Để sớm gỡ “thẻ vàng” đối với thủy sản rất cần sự vào cuộc kiên quyết của chính các địa phương có biển. (Nguồn: VnEconomy) |
Bài toán IUU vẫn thách thức ngành thủy sản
Sau 5 năm bị áp “thẻ vàng”, thủy sản Việt Nam vẫn chưa được tháo gỡ. Mới đây, đoàn thanh tra của EC đã kiểm tra thực tế lần thứ 3 về tình hình chống khai IUU tại Khánh Hòa và làm việc tại Tổng cục Thủy sản.
Kết quả chuyến làm việc, phía EC đánh giá cơ quan Trung ương đã nỗ lực rất lớn trong việc theo dõi, phát hiện các tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển, tàu cá bị mất kết nối trên 10 ngày trên biển và kịp thời thông báo cho các địa phương để xử lý tàu cá vi phạm giám sát hành trình.
Tuy nhiên, kết quả xử lý của các địa phương chủ yếu chỉ ở mức độ lập biên bản nhắc nhở không tái phạm và rất ít trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính. Ngoài ra, còn rất nhiều địa phương chưa phối hợp xử lý khi nhận thông báo hoặc đã có báo cáo nhưng chưa xử lý đến cùng vụ việc theo quy định.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 10 tháng đầu năm 2022, xảy ra 412 lượt tàu mất kết nối VMS thì 108 lượt tàu/8 tỉnh, thành phố chưa xử lý đến cùng; 46 lượt tàu/9 tỉnh, thành phố không phản hồi kết quả xử lý.
Để sớm gỡ “thẻ vàng” đối với thủy sản rất cần sự vào cuộc kiên quyết của chính các địa phương có biển. Ngày 18/11, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã ký văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố ven biển đề nghị phối hợp xử lý các trường hợp tàu cá mất kết nối giám sát hành trình 10 ngày trên biển. Yêu cầu này được đưa ra nhằm tăng cường trách nhiệm của chính quyền các địa phương ven biển trong việc quản lý tàu cá, chống khai thác IUU.
Theo đó, các địa phương khi nhận được thông báo tàu cá mất kết nối 10 ngày trên biển phải xác nhận qua email và trả lời kết quả xử lý bằng văn bản về Tổng cục Thuỷ sản. Các địa phương cũng cần báo cáo đầy đủ kết quả xử lý tới cùng vụ việc đối với các tàu cá bị mất kết nối trên 10 ngày trên biển trong năm 2021, 2022 trước ngày 30/11. Đây là động thái quyết liệt của cơ quan quản lý trung ương, sau chuyến làm việc của Đoàn thanh tra EC tại Việt Nam để kiểm tra về IUU hồi tháng 10.
Trong bối cảnh “thẻ vàng” thủy sản của EC chưa được tháo gỡ, thị trường Nhật Bản gia tăng những quy định khắt khe hơn khi xuất khẩu thủy sản vào thị trường này đã đặt ra những thách thức không nhỏ cho ngành hàng này trong giai đoạn sắp tới.
Xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc tăng ấn tượng
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết, trị giá xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong tháng 10/2022 đạt 309,7 triệu USD, tăng 22,9% so với tháng 9/2022 và tăng 28,1% so với tháng 10/2021. Tính chung trong 10 tháng năm 2022, trị giá xuất khẩu rau quả đạt 2,75 tỷ USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2021.
Xuất khẩu rau quả đã có sự khởi sắc trong tháng 10/2022, trị giá xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường lớn nhất là Trung Quốc đã tăng mạnh, đạt 151,7 triệu USD, tăng 44,2% so với tháng 10/2021. Tính chung, xuất khẩu hàng rau quả tới thị trường Trung Quốc trong 10 tháng năm 2022 đạt 1,2 tỷ USD, giảm 25,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Triển vọng xuất khẩu hàng rau quả tới thị trường Trung Quốc có nhiều tín hiệu tích cực như: trái sầu riêng đã được xuất khẩu theo đường chính ngạch sang Trung Quốc từ tháng 9/2022. Sau sầu riêng, cơ hội xuất khẩu chuối của Việt Nam sang Trung Quốc đang mở ra khi Nghị định thư về xuất khẩu chuối tươi được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Việc chuyển dịch mạnh từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch đối với thị trường Trung Quốc sẽ góp phần thúc đẩy ngành hàng rau quả tăng trưởng khả quan. Ngoài ra, trong 10 tháng đầu năm 2022, hàng rau quả xuất khẩu sang các thị trường khác cũng tăng trưởng tốt như: Hoa Kỳ đạt 219 triệu USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2021; Thái Lan đạt 153,4 triệu USD, tăng 26,4%; Nhật Bản đạt 141,3 triệu USD, tăng 6%...
Năm 2022, xuất khẩu nghêu có thể mang về hơn 100 triệu USD
Số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 10/2022, xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ đạt 14,3 triệu USD.
Trong quý III/2022, sản phẩm nhuyễn thể có vỏ chính là nghêu, chiếm 67% giá trị xuất khẩu, với 24,7 triệu USD, giảm 19% so với cùng kỳ năm trước. Các loài nhuyễn thể có vỏ khác như điệp, ốc đều chiếm trên 10% và đều có giá trị xuất khẩu tăng so với cùng kỳ. Ngoài ra, xuất khẩu hàu, sò điệp cũng có xu hướng tăng.
