Cho đến nay toàn bộ 100 container hạt điều đều đã được trả lại quyền sở hữu cho các doanh nghiệp Việt. (Nguồn: Báo Công Thương) |
Toàn bộ 100 container hạt điều của Việt Nam bị lừa tại Italy đã được trả lại
Theo thông tin của Thương vụ Việt Nam tại Italy, toàn bộ các container hạt điều của doanh nghiệp Việt Nam nghi bị lừa đảo tại Italy đã được trả lại.
Hồi đầu tháng 3, Bộ Công Thương nhận được thông tin từ Hiệp hội Điều Việt Nam về việc một nhóm doanh nghiệp Việt Nam ký hợp đồng xuất khẩu điều sang Italy, tuy nhiên chưa nhận được thanh toán và có những dấu hiệu nghi bị lừa đảo.
Ngay lập tức, Bộ Công Thương đã chỉ đạo cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Italy nhanh chóng vào cuộc, xác minh. Cùng với đó, một tổ đặc trách gồm cán bộ các Cục, Vụ liên quan trong Bộ cũng được thành lập, trao đổi thông tin thường xuyên với Hiệp hội và các doanh nghiệp liên quan.
Tin liên quan |
Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết container hạt điều tại Italy |
Lãnh đạo Bộ Công Thương thường xuyên quan tâm, chỉ đạo tình hình giải quyết vụ việc. Các đơn vị thuộc Bộ và cơ quan Thương vụ tại Italy đã liên hệ, làm việc với Đại sứ quán Italy tại Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Italy, các cảng của Italy, các cơ quan bảo vệ pháp luật, chính quyền, tòa án, luật sư phía Italy để đôn đốc giải quyết vụ việc.
Ngày 20/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trực tiếp hội đàm với Thủ tướng Italy Mario Draghi và đề nghị hỗ trợ giải quyết sự việc.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có công thư gửi Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính, Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Italy đề nghị các bên cùng phối hợp tham gia hỗ trợ giải quyết sự việc, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp Việt Nam.
Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an cũng đã tích cực vào cuộc, triển khai các biện pháp hỗ trợ.
Ngay khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo, các doanh nghiệp Việt Nam phối hợp với các đơn vị đã kịp thời dừng không giao 26 container. Trong số 74 container đã giao hàng xuống tàu thì có 39 container phía ta đã kịp thời dừng một số container tại cảng transit ở Singapore... cho quay trở lại Việt Nam.
Một số container đã và đang trên đường đến cảng ở Italy thì chúng ta đề nghị đơn vị chuyển phát chứng từ giao lại những bộ chứng từ gốc chưa giao cho ngân hàng người mua.
Trong số 35 container mất bộ chứng từ gốc, chúng ta đã giải quyết được 30 container đưa về Việt Nam, bán cho khách hàng khác tại Italy hoặc bán sang nước thứ ba. Với 5 container còn nằm lại tại cảng Italy, sau quá trình làm việc với các cơ quan chức năng của Italy, ngày 27/5, Tòa án dân sự Larino đã ra phán quyết trả lại quyền sở hữu của 3 container nằm trong phạm vi tố tụng của tòa này.
Ngày 15 và 16/6, Cảnh sát Kinh tế - Tài chính Napoli và Cảnh sát Quân đội cảng Genova đã ra quyết định trả 2 container cuối cùng cho doanh nghiệp Việt Nam.
Như vậy, cho đến nay toàn bộ 100 container hạt điều đều đã được trả lại quyền sở hữu cho các doanh nghiệp Việt. Kết quả này có được là nhờ công tác huy động nhanh chóng mọi nguồn lực trực tiếp, gián tiếp để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp.
Sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Công Thương, các Bộ ngành cùng các cơ quan liên quan và sự phối hợp tích cực từ phía các cơ quan quan Italy đã giúp vụ việc được giải quyết nhanh chóng, đem lại kết quả công bằng cho doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục cùng các Hiệp hội, Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam phổ biến thông tin về tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, đẩy mạnh xuất khẩu và các kỹ năng, bài học doanh nghiệp cần lưu ý, quan tâm khi tham gia xuất khẩu trên thị trường quốc tế.
Cá tra Việt đắt khách tại thị trường Bắc Âu
Số liệu thống kê cho thấy, 3 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 2,4 tỷ USD, tăng 40% so năm 2021.
Tại thị trường EU, sau 2 năm liên tiếp xuất khẩu giảm sút, 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cá tra sang EU đạt 28 triệu USD, tăng gần 76%, tôm xuất khẩu đạt 159 triệu USD, tăng 66% so cùng kỳ năm 2021. Trong số đó, xuất khẩu đơn lẻ sang 3 thị trường chính là Hà Lan, Đức, Bỉ tăng lần lượt là 77%, 59% và 82%.
Riêng với thị trường Bắc Âu, cá tra Việt Nam được đánh giá rất cao. Tại châu Âu, Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển cho biết, cá tra Việt Nam được tiêu thụ nhiều nhất tại thị trường Bắc Âu
Phần lớn cá tra được nhập khẩu vào thị trường châu Âu nói chung và Bắc Âu nói riêng dưới dạng philê đông lạnh. Các nhà nhập khẩu chuyên biệt sẽ nhập khẩu các sản phẩm cá tra bằng tàu container (đối với các sản phẩm đông lạnh).
Họ sẽ bán cá tra trực tiếp cho các phân khúc thị trường có liên quan hoặc phân khúc gia tăng giá trị đầu tiên cho sản phẩm cá tra trước khi đưa sản phẩm ra thị trường.
