Hội thảo "Năm đầu tiên thực thi UKVFTA: Thành tựu nổi bật và định hướng sắp tới" ngày 15/3 tại Hà Nội. (Ảnh: Vân Chi) |
Xuất khẩu sang Anh tăng trưởng ấn tượng sau 1 năm thực thi UKVFTA
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Anh (UKVFTA) được ký chính thức tại London (Anh) ngày 29/12/2020, được áp dụng tạm thời từ ngày 1/1/2021 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2021.
Tại Hội thảo "Năm đầu tiên thực thi UKVFTA: Thành tựu nổi bật và định hướng sắp tới" hôm 15/3, Bộ Công Thương đánh giá, sau một năm UKVFTA có hiệu lực tạm thời, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Anh tăng trưởng tốt. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy năm 2021 kim ngạch song phương đạt 6,61 tỷ USD, tăng trưởng 17,24%.
Ở chiều xuất khẩu, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đạt 5,7 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu từ Anh gần 900 triệu USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ, cán cân thương mại nghiêng về Việt Nam xuất siêu hơn 4,8 tỷ USD.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, UKVFTA đã giúp quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Anh không bị gián đoạn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch.
Ngay năm đầu tiên Hiệp định có hiệu lực, nhiều sản phẩm hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là nông sản, đã tận dụng được ưu đãi thuế quan sang thị trường này. Nhiều mặt hàng của Việt Nam tăng trưởng tốt như hạt tiêu, rau quả… đã có kim ngạch xuất khẩu tăng tốt.
“Cùng với đó, trong Hiệp định cũng dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan bổ sung, nhập khẩu miễn thuế một số hàng hóa bổ sung vào Vương quốc Anh, nhiều sản phẩm được bảo hộ tại quốc gia này, tạo tiền đề cho các sản phẩm này thâm nhập sâu vào thị trường Anh”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng, nước Anh sau khi rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) đang tích cực đàm phán các hiệp định thương mại tự do với nhiều đối tác trên thế giới, trong đó có một số nước ASEAN. Lợi thế cạnh tranh mà Việt Nam đang có sẽ sớm mất đi nếu Anh có hiệp định với các quốc gia khác, nên cần nhanh chóng thâm nhập thị trường này.
Để biến các tiềm năng trở thành lợi ích thực sự thì các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp của Việt Nam cũng như Anh cần tiếp tục đánh giá và xác định những khó khăn, vấn đề còn tồn tại, tìm ra giải pháp khắc phục một cách có hiệu quả nhất.
Doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu nội dung của Hiệp định, sau đó tìm hiểu quy định của Anh với hàng nhập khẩu, qua đó, hoàn thiện sản phẩm hàng hóa của mình để đáp ứng yêu cầu của Anh, thường xuyên nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa.
Bộ Ngoại giao tích cực hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết container hạt điều tại Italy
Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 17/3, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Thế giới & Việt Nam, đề nghị cho biết phản ứng của Bộ Ngoại giao trước thông tin 100 container hạt điều bị lừa đảo, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, đại diện Bộ Công Thương đã cung cấp thông tin cho báo chí.
Mới đây nhất, ngày 14/3/2022, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương phối hợp với Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) và các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, làm rõ nguyên nhân để có biện pháp xử lý, hỗ trợ bảo đảm quyền lợi của người dân, doanh nghiệp.
Về phía Bộ Ngoại giao, ngay sau khi nhận được thông tin từ Vinacas, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Italy liên hệ với các chủ tàu, trực tiếp đến thành phố Genova, Napoli để xác minh thông tin; gửi công hàm đến Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Cảnh sát Tài chính và các cơ quan chức năng sở tại đề nghị nhanh chóng điều tra, làm rõ vụ việc, triển khai các biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Italy cũng đã trao đổi với các doanh nghiệp và Vinacas, hướng dẫn cách giải quyết cụ thể, đề nghị các đơn vị có liên quan liên hệ với Tòa án kinh tế quốc tế, Trung tâm trọng tài thương mại quốc tế tại Việt Nam yêu cần can thiệp, có ý kiến với các hãng tàu dừng giao hàng cho người mua trong nhóm nghi vấn là lừa đảo, nhằm giảm tối đa tổn thất cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan kiểm tra, làm rõ nguyên nhân, tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước giải quyết vụ việc này và đảm bảo an toàn tối đa cho các thương vụ giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Italy trong thời gian tới.
Bộ Công Thương: Xuất khẩu nông sản khó khăn do phụ thuộc thị trường Trung Quốc
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến các vấn đề tại phiên chất vấn ngày 16/3. Một vấn đề được quan tâm trong phần trả lời chất vấn của ông Diên là giải pháp bảo đảm lưu thông xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch Covid-19, nhất là mặt hàng nông sản.
Theo ông Nguyễn Hồng Diên, năm 2022, với những diễn biến khó đoán định về bức tranh thương mại toàn cầu do phụ thuộc vào dịch Covid-19, cũng như những khó khăn từ chủ nghĩa bảo hộ ngày càng gia tăng, xuất khẩu hàng hóa nói chung và xuất khẩu các mặt hàng nông sản nói riêng sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức.
“Xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản còn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, trong khi hoạt động thông quan hàng hóa trên toàn tuyến biên giới phía Bắc đã, đang và sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn”, báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu.
