Việt Nam đã tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng sang thị trường các nước CPTPP. (Nguồn: VnEconomy) |
Tăng trưởng xuất nhập khẩu ấn tượng sau 3 năm CPTPP có hiệu lực
Là nước được đánh giá có trình độ về thể chế và tiêu chuẩn hàng hóa thấp hơn so với các nước trong khối CPTPP, song thời gian qua, Việt Nam đã chủ động chuyển đổi, nỗ lực nâng cấp mình cả về chất lượng thể chế và chất lượng phẩm cấp hàng hóa để hòa hợp trong một sân chơi FTA “tiêu chuẩn cao”, khó khăn hơn nhưng nhiều tiềm năng.
Theo thống kê của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) 10 thị trường thành viên trong khối CPTPP hiện đang chiếm trên 25 % tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Nhiều nước thành viên trong khối CPTPP đang là các thị trường xuất khẩu thủy sản lớn của Việt Nam như Nhật Bản, Canada, Australia và Mexico, trong đó, Nhật Bản luôn giữ vị trí “top 3” trong các thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam từ nhiều năm nay.
Tin liên quan |
Việt Nam xuất khẩu 3 tấn quả bơ đông lạnh sang ‘cường quốc sản xuất quả bơ’ Australia |
Trên thực tế, từ năm 2008, Nhật Bản đã ký FTA với Việt Nam. Tuy nhiên, việc sử dụng quy tắc xuất xứ để tận dụng các ưu đãi thuế quan xuất khẩu sang thị trường này chưa được nhiều. Nhưng sau khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản đã có thêm động lực và lợi thế để gia tăng.
Theo bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO (VASEP), điểm rất đáng ghi nhận là xuất khẩu sang một số thị trường trong khối CPTPP đã có sự bứt phá rất mạnh mẽ trong 3 năm qua, có thể kể đến như Canada, Australia, Chile và Peru. Đây là những thị trường lần đầu tiên có tham gia FTA với Việt Nam là CPTPP.
Nếu như năm 2020, khi dịch Covid-19 khiến cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang đa số các thị trường đều bị sụt giảm, nhất là những thị trường lớn thì xuất khẩu sang Canada, Chi lê, Peru, Australia đều ghi nhận mức tăng trưởng dương, trong đó sang Australia tăng 9%, sang Canada tăng 14%, sang Chile tăng 14% và sang Peru tăng 8 %. Về mặt hàng cụ thể, có thể kể đến CPTPP hiện là thị trường xuất khẩu tôm lớn thứ hai của Việt Nam…
Những kết quả này cho thấy rõ tác động tích cực của Hiệp định CPTPP đối với xuất khẩu thủy sản sang các nước mà lần đầu tiên đã tham gia FTA với Việt Nam.
Hạt điều Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ giảm nhẹ
Số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ cho biết, nhập khẩu hạt điều của nước này trong 11 tháng năm 2021 đạt 166,83 nghìn tấn, trị giá 1,07 tỷ USD, tăng 8,8% về lượng và tăng 7,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Thống kê cho thấy, giá nhập khẩu bình quân hạt điều của Hoa Kỳ đạt mức 6.436 USD/tấn, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá nhập khẩu bình quân hạt điều của Hoa Kỳ từ Việt Nam giảm 1,3%, xuống 6.410 USD/tấn. Ngược lại, giá nhập khẩu hạt điều của Hoa Kỳ từ Brazil tăng 3%, lên 6.901 USD/tấn.
11 tháng năm 2021, Hoa Kỳ tăng nhập khẩu hạt điều từ hầu hết các nguồn cung chính, ngoại trừ Indonesia. Số liệu thống kê cho thấy, nhập khẩu hạt điều của Hoa Kỳ từ Việt Nam trong 11 tháng năm 2021 đạt 149 nghìn tấn, trị giá 955,46 triệu USD, tăng 8,4% về lượng và tăng 7,0% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Hoa Kỳ giảm nhẹ từ 89,64% trong 11 tháng năm 2020 xuống 89,35% trong 11 tháng năm 2021. Đáng chú ý, Hoa Kỳ tăng mạnh nhập khẩu hạt điều từ các thị trường Brazil, Bờ Biển Ngà, Ấn Độ trong 11 tháng năm 2021. Thị phần hạt điều của các thị trường trên trong tổng lượng nhập khẩu của Hoa Kỳ tăng.