Trong quý III/2022, sản phẩm nhuyễn thể có vỏ chính là nghêu, chiếm 67% giá trị xuất khẩu. (Nguồn: Báo Công Thương) |
Luỹ kế 10 tháng đầu năm, xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ đạt hơn 124 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu nghêu chiếm 70%, đạt hơn 87 triệu USD, giảm 4% so với cùng kỳ, còn lại là các sản phẩm như sò điệp, ốc, hàu…
Trong quý III, xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ sang thị trường EU giảm 15% so với cùng kỳ, đạt 21 triệu USD. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ sang EU đạt gần 70 triệu USD, trong đó riêng mặt hàng nghêu đạt 60 triệu USD, tăng 7% so với cùng kỳ.
Các thị trường chính trong khối gồm Italy, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Bồ Đào Nha và Hà Lan, chiếm 96% xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ sang khối EU. Trong quý III, chỉ có Đan Mạch và Hà Lan tăng mạnh nhập khẩu nhuyễn thể có vỏ từ Việt Nam (tăng lần lượt 114% và 61%), 3 thị trường còn lại đều giảm nhập khẩu mặt hàng này. Tuy nhiên, luỹ kế 9 tháng đầu năm, chỉ có Bồ Đào Nha giảm 33% giá trị nhập khẩu nhuyễn thể có vỏ Việt Nam, các thị trường khác trong khối đều ghi nhận tăng trưởng dương.
Dữ liệu từ VASEP, xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ sang khối CPTPP tập trung chủ yếu vào thị trường Nhật Bản, chiếm hơn 9% tổng xuất khẩu của cả nước. Sau khi sụt giảm trong quý I, xuất khẩu sang thị trường này hồi phục nhẹ trong quý II và tăng mạnh 59% trong quý III đạt hơn 4 triệu USD. Tính đến hết tháng 9/2022, xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ sang Nhật Bản đạt trên 10 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước, trong đó riêng sản phẩm nghêu 1,3 triệu USD, ốc 4,3 triệu USD, sò điệp 1,6 triệu USD.
Trong khi đó, xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ sang Mỹ giảm liên tục từ đầu năm tới nay và giảm sâu nhất trong quý III, ghi nhận mức giảm 39% so với cùng kỳ với giá trị đạt gần 4 triệu USD. 9 tháng đầu năm, xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ sang Mỹ đạt trên 12 triệu USD, giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản phẩm nghêu chiếm gần 70% với 8 triệu USD.
VASEP dự báo xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ cả năm 2022 sẽ đạt khoảng 150 triệu USD, tăng khoảng 6% so với năm 2021, trong đó riêng nghêu chiếm 70% với giá trị đạt khoảng 105 triệu USD.
Từ 1/5/2023, Đài Loan (Trung Quốc) cấm nhập khẩu các sản phẩm chứa amiăng
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) thông báo, theo thông tin từ Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc, ngày 04/10/2022 trên cổng thông tin điện tử của Cơ quan quản lý Môi trường Đài Loan (EPA) thông báo quy định của Đài Loan (Trung Quốc) về hạn chế nhập khẩu các sản phẩm có chứa amiăng.
Theo thông báo của EPA, quy định này được xây dựng trên cơ sở Điều 21 Luật xử lý chất thải và rác thải.
Kể từ ngày 1/5/2023, Đài Loan (Trung Quốc) cấm nhập khẩu các sản phẩm có chứa amiăng. Việc nhập khẩu các sản phẩm có chứa amiăng chỉ được phép khi nhà nhập khẩu có văn bản đề nghị và được Cơ quan quản lý của trung ương của Đài Loan cấp phép nhập khẩu trong 3 trường hợp gồm: thứ nhất, nhập khẩu với mục đích sử dụng bảo vệ dân chúng và quân sự; thứ hai, nhập khẩu với mục đích thí nghiệm, nghiên cứu, đào tạo; thứ ba, không có khả năng có được các sản phẩm thay thế phù hợp cho các sản phẩm không chứa amiăng.
| Da giày đặt mục tiêu xuất khẩu 27 tỷ USD năm 2023; viên nén gỗ "đắt hàng", đồ gỗ sụt giảm; cơ hội cho nông ... |
| Hai "ông lớn" bắt tay xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc; giải quyết tư duy e ngại của doanh nghiệp, tận dụng cơ hội ... |
| Xuất khẩu khu vực ASEAN: Một câu chuyện kiên cường đáng ngạc nhiên Trong báo cáo Triển vọng ASEAN mang tựa đề Xuất khẩu: Một câu chuyện kiên cường đáng ngạc nhiên được công bố mới đây, Ngân ... |
| Giao ban Thương vụ tháng 10: Chủ động cập nhật thông tin, tận dụng cơ hội thị trường mới Chiều 31/10, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, ngành hàng tổ chức Hội nghị giao ban xúc ... |
| Xuất khẩu ngày 28-30/10: Cơ hội tỷ USD cho viên nén gỗ; cá tra Việt 'khởi sắc' trên sân chơi khu vực Xuất khẩu hàng hóa tháng 10 vượt mốc 30 tỷ USD; cơ hội tỷ USD cho viên nén gỗ Việt; cá tra "đắt khách" tại ... |