Sang đến tháng 3/2023, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam tăng mạnh với 60 nghìn tấn, trị giá 355 triệu USD. (Nguồn: VnEconomy) |
Ngành điều "hồi sức", tăng mạnh cả lượng và trị giá
Trong tháng 1/2023, xuất khẩu điều suy giảm mạnh cả về lượng và trị giá, nhưng từ tháng 2/2023 đến nay đã tăng trưởng nhanh trở lại. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 2/2023, xuất khẩu nhân điều đạt 34,3 nghìn tấn, trị giá 197,7 triệu USD, tăng 25,8% về lượng và tăng 26,9% về trị giá so với tháng 1/2023; và so với cùng kỳ năm 2022 tăng 35,4% về lượng và tăng 31,2% về trị giá.
Sang đến tháng 3/2023, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đã tăng mạnh với 60 nghìn tấn, trị giá 355 triệu USD, tăng 75% về lượng và tăng 79,5% về trị giá so với tháng 2/2023, và so với cùng kỳ năm 2022 tăng 50,4% về lượng và tăng 48,6% về trị giá.
Tính chung quý 1/2023, xuất khẩu hạt điều đạt 122 nghìn tấn, trị giá 708 triệu USD, tăng 16,6% về lượng và tăng 14,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Cơ quan Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu hạt điều của nước này trong quý đầu năm giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, Trung Quốc giảm nhập khẩu hạt điều từ Việt Nam, nhưng tăng mạnh nhập khẩu từ Bờ Biển Ngà, Togo, Tazania, Benin... Điều này cho thấy, ngành điều Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh khá lớn từ các nước sản xuất khác trong việc xuất khẩu tới thị trường Trung Quốc.
Nhìn lại năm 2022, là năm mà ngành chế biến, xuất khẩu hạt điều chấm dứt giai đoạn 10 năm liên tục tăng trưởng về xuất khẩu. Theo Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas), xuất khẩu hạt điều của Việt Nam trong năm 2022 đạt 519.782 tấn, trị giá 3,08 tỷ USD, giảm 10,3% về lượng, giảm 15,1% về giá trị so với năm 2021. Trong đó, tỷ trọng xuất khẩu điều sang thị trường Trung Quốc đã giảm từ 15% xuống còn khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu điều của Việt Nam.
Tuy nhiên, với hơn 3 tỷ USD thu về, ngành điều Việt Nam vẫn giữ vị trí số 1 thế giới về công nghệ và sản lượng điều nhân xuất khẩu, chiếm khoảng 80% thương mại điều nhân toàn cầu. Các thị trường xuất khẩu hạt điều chính của Việt Nam là Mỹ, châu Âu, Trung Quốc…
Theo Vinacas, xuất khẩu hạt điều trong năm 2023 giảm cả về lượng lẫn giá trị là do tình trạng lạm phát cao trên toàn cầu, khiến cho giá cả sinh hoạt trở nên đắt đỏ hơn, mức chi tiêu cho các nhu cầu tất yếu tăng cao hơn rõ rệt, dẫn đến việc tiêu thụ hạt điều và các thực phẩm không thiết yếu khác bị ảnh hưởng nặng nề.
Bên cạnh đó, việc các ngân hàng Trung ương tăng cao lãi suất cũng khiến cho các nhà nhập khẩu không còn khả năng mua hạt điều với khối lượng lớn để dự trữ như trước. "Giá điều thô nguyên liệu ở mức cao trong khi giá nhân điều lại ở mức thấp khiến các doanh nghiệp điều Việt Nam gặp khó khăn", Vinacas nhấn mạnh.
Tại thị trường nguyên liệu điều trong nước, hiện đang vụ thu hoạch, giá hạt điều nông dân bán ra tại vườn thấp hơn hẳn so với mọi năm. Hiện hạt điều bán tại vườn của nông dân chỉ được từ 25-28 ngàn đồng/kg, thấp hơn 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Vinacas nhận định năm 2023, ngành điều Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn, nhu cầu tiêu thụ chậm, giá khó tăng. Hoạt động sản xuất, chuỗi cung ứng hạt điều toàn cầu nói chung, Việt Nam nói riêng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn từ tình hình kinh tế, chính trị quốc tế; biến động tỷ giá USD/VND; tiêu dùng giảm, chi phí chế biến ngày càng tăng... Cùng với đó là vấn đề lạm phát ở các thị trường tiêu thụ chính của nhân điều Việt Nam; đặc biệt là tình trạng tồn kho nhân điều tại những thị trường này.
Trong bối cảnh trên, ngành điều đặt mục tiêu xuất khẩu điều năm 2023 ở mức “khiêm tốn” với 3,1 tỷ USD, tăng nhẹ 30 triệu USD so với năm 2022. Đồng thời, duy trì chủ trương “giảm lượng, tăng chất”.
