📞

Xuất khẩu ngày 19-21/12: Hàng dệt may 'phăng phăng' vào EU, lần đầu tiên có nhóm hàng xuất nhập khẩu cán mốc 60 tỷ USD

Gia Thành 10:00 | 21/12/2020
TGVN. Lần đầu tiên có nhóm hàng xuất nhập khẩu cán mốc 60 tỷ USD, dệt may 'phăng phăng' vào EU nhờ cộng gộp xuất xứ vải với Hàn Quốc, Ấn Độ chấm dứt điều tra chống bán phá giá thép không gỉ Việt Nam... là những tin chính trong bản tin xuất khẩu ngày 19-21/12.
Nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện nhập khẩu đạt quy mô kim ngạch 60 tỷ USD. (Nguồn: Công thương)

Lần đầu tiên có nhóm hàng xuất nhập khẩu cán mốc 60 tỷ USD

Lần đầu tiên trong lịch sử xuất nhập khẩu Việt Nam có một nhóm hàng đạt quy mô kim ngạch 60 tỷ USD, đó là nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện nhập khẩu.

Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan đến 15/12, nhóm hàng này đạt 60,6 tỷ USD; tăng 11,6 tỷ USD so với cùng kỳ 2019 (và cũng cao hơn nhiều so với con số 51,3 tỷ USD mà nhóm hàng này đạt được trong cả năm ngoái).

Tính riêng tháng 11, giá trị xuất khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện trong tháng đạt 3,85 tỷ USD, giảm 9,4% so với tháng trước, đưa trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong 11 tháng/2020 đạt 40,27 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong 11 tháng/2020, xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sang Trung Quốc đạt 10,08 tỷ USD, tăng 19,1% so với cùng kỳ năm trước; sang thị trường Hoa Kỳ đạt 9,4 tỷ USD, tăng mạnh 75%; sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) đạt 5,83 tỷ USD, tăng 24,6%; sang Hong Kong (Trung Quốc) đạt 3,61 tỷ USD, tăng 33,3%...

Kim ngạch xuất nhập khẩu cán mốc 515 tỷ USD

Đến trung tuần tháng 12, quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt hơn 515 tỷ USD, xấp xỉ con số 517,26 tỷ USD của cả năm 2019.

Cụ thể, 15 ngày đầu tháng này, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 12,3 tỷ USD.

Ở chiều nhập khẩu, nửa đầu tháng 12 đạt kim ngạch gần 13,2 tỷ USD. Tính chung từ đầu năm đến 15/12, tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước đạt 248 tỷ USD.

Ước tính năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt khoảng 267 tỷ USD, tăng khoảng 1%; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt khoảng 260 tỷ USD, tăng khoảng 2,6% so với năm trước đó; thặng dư thương mại hàng hóa vào khoảng 7 tỷ USD.

Nửa đầu tháng 12, cả nước nhập siêu gần 1 tỷ USD, tuy nhiên, tính chung từ đầu năm 2020, Việt Nam vẫn đặt thặng dư kỷ lục với con số xuất siêu lên đến khoảng 19 tỷ USD.

Dệt may "phăng phăng" vào EU nhờ cộng gộp xuất xứ vải với Hàn Quốc

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Sung Yunmo đã ký kết nhiều văn kiện quan trọng, trong đó đặc biệt là Thư trao đổi giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc để triển khai điều khoản cộng gộp xuất xứ nguyên liệu dệt may giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong Hiệp định EVFTA.

Hiện nay, EU là thị trường có quy mô lớn nhất về nhu cầu tiêu thụ hàng dệt may với kim ngạch nhập khẩu trị giá hơn 250 tỷ USD/năm.

Theo cam kết tại EVFTA, bên cạnh việc đáp ứng tiêu chí khắt khe về chất lượng, để hưởng lợi ích về cắt giảm thuế quan, các doanh nghiệp phải đảm bảo các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ rất chặt chẽ, trong đó, quy tắc xuất xứ "từ vải trở đi" với yêu cầu vải nguyên liệu được dùng để may quần áo phải được dệt tại Việt Nam, hoặc các nước thành viên EU.