Các phân khúc thị trường cuối cùng của châu Âu có liên quan nhất đối với cá tra là dịch vụ bán lẻ và thực phẩm ở Bắc Âu thông qua các nhà nhập khẩu và bán buôn.
| Việt Nam không có đối thủ xuất khẩu cá tra sang Bắc Âu Nhằm hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã cung ứng các sản phẩm thủy sản của Việt Nam tăng cường tìm kiếm ... |
“Hương vị trung tính của sản phẩm làm cho nó trở nên lý tưởng để kết hợp với các món ăn khác nhau. Tại thị trường cuối cùng, cá tra được bán dưới nhiều dạng sản phẩm khác nhau. Hầu hết các sản phẩm là philê đông lạnh, nhưng có một phân khúc quan trọng là các sản phẩm rã đông và giá trị gia tăng” – Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển chỉ rõ.
Bí quyết để thủy sản Việt chinh phục thị trường Nhật Bản
Nổi tiếng là thị trường khó tính, thị trường Nhật Bản luôn đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm nhập khẩu nói chung, hàng thủy sản nói riêng.
5 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Nhật Bản tiếp tục tăng cao, đạt 638,91 triệu USD, chiếm 13,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Một số loại thủy sản của Việt Nam hiện đang chiếm thị phần đáng kể như: Cá hồi đóng hộp chiếm 48%, cá thu đóng hộp 34%, tôm đông lạnh 22%, mực đông lạnh 10%.
Theo ông Nguyễn Mạnh Đồng - Bí thư thứ 3, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, đây là thị trường có nhu cầu cao với thủy sản, 90% thủy sản nuôi trồng, đánh bắt trong nước được tiêu thụ nội địa. Để thủy sản Việt Nam xuất khẩu nhiều hơn nữa sang Nhật Bản, các doanh nghiệp cần lưu ý, sản phẩm phải phù hợp các tiêu chuẩn quy định trong Luật An toàn vệ sinh thực phẩm của Nhật Bản, theo đó, tiêu chuẩn về dư lượng thuốc kháng sinh là rất quan trọng.
"Hải quan Nhật Bản có quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm rất nghiêm ngặt, lô hàng bị phát hiện vi phạm sẽ bị tiêu hủy hoặc trả lại nhà xuất khẩu. Từ đó về sau, mức độ kiểm dịch được tăng cường và rất chặt chẽ với mặt hàng cùng loại và không chỉ với doanh nghiệp vi phạm mà với tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam" - ông Nguyễn Mạnh Đồng nhấn mạnh.
Về hệ thống phân phối, ông Tạ Đức Minh - Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản - bổ sung thông tin: Hệ thống phân phối của Nhật Bản khá phức tạp với nhiều tầng bậc. Nhiều siêu thị, nhà bán buôn không nhập khẩu trực tiếp mà mua hàng thông qua các nhà cung ứng. Gần đây, một số doanh nghiệp Nhật Bản như Tập đoàn AEON đã nhập khẩu trực tiếp hàng hóa từ Việt Nam. Để trở thành nhà cung ứng cho các đối tác này, ngoài đáp ứng các tiêu chuẩn chung về chất lượng sản phẩm còn phải đáp ứng tiêu chuẩn riêng của đối tác.
Ông Tạ Đức Minh cũng lưu ý: Muốn thâm nhập sâu hơn nữa thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp trong nước không thể xuất khẩu những sản phẩm sẵn có mà cần nghiên cứu sản xuất loại hàng hóa phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng Nhật Bản. Bao bì cũng cần bắt mắt, nhãn mác phải đầy đủ thông tin.
Sau khi Hiệp định CPTTP có hiệu lực năm 2019, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Canada liên tục tăng. (Nguồn: VGP News) |
Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Canada tăng cao nhất trong khối CPTPP
Số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy Canada là thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 của tôm Việt Nam trong khối CPTPP, chiếm 22% tổng xuất khẩu tôm Việt Nam vào khối thị trường này.
Theo đó, sau khi Hiệp định CPTTP có hiệu lực năm 2019, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Canada liên tục tăng.
Cụ thể năm 2020, kim ngạch xuất khẩu tôm sang Canada đạt 187 triệu USD, tăng 23% so với năm 2019; năm 2021 tăng 18% so với năm 2019, đạt 180 triệu USD.
Tính tới nửa đầu tháng 5/2022, xuất khẩu tôm sang thị trường này cũng ghi nhận mức tăng trưởng 87% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 100 triệu USD.
Những năm gần đây, Canada tiêu thụ khá nhiều tôm nước ấm của các nước Đông Nam Á trong bối cảnh nguồn cung tôm nước lạnh sụt giảm. Đây có thể được coi là yếu tố thuận lợi cho xuất khẩu tôm Việt Nam sang Canada.
Việt Nam có thế mạnh sản xuất thủy sản với nhiều mặt hàng đa dạng. Đây chính là cơ hội để tôm Việt Nam mở rộng thêm thị phần tại Canada.
| Cả nước có 27 mặt hàng xuất khẩu vượt 1 tỷ USD 5 tháng đầu năm 2022; cơ hội "vàng ròng" cho cá tra Việt ... |
| Xuất khẩu ngày 10-12/6: Châu Phi vẫn 'khát' nông sản Việt; động lực mới từ các FTA Việt Nam là nhà cung cấp cao su lớn thứ 2 của Trung Quốc, các FTA đang tạo đà cho xuất khẩu, châu Phi "khát" ... |