản, đó là có biện pháp quản lý phù hợp để loại bỏ các đối tượng dịch hại phía bạn quan tâm; đáp ứng được yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép; thực hiện đúng quy cách về đóng gói, thông tin trên bao bì.
Đến thời điểm này, những điều kiện cần thiết để có thể xuất khẩu trái sầu riêng đã được hoàn thành như tên doanh nghiệp, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Trung, điều quan trọng hiện nay là người dân trồng sầu riêng phải hiểu được cần đáp ứng những yêu cầu kỹ thuật nào.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp, người dân và các cơ quan quản lý cần đáp ứng được yêu cầu về nhật ký, hồ sơ sản xuất cũng như các chương trình giám sát an toàn thực phẩm trước khi thu hoạch mà phía Trung Quốc đề ra.
Hiện nay, Cục Bảo vệ thực vật đã phổ biến rất kỹ càng những yêu cầu này tới người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Cục Bảo vệ thực vật cũng chỉ đạo toàn bộ hệ thống kiểm dịch thực vật ở các nơi khi có hàng hóa đến cần kiểm tra xuất xứ của hàng hóa có đúng mã số hay không, bao bì nhãn mác có đúng quy định hay không và có đáp ứng được các yêu cầu về kỹ thuật hay không.
Quá trình này sẽ được thực hiện trong thời gian nhanh chóng nhất, thuận lợi nhất, tiết kiệm thời gian nhất để doanh nghiệp có thể sớm đưa hàng sang Trung Quốc.
Bộ Công Thương: Cả nước có 27 mặt hàng xuất khẩu vượt 1 tỷ USD
Thông tin tại phiên họp báo do Bộ Công Thương tổ chức chiều 16/6, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, kim ngạch xuất khẩu tháng 5 tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng kim ngạch xuất khẩu cả nước tăng 16,7%.
Đáng chú ý, sau 5 tháng, Việt Nam có 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, cao hơn 4 mặt hàng so với cùng kỳ năm trước.
Ông Hải cho biết thêm, xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước tăng cao hơn khu vực có vốn FDI, tăng 21,3% (khu vực FDI kể cả dầu thô tăng 15,1%) cho thấy sự phục hồi trở lại nhanh chóng của khu vực các doanh nghiệp trong nước và nối lại được các chuỗi cung ứng trên toàn cầu.
Tuy vậy, ông nhấn mạnh, các doanh nghiệp sản xuất gặp nhiều khó khăn do chi phí sản xuất tăng, trong đó giá vận tải, kho bãi, giá nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất vẫn ở mức cao khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng.
Hơn nữa, một số nhóm hàng do các doanh nghiệp FDI sản xuất (Tập đoàn Samsung và Tập đoàn Electronic) giảm sản lượng sản xuất do nhu cầu thị trường suy giảm, đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng của cả sản xuất công nghiệp và xuất khẩu trong tháng 5.
Cùng đó, các biện pháp phong tỏa ở Trung Quốc để phòng chống dịch đã ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam, làm giảm nhu cầu nhập khẩu hàng hóa; chậm trễ trong giao nhận hàng hóa...
Trước thực tế trên, ông Hải khẳng định, Bộ Công Thương sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt các FTA đã ký kết để tăng tốc xuất khẩu và đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, đồng thời tiếp tục các giải pháp giao thiệp với phía bạn và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để giải quyết tình trạng thông quan biên giới bền vững.
“Bộ sẽ rà soát, kiến nghị các giải pháp nhằm giảm các loại thuế, phí hoặc đề xuất các giải pháp nhằm hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng lớn trong trường hợp giá đầu vào của một số mặt hàng,” Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin thêm.
Cơ hội "vàng ròng" cho cá tra Việt tại thị trường Mỹ
Ngoài nguyên nhân do nguồn cung khan hiếm sau 2 năm dịch bệnh, việc Mỹ và châu Âu tạm ngừng nhập khẩu thủy sản từ Nga đang tạo cơ hội vàng để sản phẩm cá tra Việt Nam tăng thị phần ở 2 thị trường này.
"Mỹ là thị trường rất tiềm năng. Chính vì vậy, ngành đang tập trung để phối hợp với doanh nghiệp và người nuôi có sản phẩm chất lượng nhất, có truy xuất nguồn gốc, đa dạng hóa sản phẩm", ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, cho biết.
Việc Mỹ và châu Âu tạm ngừng nhập khẩu thủy sản từ Nga đang tạo cơ hội vàng để sản phẩm cá tra Việt Nam tăng thị phần ở 2 thị trường này. |
Mới đây, Cơ quan Thanh tra và An toàn Thực phẩm Mỹ (FSIS), Bộ Nông nghiệp Mỹ vừa công nhận thêm 6 nhà máy đủ tiêu chuẩn xuất khẩu cá tra sang thị trường này, nâng số nhà máy được Mỹ công nhận lên 19.
Xuất khẩu cá tra sang các thị trường lớn như Mỹ, EU... được dự báo tiếp tục tăng trưởng do giá cá tra xuất khẩu của các doanh nghiệp chế biến trong nước cạnh tranh tốt. Mức tồn kho cá tra tại nhiều nước đang ở mức rất thấp sau 2 năm dịch bệnh.
"Không chỉ tham gia hội chợ thủy sản lớn trên thế giới, mà quan trọng nhất là chúng ta cố gắng để đáp ứng được đơn hàng lúc này, từ Âu, Mỹ, đặc biệt là từ Trung Quốc", ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết.
VASEP cũng lưu ý, người nuôi cần lên kế hoạch thả nuôi hợp lý, đảm bảo cân đối cung - cầu, tránh tình trạng đổ xô khiến giá cá tra lao dốc. Chất lượng sản phẩm cũng cần siết chặt để tận dụng tốt nhất cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia.
Với những kết quả từ ngành hàng cá tra và thủy sản trong 5 tháng đầu năm, lần đầu tiên, kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm nay được dự báo có thể vượt mốc 10 tỷ USD.