Bản tin xuất khẩu: Trái chuối được yêu thích tại Hàn Quốc. (Nguồn: VTC) |
Xuất khẩu khẩu trang y tế giảm mạnh
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 6/2021, sản lượng khẩu trang y tế xuất khẩu của Việt Nam đạt 20,07 triệu chiếc, giảm 6,5% so tháng 5/2021. Tính chung nửa đầu năm, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu 277,5 triệu chiếc khẩu trang y tế các loại, giảm khoảng 50% so với mức 557 triệu khẩu trang y tế xuất khẩu trong nửa đầu năm 2020.
Sản lượng khẩu trang y tế xuất khẩu giảm mạnh trong hai tháng 5 và 6, sau khi chạm mốc cao nhất nửa năm là 62,45 triệu chiếc trong tháng 4. Đến tháng 6, chỉ còn 18 doanh nghiệp chính tham gia xuất khẩu mặt hàng này, so với 100 doanh nghiệp cùng thời điểm của năm ngoái.
Khẩu trang y tế được "tháo phanh" xuất khẩu từ cuối tháng 4/2020 theo hướng không giới hạn số lượng, giúp các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh xuất mặt hàng này lúc Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu.
Tuy nhiên, đến nay, xuất khẩu mặt hàng này thu hẹp do tình hình dịch bệnh tại các nước phát triển đã dần được kiểm soát nhờ các chiến dịch tiêm chùng.
Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp dệt may đã có lượng đơn hàng các sản phẩm truyền thống dồi dào, quay trở lại nền lĩnh vực sản xuất chính. Đơn cử, Dệt may Thành Công nửa đầu năm thu 1.860 tỷ đồng, lãi 117 tỷ đồng nhờ các đơn hàng truyền thống dồi dào, bù đắp thiếu hụt đơn hàng PPE (khẩu trang và đồ bảo hộ).
Tôm sang Nga tăng tới hơn 240%
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á-Âu (VN-EAEU FTA) có hiệu lực, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Nga sau khi chững lại trong năm 2017 và giảm năm 2018 đã tăng mạnh trở lại kể từ năm 2019 đến nay.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Nga đạt 21,3 nghìn tấn, trị giá 72,2 triệu USD, tăng 72% về lượng và tăng 60,4% về trị giá so với 5 tháng đầu năm 2020.
Trong 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hầu hết các mặt hàng thủy sản của Việt Nam sang thị trường Nga tăng so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, tôm đông lạnh các loại là mặt hàng có trị giá xuất khẩu sang Nga lớn nhất, chiếm 25% trong tổng trị giá xuất khẩu thủy sản sang thị trường này, đạt 2,01 nghìn tấn, trị giá 18,4 triệu USD, tăng 69,6% về lượng và tăng 72,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Việt Nam hiện là thị trường cung cấp tôm mã HS 030617 lớn thứ 4 cho Nga, sau Ecuador, Argentina và Ấn Độ.
Mặt hàng tôm đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Nga có lợi thế về thuế so với các thị trường cung cấp khác khi thuế đã về 0% ngay khi Hiệp định EAEU có hiệu lực.
Đây là yếu tố hỗ trợ để nhập khẩu tôm mã HS 030617 của Nga từ Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2021 tăng mạnh nhất so với các nguồn cung khác, tăng 207,4% về lượng và tăng 241% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Hàn Quốc tăng nhập khẩu chuối từ thị trường Việt Nam
Cục Xuất nhập khẩu dẫn số liệu thống kê từ Hiệp hội Thương mại Hàn Quốc (KITA) cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2021, Hàn Quốc nhập khẩu trái chuối (mã HS 0803) đạt 155,3 nghìn tấn, trị giá 131,5 triệu USD, tăng 3,4% về lượng và tăng 8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá trái chuối (mã HS 0803) nhập khẩu bình quân đạt 846,3 USD/tấn, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Chuối là loại trái cây ưa chuộng tại Hàn Quốc, tuy nhiên chuối là sản phẩm Hàn Quốc phải nhập khẩu gần như 100% do điều kiện canh tác không thuận lợi.
Hàn Quốc nhập khẩu trái chuối chủ yếu từ thị trường Philippines trong 5 tháng đầu năm 2021, đạt 117,7 nghìn tấn, trị giá 100,3 triệu USD, tăng 1,9% về lượng và tăng 6,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ trọng nhập khẩu chuối từ Philippines chiếm 75,8% tổng lượng chuối nhập khẩu của Hàn Quốc.
Việt Nam là thị trường cung cấp chuối lớn thứ 6 cho Hàn Quốc trong 5 tháng đầu năm 2021, đạt 2,9 nghìn tấn, trị giá 2,3 triệu USD, tăng 13,6% về lượng, tăng 48,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Giá chuối nhập khẩu bình quân từ Việt Nam ở mức thấp, đạt 791,6 USD/tấn. Tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 1,9% tổng lượng chuối nhập khẩu của Hàn Quốc.
Việt Nam có nhiều lợi thế tăng thị phần tại thị trường Hàn Quốc, do có ưu thế thuế quan nhập khẩu thấp nhờ được hưởng lợi từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA). Tuy nhiên, trái chuối của Việt Nam phải cạnh tranh với trái chuối Philippines - thị trường cung cấp chuối lớn nhất cho Hàn Quốc.
Xuất khẩu rau quả mang về hơn 2 tỷ USD
Cục Xuất nhập khẩu cho biết, ước tính, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 6/2021 đạt 360 triệu USD, tăng 6,5% so với tháng 5/2021 và tăng mạnh 40,4% so với tháng 6/2020.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam ước đạt 2,07 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng tốt trong nửa đầu năm 2021, trong bối cảnh làn sóng Covid-19 lần thứ 4 trong nước diễn biến phức tạp.
Nhờ kinh nghiệm qua các đợt dịch trước, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động và có nhiều sáng kiến trong thúc đẩy lưu thông hàng hóa, vừa đảm bảo tiêu thụ nông sản, vừa đảm bảo phòng tránh dịch. Điển hình như việc tiêu thụ trái vải thiều rất thành công của tỉnh Bắc Giang ở cả thị trường trong nước và trên thế giới.
Trên thị trường thế giới, năm 2021 vải thiều của tỉnh Bắc Giang được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia, gồm: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Singapore, Lào và Campuchia.
Hầu hết các chủng loại hàng rau quả đều có trị giá xuất khẩu tăng trong 5 tháng đầu năm 2021, trong đó chủng loại quả ghi nhận tốc độ tăng trưởng tốt.
Trái thanh long vẫn là chủng loại xuất khẩu chính, trị giá xuất khẩu trái thanh long đạt 554 triệu USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2020. Tiếp theo là trái xoài đạt 192,18 triệu USD, tăng 35,2%; trái chuối đạt 152,2 triệu USD, tăng 62,7%...
Đáng chú ý, trong 5 tháng đầu năm 2021, trị giá xuất khẩu chủng loại hoa đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất, tuy nhiên, trị giá xuất khẩu hoa chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu hàng rau quả xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, chủng loại hoa cúc xuất khẩu chiếm 79,6% tổng trị giá hoa xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm 2021.
| UKVFTA đưa thương mại song phương Việt Nam-Anh tăng ngoạn mục Với giá trị nhập khẩu rau và hoa quả hằng năm lên tới hơn 8,4 tỷ USD, cùng hiệu quả từ Hiệp định UKVFTA, Vương ... |
| Dự kiến tăng thuế xuất khẩu (XK) vàng lên 2%; gạo XK giảm mạnh, cuộc chiến giữa ô tô Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan ... |