Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Hội nghị "Xúc tiến hàng nông, thủy sản của tỉnh Bến Tre vào thị trường các quốc gia Hồi giáo" chiều 19/10. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Kết nối nông, thủy sản tỉnh Bến Tre vào thị trường Hồi giáo
Với mục đích trao đổi, chia sẻ thông tin kinh nghiệm, yêu cầu thị trường đối với hàng nông, thủy sản xuất khẩu của Bến Tre nói riêng và của Việt Nam nói chung vào các quốc gia Hồi giáo, Bộ Ngoại giao và UBND tỉnh Bến Tre vừa đồng chủ trì tổ chức Hội nghị "Xúc tiến hàng nông, thủy sản của tỉnh Bến Tre vào thị trường các quốc gia Hồi giáo" chiều 19/10.
Hội nghị đã thu hút được sự quan tâm tham gia của hơn 250 đại biểu trực tiếp và trực tuyến, bao gồm các đại sứ, tham tán thương mại, đại diện Đại sứ quán các nước Hồi giáo tại Hà Nội; các đại sứ, tham tán thương mại của Việt Nam tại khu vực; lãnh đạo các sở, ngành, doanh nghiệp nông, thủy sản tỉnh Bến Tre; các doanh nghiệp, hiệp hội, chuỗi siêu thị lớn tại nhiều thị trường Hồi giáo quan trọng.
Tin liên quan |
Kết nối nhằm xuất khẩu trà của Lai Châu vào thị trường Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á |
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tỉnh Bến Tre cũng như các địa phương của Việt Nam trong thúc đẩy hợp tác kinh tế với các đối tác trên thế giới, qua đó đem lại những hiệu quả kinh tế thực chất cho người dân, địa phương và doanh nghiệp.
Ông Lê Đức Thọ - Bí thư Tỉnh uỷ Bến Tre đánh giá cao tiềm năng của thị trường các quốc gia Hồi giáo với dân số gần 2 tỷ người và quy mô thị trường lớn; bày tỏ mong muốn thông qua Hội nghị lần này, các doanh nghiệp tỉnh Bến Tre và các đối tác tại các nước Hồi giáo sẽ kết nối và tìm kiếm các cơ hội hợp tác về xuất khẩu các sản phẩm nông, thuỷ sản.
Các đại biểu quốc tế thống nhất nhận định các mặt hàng nông, thuỷ sản của Việt Nam, trong đó có mặt hàng nông sản nhiệt đới, rất được ưa chuộng tại các nước Hồi giáo, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường trao đổi thông tin giữa cộng đồng doanh nghiệp hai bên, qua đó giúp các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng cũng như các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm của thị trường các nước Hồi giáo, trong đó có chứng chỉ Halal.
9 tháng năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt cao nhất trong các năm
Số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2022 cao nhất so với cùng kỳ từ trước tới nay.
Theo đó, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 9 tháng đạt 557,930 tỷ USD, tăng 15%, tương đương 72,709 tỷ USD - mức tăng lớn nhất so với cùng kỳ các năm.
Nếu trong 3 tháng cuối năm đạt mức bình quân bằng với mức bình quân tháng của 9 tháng đầu năm (62 tỷ USD), thì cả năm cán mốc 744 tỷ USD, tăng 11,4% so với năm trước, đạt kỷ lục cao nhất từ trước tới nay. Theo đó, chỉ tiêu tỷ lệ kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa/GDP cũng đạt cao hơn kỷ lục đã đạt được trong năm trước (khoảng 185% so với 184,7%).
Xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng đạt được ở cả 2 khu vực. Khu vực kinh tế trong nước đạt 72,6 tỷ USD, chiếm 25,7% tổng số, tăng 15,4%. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng 74,3% và có mức tăng 17,8%.
Tăng trưởng với mức cao (trên 1 tỷ USD) có 8 mặt hàng: máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; dệt may; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; giày dép; điện thoại và linh kiện; thủy sản; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện; gỗ và sản phẩm gỗ.
Mới qua 3/4 thời gian của năm đã có 31 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD, trong đó có 9 mặt hàng đạt trên 5 tỷ USD, đặc biệt có 6 mặt hàng đạt trên 10 tỷ là điện thoại, máy tính, máy móc, dệt may, giày dép, gỗ.