Ông Diên cho hay, thời gian qua, Chính phủ, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan đã thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa xuất nhập khẩu và phương tiện tại khu vực biên giới.
Nhờ nỗ lực và thiện chí của tất cả các bên, tình hình tới trước Tết Nguyên đán đã có sự cải thiện đáng kể. 2 tỉnh Quảng Tây, Vân Nam đều đã khôi phục dần hoạt động thông quan tại các cụm cửa khẩu quan trọng đối với xuất khẩu nông sản của ta.
Trước Tết Nguyên đán, lượng xe chờ xuất khẩu tại các tỉnh biên giới đã giảm rất mạnh và trở về mức thông thường như trước khi xảy ra ùn tắc. Hàng hóa nhập khẩu cũng được giải tỏa đáng kể, đáp ứng nhu cầu vật tư, nguyên liệu cho sản xuất trong nước.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng mạnh 2 tháng đầu năm
Tính chung 2 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 109,62 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 11,7%; nhập khẩu tăng 16,7%. Cán cân thương mại 2 tháng đầu năm 2022 nhập siêu 581 triệu USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 2,31 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 2,89 tỷ USD. Trong hai tháng đầu năm 2022 có 13 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 71,9% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Trong số các mặt hàng nhập siêu chủ yếu, mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện nhập siêu lớn nhất 5,77 tỷ USD, tiếp đến là chất dẻo nguyên liệu 1,7 tỷ USD; sản phẩm hóa chất 1,1 tỷ USD; hóa chất gần 1 tỷ USD; xăng dầu 848 triệu USD; than 844 triệu USD; kim loại thường 811 triệu USD; nguyên phụ liệu dệt, may, da giày 665 triệu USD...
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu hai tháng đầu năm 2022, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm tỷ trọng 93,8% trong tổng số kim ngạch nhập khẩu, tăng 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, còn nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng chiếm 6,2%, giảm 0,1 điểm phần trăm. Nhập khẩu tư liệu sản xuất tăng cao và chiếm tỷ trọng lớn hơn là dấu hiệu cho thấy sự phục hồi của sản xuất trong nước.
Trong hai tháng đầu năm, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 18,3 tỷ USD, đồng thời cũng là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam với 10,5 tỷ USD, tăng 39,4% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Hàn Quốc 6,4 tỷ USD, tăng 23,3%; nhập siêu từ ASEAN 2 tỷ USD, tăng 7%.
Tổng cục Thống kê đánh giá, việc nhập siêu quay trở lại là một dấu hiệu đáng quan tâm, mặc dù số liệu hai tháng đầu năm chưa đủ để đánh giá xu hướng. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân khiến cán cân thương mại hàng hóa 2 tháng đầu năm thâm hụt là tốc độ tăng nhập khẩu cao hơn xuất khẩu.
Đây cũng có thể coi là dấu hiệu tích cực đối với sản xuất trong nước khi các doanh nghiệp tăng cường nhập khẩu đẩy mạnh sản xuất, do đó cần tiếp tục theo dõi tình hình để có giải pháp quản lý, điều hành phù hợp.
Cẩn trọng khi tăng nuôi tôm và cá tra xuất khẩu
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2021, lượng tôm xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 3,9 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2020. Hiện có hơn 500 doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu tôm đến 103 thị trường trên thế giới.
Một số thị trường lớn trong số này là Mỹ, EU, Trung Quốc, Anh… Bước sang năm 2022, chỉ trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm đã đạt hơn 550 triệu USD, chiếm hơn 36,5% giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước.
Nhiều hộ dân ở các địa phương đang có xu hướng tăng nhanh diện tích nuôi, kéo theo giá cá giống tăng cao. (Nguồn: TTXVN) |
Trong khi đó, từ đầu năm 2022 đến nay, người nuôi cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long rất phấn khởi vì giá thu mua lên cao.
Tuy có nhiều tín hiệu vui đến với người nuôi tôm và cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng đi cùng với đó là những vấn đề mới phát sinh, cần giải quyết. Đáng chú ý là tỷ lệ nuôi tôm công nghệ cao, chất lượng tốt mới chỉ chiếm 10% tổng diện tích nuôi thả. Người nuôi còn dùng nhiều kháng sinh, hóa chất… khi nuôi nên chưa chinh phục được thị trường khó tính.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết, ngành nuôi tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long còn manh mún, nhỏ lẻ, chất lượng giống chưa đồng đều, dẫn đến chênh lệch lớn về hiệu quả giữa các mô hình sản xuất, nên rất cần có quy hoạch chung cho toàn vùng.
Với cá tra, khi giá và sức mua đang tăng lên, nhiều hộ dân ở các địa phương đang có xu hướng tăng nhanh diện tích nuôi, kéo theo giá cá giống tăng cao.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá (tỉnh Đồng Tháp) Trần Văn Hùng cho rằng, việc giá cá tra tăng chỉ là ngắn hạn, thị trường chưa ổn định. Nếu người nuôi nóng vội tăng nuôi theo phong trào mà không gắn với thị trường, sẽ đối mặt với nguy cơ giá thu mua giảm, mất cân đối cung cầu như đã từng xảy ra năm 2018, khiến giá cá tra 3 năm sau đó giảm sốc.
Các ban, ngành chức năng trung ương cũng đã kịp thời đưa ra khuyến cáo với người nuôi tôm, cá tra và các địa phương, doanh nghiệp liên quan...