Việt Nam vẫn mạnh về đường bộ khi xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc
Chia sẻ thông tin tại Diễn đàn thúc đẩy liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ rau quả do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức mới đây, ông Mai Xuân Thìn, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ cho rằng, với thị trường Trung Quốc, Việt Nam có lợi thế về đường bộ hơn hẳn so với các quốc gia khác khi xuất khẩu vào đại lục.
"Việt Nam nên đa dạng phương thức xuất khẩu, bằng cả đường sắt, đường biển, nhưng vẫn nên chú trọng vào xuất khẩu đường bộ, qua cửa khẩu/lối mở biên giới" - ông Thìn nói.
Với kinh nghiệm 15 năm xử lý đóng gói xuất khẩu trái cây tươi vào EU, Mỹ, Australia... ông Mai Xuân Thìn cho rằng, cần sớm kích hoạt gấp thực hiện “Thực hành kiểm soát mối nguy sinh học, cụ thể là Covid-19, thực hiện 5K, bao tay, test nhanh lực lượng lao động trong chuỗi giá trị, test nhanh thành phẩm, bán thành phẩm với mục tiêu là không phát hiện virus trên thành phẩm hay vỏ thùng hàng".
"Đây là hành động khẩn thể hiện thiện chí và cách kiểm soát nghiêm túc của nông dân, nhà đóng gói, vận tải và chính quyền địa phương" - ông Thìn nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, cần thúc đẩy mời gọi đội tàu charter lạnh/đông lạnh/(C.A), mục đích là vừa phục vụ xuất khẩu, vừa phục vụ thị trường nội địa khi cần thiết.
"Mong các Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng UBND các tỉnh quan tâm đến "tàu riêng lạnh/đông lạnh/lạnh có kiểm soát không khí" phục vụ phát triển bền vững cho nông sản Việt Nam đi thị trường tất cả các nước nói chung và Trung Quốc nói riêng", ông Mai Xuân Thìn đề xuất.
Chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU để miễn thuế
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 11/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 103/2020/NĐ-CP về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) để hướng dẫn thực hiện việc chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland.
Nghị định số 11/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 1103/2020/NĐ-CP về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU. (Nguồn: Cafe F) |
Cụ thể, Nghị định 11 sửa đổi, bổ sung “Phạm vi điều chỉnh” như sau: Nghị định này quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm thuộc Danh mục quy định tại điểm 8 tiểu mục 1 mục B Phụ lục 2-A của Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (viết tắt là Hiệp định EVFTA) được hưởng miễn thuế nhập khẩu theo hạn ngạch khi xuất khẩu sang Liên minh châu Âu trong khuôn khổ Hiệp định EVFTA và xuất khẩu sang Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UK) trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (viết tắt là Hiệp định UKVFTA).
Nghị định 11 sửa quy định về “Hồ sơ đề nghị chứng nhận chủng loại gạo thơm” như sau: Mẫu Giấy chứng nhận lại chủng loại gạo thơm được kê khai đầy đủ thông tin từ mục 1 đến mục 9 theo mẫu quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định số 103/2020/NĐ-CP đối với gạo thơm xuất khẩu sang EU hoặc Phụ lục VIIa ban hành kèm theo Nghị định này đối với gạo thơm xuất khẩu sang UK.