Tận dụng UKVFTA, xuất khẩu cá ngừ sang Anh tăng gấp ba lần
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hai tháng đầu năm, xuất khẩu cá ngừ liên tục lao dốc và chỉ đạt 109 triệu USD, giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, các thị trường chính như Mỹ, EU giảm mạnh 50%. Nguyên nhân là lạm phát tăng cao, thói quen của người tiêu dùng thay đổi, chủ yếu tập trung các sản phẩm có giá rẻ. Ngoài ra, Việt Nam chưa gỡ được "Thẻ vàng IUU" là những trở ngại cho ngành cá ngừ.
Dẫu vậy, xuất khẩu vẫn có những tín hiệu tích cực khi hàng sang Anh, Nhật Bản, Đức, Israel tăng cao. Đặc biệt, trong tháng 2, xuất cá ngừ sang Anh đã tăng hơn 13 lần, đạt 971.000 USD. Lũy kế hai tháng, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này đạt 1,3 triệu USD, tăng gấp ba lần so với cùng kỳ 2022.
Ngoài Anh, xuất khẩu sang Nhật Bản, Thái Lan, Đức và Israel hai tháng đầu năm cũng lần lượt tăng trưởng 32-99%. Đây cũng là các quốc gia nằm trong top 5 về xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm thương mại thế giới (ITC), Anh là một trong 10 thị trường nhập cá ngừ lớn trên thế giới. Hiện, Việt Nam là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 13/45 quốc gia sang Anh. Năm 2022, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang nước này tăng gần 10% về giá trị.
VASEP đánh giá, Việt Nam đang khó khăn trong cạnh tranh với các đối thủ nhưng với thuế quan ưu đãi theo hiệp định thương mại tự do UKVFTA nên các nhà nhập khẩu Anh vẫn đẩy mạnh nhập cá ngừ từ Việt Nam.
Hiệp hội kỳ vọng các hiệp định FTA là động lực thúc đẩy xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong vài tháng tới. Dự báo nhu cầu của thị trường có thể dần phục hồi trong nửa cuối năm 2023.
Việt Nam có trữ lượng và tiềm năng khai thác lớn đối với cá ngừ. Hiện có 9 loài cá ngừ phân bố ở các vùng biển Việt Nam, với trữ lượng ước tính khoảng 600.000 tấn, trong đó cá ngừ sọc dưa chiếm hơn 50%. Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa là 3 tỉnh khai thác lớn nhất.
Gần 1.900 xe VF 8 của Vinfast sắp "cập bến" Bắc Mỹ
Lô xe VF 8 thứ hai được VinFast xuất khẩu đến Bắc Mỹ trên tàu Silver Queen, rời cảng MPC Port tối 16/4, dự kiến đến California (Mỹ) sau hơn 20 ngày. Lô xe xuất khẩu thứ hai của VinFast gồm 1.098 chiếc bàn giao cho người dùng Mỹ vào tháng 5 và 781 chiếc đến Canada, sẽ bàn giao vào tháng 6. Theo kế hoạch, trước khi đến Canada, tàu sẽ cập cảng Benicia (California, Mỹ).
Đại diện VinFast cho biết, đây là lô VF 8 tiêu chuẩn đầu tiên xuất khẩu, gồm bản Eco và Plus, thông số quãng đường di chuyển xa hơn phiên bản City Edition trước đó, theo chuẩn EPA. VF 8 Eco trang bị động cơ điện 260 kW, mô-men xoắn 500 Nm trong khi VF 8 Plus công suất 300 kW và sức kéo 620 Nm.
VF 8 lên tàu Silver Queen, tại cảng MPC Port Hải Phòng. (Nguồn: VinFast) |
"Các mẫu VF 8 trong lô này được trang bị hệ thống trợ lái nâng cao ADAS, được bổ sung và cập nhật các tính năng như: hỗ trợ lái xe trên cao tốc, tự động chuyển làn, đỗ xe thông minh, triệu tập xe, hỗ trợ đỗ xe từ xa", đại diện hãng nói.
Ngoài ra, xe có bộ ứng dụng tiện ích và giải trí thông minh Smart Service với các tính năng tương tác giọng nói, quản lý xe từ xa qua ứng dụng VinFast, mua sắm trực tuyến, chơi game trên màn hình đồng bộ điện thoại... Đối với thị trường châu Âu, lô VF 8 đầu tiên dự kiến được hãng này xuất khẩu vào tháng 7, số lượng 700 chiếc.
Song song việc sản xuất và vận chuyển xe đến các thị trường quốc tế, VinFast liên tục mở rộng mạng lưới kinh doanh trên toàn cầu. Ngoài thị trường Việt Nam, VinFast đã mở hơn 30 cửa hàng và xưởng dịch vụ tại Mỹ, Canada, Đức, Pháp, Hà Lan, sẵn sàng cho việc kinh doanh các dòng xe điện thông minh xuất khẩu từ Việt Nam.
Tại thị trường trong nước, VF 9 được VinFast bàn giao đến tay người dùng hôm 27/3, dự kiến trong tháng 4 bàn giao mẫu VF 5 Plus. Trên quy mô toàn cầu, hãng dự kiến sớm mở bán VF 6 và VF 7, đồng thời lên kế hoạch xuất khẩu VF 9 để bàn giao cho người dùng đã đặt mua.