Nếu tính theo địa bàn, có 52/63 tỉnh, thành phố tăng, trong đó có 12 địa bàn tăng lớn (trên 1 tỷ USD), như Bắc Giang 6,23 tỷ USD, TP.HCM 4,14 tỷ USD, Phú Thọ 3,29 tỷ USD, Thái Nguyên 3,14 tỷ USD, Đồng Nai 2,86 tỷ USD, Bắc Ninh 2,77 tỷ USD, Bình Dương 2,27 tỷ USD, Vĩnh Phúc 1,62 tỷ USD, Tây Ninh 1,25 tỷ USD, Hà Nam 1,15 tỷ USD, Tiền Giang 1,14 tỷ USD, Hải Phòng 1 tỷ USD.
Đã có 37 địa phương có kim ngạch đạt trên 1 tỷ USD, trong đó có 13 địa phương đạt trên 5 tỷ USD, đặc biệt, có 8 địa bàn đạt trên 10 tỷ USD (TP.HCM, Bắc Ninh, Bình Dương, Thái Nguyên, Hải Phòng, Đồng Nai, Hà Nội, Bắc Giang).
Xuất khẩu túi xách, ví, va li, mũ, ô dù có khả năng cán mốc 4 tỷ USD
Có một mặt hàng xuất khẩu ít ai ngờ đến, tưởng nhỏ, chỉ là nghề phụ, thủ công, nhưng lại sớm tham gia câu lạc bộ các mặt hàng trên 1 tỷ USD từ năm 2011 và năm nay có thể cán mốc 4 tỷ USD.
Đó là mặt hàng túi xách, ví, va li, mũ, ô dù. Kim ngạch mặt hàng này liên tục tăng lên trước đại dịch Covid-19, chỉ bị giảm khi đại dịch tràn đến vào năm 2020, bùng phát vào năm 2021.
Trong 9 tháng của năm 2022, nhờ dịch bệnh được kiểm soát, cùng với sự phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, việc xuất khẩu túi xách, ví, va li, mũ, ô dù đã đạt quy mô lớn nhất so với cùng kỳ từ trước đến nay, đứng thứ 15 trong các mặt hàng xuất khẩu của cả nước.
Mới qua 3 quý của năm, nhưng quy mô đã cao hơn mức cả năm 2021 và các năm từ 2015 trở về trước. So với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu túi xách, ví, va li, mũ, ô dù đã tăng cao gấp đôi tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (37% so với 17,2%), hay tăng trên 844 triệu USD, cao thứ 10 trong các mặt hàng.
Mặt hàng này có trên kệ ở hàng loạt siêu thị trên thế giới, thuộc loại nhiều thị trường nhất trong các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Theo đó, trong 41 thị trường chủ yếu, có 22 thị trường đạt trên 10 triệu USD, 5 thị trường đạt trên 100 triệu USD (lớn nhất là Hoa Kỳ lên tới 1.418 triệu USD, tiếp đến là Nhật Bản 256 triệu USD, Hà Lan 199 triệu USD, Đức 147 triệu USD, Canada 142 triệu USD).
Trong 41 thị trường chủ yếu, có 28 thị trường tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 11 thị trường có mức tăng lớn (trên 10 triệu USD), lớn nhất là Hoa Kỳ lên tới 438 triệu USD, tiếp đến là Canada, Nhật Bản, Hà Lan, Đức…
Bưởi Việt Nam sắp "lên đường" sang Hoa Kỳ
Đại diện phía Hoa Kỳ trao yêu cầu nhập khẩu cho Cục Bảo vệ thực vật. (Nguồn: TTXVN) |
Ngày 17/10, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức Sự kiện công bố yêu cầu kiểm dịch thực vật (KDTV) quả bưởi xuất khẩu sang Hoa Kỳ, sau khi Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đăng trên công báo liên bang (Federal Register) quyết định cho phép nhập khẩu quả bưởi tươi của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ từ ngày 4/10/2022.
Như vậy, quả bưởi tươi của Việt Nam là loại trái cây thứ 7 của nước ta được phép nhập khẩu vào Hoa Kỳ, sau các loại quả xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa. Bên cạnh đó, một số loại trái cây khác như dừa, sầu riêng vẫn được xuất khẩu Mỹ nhưng dưới dạng sản phẩm đông lạnh.