Về trình tự thực hiện chứng nhận chủng loại gạo thơm, Nghị định nêu rõ: Trong thời gian 5 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hợp lệ, Cục Trồng trọt tổ chức thẩm định và chứng nhận vào mục 10 mẫu Giấy chứng nhận chủng loại gạo thơm quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định số 103/2020/NĐ-CP đối với gạo thơm xuất khẩu sang EU hoặc Phụ lục VIa ban hành kèm theo Nghị định này đối với gạo thơm xuất khẩu sang UK; trường hợp không chứng nhận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Nông sản "gặp hạn" đầu năm
UBND tỉnh Lào Cai vừa ban hành văn bản hỏa tốc số ngày 16/1/2022 về việc tạm thời dừng tiếp nhận phương tiện chở trái cây tươi đến Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai) – Bắc Sơn (Trung Quốc) để xuất khẩu
Văn bản nêu rõ, từ ngày 12/1, phía tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đã khôi phục lại hoạt động nhập khẩu đối với các mặt hàng trái cây tươi qua Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai) – Bắc Sơn (Trung Quốc).
Tuy nhiên, do công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 của phía Trung Quốc tại khu vực cửa khẩu được triển khai rất nghiêm ngặt (số lao động bốc xếp, lái xe trung chuyển đối với mặt hàng trái cây tươi ít; thời gian thực hiện quy trình kiểm soát phòng chống dịch tăng…) nên năng lực thông quan hàng hóa qua Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai) – Bắc Sơn (Trung Quốc) đối với các mặt hàng trái cây tươi còn rất hạn chế.
Tin liên quan |
Đề xuất 4 giải pháp hỗ trợ xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc |
Tính từ ngày 12/1 đến hết ngày 15/1 mới chỉ thông quan được 60 xe chở mặt hàng trái cây tươi (trung bình chỉ đạt từ 15-20 xe/ngày).
Từ ngày 17/1, Quảng Ninh tạm dừng tiếp nhận phương tiện chở hoa quả, thủy sản đông lạnh đến cửa khẩu, lối mở biên giới của tỉnh này để xuất khẩu.
Văn bản của UBND tỉnh Quảng Ninh nêu rõ, hiện nay, cửa khẩu cầu Bắc Luân I, II, lối mở km3+4 đã khôi phục thông quan hàng hóa từ ngày 10/1/2022; cửa khẩu Bắc Phong Sinh (huyện Hải Hà) và cửa khẩu Hoành Mô (huyện Bình Liêu) thông quan lại từ 6/1/2022. Hoạt động xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu, lối mở biên giới tại tỉnh Quảng Ninh có những chuyển biến bước đầu. Tuy nhiên, nguy cơ, rủi ro vẫn còn, khó khăn tiếp tục phát sinh trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường.
Cùng với đó, thời gian Tết Nguyên đán Nhâm Dần đang đến rất gần nên doanh nghiệp, người lao động Trung Quốc sẽ nghỉ Tết sớm hơn mọi năm do Trung Quốc yêu cầu người làm việc tại cửa khẩu, cảng biển của nước mình tiếp xúc với hàng hóa được xác định là rủi ro cao, phải cách ly bắt buộc 21 ngày trước khi rời khỏi khu vực cửa khẩu biên giới hoặc cảng biển về quê đón Tết.
Đồng thời, các cơ quan phía bạn đã thông báo chính sách khống chế lượng phương tiện nhập khẩu qua Đông Hưng. Tại lối mở Km3+4 Hải Yên chỉ cho nhập khẩu 50 xe/ngày.
Do đó, UBND tỉnh Quảng Ninh thông báo tạm dừng tiếp nhận hoa quả, thủy sản đông lạnh dễ hư hỏng, khó bảo quản; những mặt hàng chưa đảm bảo yêu cầu về phòng chống dịch Covid-19 của Trung Quốc ra khu vực cửa khẩu, lối mở biên giới của TP. Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) để xuất khẩu.
Thời gian bắt đầu từ 17/1 đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
| Vận tải biển "ăn nên làm ra" sau nhiều năm lỗ; Nhật Bản, Hàn Quốc tăng tốc thu mua chuối của Việt Nam; xuất khẩu ... |
| Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị tổng kết ngành Nông nghiệp; xuất nhập khẩu tăng trưởng ngoạn mục, cán đích 670 tỷ USD; Trung ... |