Trước đó, nhiều ý kiến cho rằng, đây vẫn là điểm yếu của ngành dệt may trong nước do phần lớn nguyên phụ liệu dệt may đang phải nhập khẩu từ các nguồn không phải là thành viên của EVFTA.

Bởi vậy, Bộ Công Thương đánh giá, thỏa thuận nêu trên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam tận dụng nguồn nguyên liệu dệt may chất lượng cao từ Hàn Quốc để sản xuất, xuất khẩu đi thị trường EU.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng nhấn mạnh, trong EVFTA, điều dệt may Việt Nam lo lắng nhất là quy tắc xuất xứ từ vải, bởi hiện tại, nguồn sản xuất vải gần như vẫn tắc nghẽn tại Việt Nam vì nhiều lý do.

Vì vậy, thỏa thuận đạt được nói trên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam tận dụng nguồn nguyên liệu dệt may chất lượng cao từ Hàn Quốc để sản xuất, gỡ điểm nghẽn về nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu vải đối với hàng dệt may xuất khẩu đi thị trường EU, do Hàn Quốc cũng đã ký hiệp định thương mại với EU.

Ấn Độ chấm dứt điều tra chống bán phá giá thép không gỉ Việt Nam

Tổng vụ Phòng vệ thương mại (DGTR) thuộc Bộ Công Thương Ấn Độ vừa công bố kết luận điều tra sơ bộ vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép không gỉ cuộn cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, EU, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia, Mỹ, Thái Lan, Nam Phi, Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Hồng Kong, Singapore, Mexico và Malaysia.

Theo đó, DGTR kết luận, lượng nhập khẩu sản phẩm bị điều tra từ mỗi nước Mexico, Nam Phi, Thái Lan, Hoa Kỳ và Việt Nam đều nhỏ hơn 3% và tổng lượng nhập khẩu cộng gộp từ các nước này thấp hơn 7%.

Theo quy định pháp luật chống bán phá giá của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Ấn Độ, DGTR sẽ chấm dứt điều tra chống bán phá giá đối với các nước nói trên, bao gồm Việt Nam do có lượng nhập khẩu không đáng kể. Các nước/vùng lãnh thổ còn lại bị kết luận có biên độ bán phá giá từ 0% tới 65%.

Xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc gặp khó

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong tháng 11/2020, xuất khẩu thanh long các loại (bao gồm thanh long tươi, đông lạnh, nước ép thanh long, thanh long sấy khô) đạt 82 triệu USD, giảm gần 9% so với tháng 11/2019.

Tính chung 11 tháng năm 2020, xuất khẩu thanh long các loại ước đạt 1,08 tỷ USD, giảm 10,2% so với cùng kỳ năm 2019. Trong cơ cấu chủng loại thanh long xuất khẩu tới thị trường Trung Quốc, quả thanh long tươi ruột trắng là chủng loại xuất khẩu chính, chiếm tới 66,6% tổng lượng xuất khẩu thanh long các loại.

Đáng chú ý, Cục Xuất nhập khẩu thông tin, do người dân Trung Quốc đặc biệt ưa chuộng thanh long nên trong vài năm gần đây diện tích trồng thanh long của Trung Quốc đã tăng hơn 10 lần.

"Hiện nay, diện tích trồng thanh long của Trung Quốc là khoảng 35.555 ha, tương đương với diện tích trồng thanh long của Việt Nam. Điều này sẽ gây khó khăn cho xuất khẩu thanh long của Việt Nam tới thị trường Trung Quốc trong thời gian tới", Cục Xuất nhập khẩu cảnh báo.

Đại diện Cục Xuất nhập khẩu cũng phân tích, hiện nay người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến quả thanh long do những lợi ích sức khỏe mà thanh long mang lại. Vì vậy, nhu cầu thanh long thế giới đang tăng trưởng khoảng 4%/năm và dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục trong những năm tới.

Tuy nhiên, để đẩy mạnh xuất khẩu thanh long các loại, đặc biệt là chủng loại quả thanh long tươi trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần chú trọng tới sản xuất để đáp ứng đúng các quy định, yêu cầu khắt khe của các thị trường xuất khẩu; cần phải sản xuất thanh long tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao giá trị cạnh tranh của trái thanh long trên thị trường xuất khẩu...

(tổng hợp)