Theo quy định của Hoa Kỳ, vùng trồng và cơ sở xử lý quả bưởi tươi của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ phải được đăng ký với Cục Bảo vệ thực vật và Cơ quan kiểm dịch động - thực vật Hoa Kỳ (APHIS); quả không được nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật mà Hoa Kỳ quan tâm; được xử lý chiếu xạ; và được Cục Bảo vệ thực vật cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.
Theo đó, các vùng trồng, cơ sở đóng gói bưởi phải có biện pháp quản lý phù hợp để loại bỏ các đối tượng dịch hại phía bạn quan tâm, bao gồm các loại ruồi đục quả Bactrocera dorsalis, Zeugodacus cucurbitae; sâu đục quả Prays endocarpa và các loại nấm Cylindrocarpon lichenicola, Phyllosticta citriasiana.
Đặc biệt lưu ý trong việc áp dụng các biện pháp quản lý đối với nấm Cylindrocarpon lichenicola và Phyllosticta citriasiana như sau: Loại bỏ tất cả quả rụng trước khi đưa vào nhà đóng gói; Phải được làm sạch, xử lý nấm và phủ sáp toàn bộ quả; Loại bỏ hết lá, cuống và các bộ phận khác của cây (trừ cuống quả ngắn hơn 2,5 cm vẫn còn gắn vào quả). Bên cạnh đó, các lô hàng bưởi tươi xuất khẩu sang Hoa Kỳ phải được xử lý chiếu xạ với với liều tối thiểu là 150 Gy, kèm theo Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.
Để triển khai Chương trình xuất khẩu bưởi sang Hoa Kỳ, Cục Bảo vệ thực vật sẽ phối hợp với các bên liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp, đặc biệt sẽ tập trung tập huấn cho người sản xuất, các doanh nghiệp xuất khẩu bưởi về các yêu cầu nhập khẩu của Hoa Kỳ; thực hiện đăng ký, duy trì mã số vùng trồng xuất khẩu theo TCCS 774:2020/ TCCS 775:2020 và điều kiện nhập khẩu bưởi vào Hoa Kỳ; giám sát chặt chẽ sinh vật gây hại (SVGH) và hướng dẫn phòng trừ tại vùng trồng, bảo đảm tránh tái lây nhiễm SVGH tại cơ sở đóng gói; xử lý chiếu xạ tại các cơ sở chiếu xạ được Hoa Kỳ công nhận dưới sự giám sát của APHIS và Cục Bảo vệ thực vật đối với tất cả các lô hàng xuất khẩu đi Hoa Kỳ.
Cục Bảo vệ thực vật yêu cầu các bên liên quan xuất khẩu bưởi tươi sang Hoa Kỳ phối hợp và tuân thủ đầy đủ các yêu cầu theo Chương trình xuất khẩu được ký kết để đảm bảo cho các lô hàng bưởi từ Việt Nam được nhập khẩu vào Hoa Kỳ.
| Tiếp 'lửa' cho doanh nghiệp thương mại điện tử ứng dụng công nghệ số, nâng cao năng lực xuất khẩu Sáng 21/10, tại Hà Nội, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu ... |
| Đồng bạc xanh ngày càng mạnh, doanh nghiệp 'đứng ngồi không yên' Việc đồng bạc xanh liên tục tăng giá trong thời gian qua đã gây nhiều khó khăn, thách thức cho các doanh nghiệp, đặc biệt ... |
| Xuất khẩu ngày 14-16/10: Australia chuộng đồ gỗ Việt; xuất khẩu dệt may 'giảm tốc' Australia chuộng đồ gỗ Việt; xuất khẩu dệt may "giảm tốc"; gần 19 tỷ USD hàng Việt sang EU được cấp C/O mẫu EUR1... là ... |
| 9 tháng, xuất khẩu thủy sản tăng 38% Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 9/2022, xuất khẩu thuỷ sản ước đạt trên 850 ... |
| Viên nén gỗ Việt hứa hẹn trở thành ngành hàng tỷ USD do nhu cầu từ EU tăng cao; dệt may phá kỷ lục; Mỹ ... |