📞

Xuất khẩu ngày 2-4/6: 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sầu riêng tăng gần 6 lần; vì sao vải thiều Việt chưa vào được thị trường Đài Loan?

Vân Chi 20:07 | 05/06/2023
4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sầu riêng tăng gần 6 lần; cung không đủ cầu, cà phê Việt 5 tháng thu về hơn 2 tỷ USD... là những tin nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 2-4/6.
Vải thiều Việt Nam vẫn chưa xâm nhập được thị trường Đài Loan (Trung Quốc). (Nguồn: Báo Công Thương)

Vì sao vải thiều và nhãn tươi Việt Nam chưa vào được Đài Loan?

Vải thiều được trồng tại Đài Loan (Trung Quốc) khá sớm và đến nay nơi đây đã có diện tích trồng vải thiều tương đối ổn định. Đối với quả nhãn, đây là một loại trái cây cận nhiệt đới, được phân bố rộng rãi ở Đài Loan do khí hậu phù hợp.

Về thời gian thu hoạch, trái vải tại Đài Loan cũng được thu hoạch kéo dài trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 9, trong đó vụ thu hoạch chính thường từ trung tuần tháng 8 và kết thúc vào trung tuần tháng 9.

Thống kê của phía Đài Loan cho thấy, quả vải trồng tại đây tiêu thụ ở thị trường nội địa là chính, chiếm tới 99%.

Trong khi đó, quả nhãn của Đài Loan có khoảng 1/3 sản lượng được tiêu thụ tươi với thị trường chính là thị trường nội địa, 1/2 sản lượng khác được thu hoạch gia công để làm vị thuốc long nhãn khô, số còn lại sẽ không được thu hoạch do giá thành nhân công đắt và ảnh hưởng tới việc nuôi mật ong.

Riêng nhập khẩu, quả vải tươi, nhãn tươi (mã HS 0810.90.10.10.7), theo thống kê của Cục Thương mại quốc tế, giai đoạn 2021-2022, Đài Loan không ghi nhận việc nhập khẩu trái vải tươi, nhãn tươi từ thế giới.

Đài Loan nhiều năm qua luôn có xu hướng bảo hộ các sản phẩm nông nghiệp, nhất là các sản phẩm mà nơi này có trồng. Do đó, Đài Loan hiện chưa mở cửa thị trường cho quả nhãn và vải tươi vì lý do có dịch bệnh.

Tháng 4/2015, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đã có văn bản kèm theo báo cáo kỹ thuật gửi Cục Kiểm dịch phòng dịch động thực vật (BAPHIQ) Ủy ban Nông nghiệp Đài Loan đề nghị mở cửa thị trường cho 5 loại trái cây tươi Việt Nam gồm xoài, vải, nhãn, bưởi và chôm chôm.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Đài Loan căn cứ thứ tự ưu tiên mà Việt Nam đã nêu để xem xét, đánh giá từng loại một hiện vẫn chưa hoàn thành quy trình đánh giá rủi ro về dịch bệnh đối với trái chôm chôm nên chưa xem xét đến các loại quả khác, trong đó có vải và nhãn.

Trên cơ sở đó, trái vải tươi và nhãn tươi của Việt Nam chưa thể xuất khẩu ngay được vào Đài Loan trong một, hai năm tới do vướng hàng rào kiểm dịch.

Ông Vũ Văn Cường - Trưởng bộ phận Thương vụ Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc - khuyến nghị, các cơ quan hữu quan như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Hiệp hội Rau quả Việt Nam cần tiếp tục vận động, đẩy nhanh quá trình xem xét, mở cửa thị trường Đài Loan cho quả vải tươi, nhãn tươi của Việt Nam.

Đồng thời nghiên cứu các biện pháp hướng dẫn doanh nghiệp tăng cường các sản phẩm đã qua chế biến gia công để thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ quả vải và nhãn vào Đài Loan (Trung Quốc).

4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sầu riêng tăng gần 6 lần

Bốn tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt hơn 190 triệu USD, tăng gần 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, thị trường Trung Quốc chiếm trên 84%.

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy 5 tháng, xuất khẩu rau quả đạt 1,97 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ 2022. Đây là mức tăng trưởng đứng thứ 2 chỉ sau ngành gạo.

Trong cơ cấu chủng loại quả xuất khẩu chính, dữ liệu từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) ghi nhận chỉ có trái thanh long và chuối tăng trưởng âm trong 4 tháng đầu năm. Ngược lại, các trái cây xuất khẩu chủ lực khác đều có tốc độ tăng hai con số. Đặc biệt, giá trị xuất khẩu sầu riêng đạt hơn 190 triệu USD, tăng đột biến 573% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sầu riêng xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc, chiếm 84,3% tổng giá trị xuất khẩu loại quả này.

Cuối tháng 5, sầu riêng Việt xuất khẩu vào mùa thu hoạch cũng là một trong những nguyên nhân khiến lượng phương tiện chở hàng hóa lên khu vực cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị tăng mạnh gây ùn tắc hơn 700 xe hàng. Tối 31/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu 8 bộ cùng các địa phương, cơ quan liên quan sớm tìm cách xử lý, thúc đẩy việc thông quan nông sản tại các cửa khẩu phía Bắc.

Hiên, Việt Nam có 293 vùng trồng và 115 cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam được phía Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu chính thức sang thị trường này.

Ngoài sầu riêng chính ngạch, Việt Nam và Trung Quốc còn ký nghị định thư với các loại quả như măng cụt, chuối và đang đàm phán để ký nghị định thư về thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chôm chôm, xoài.

Cung không đủ cầu, cà phê Việt 5 tháng thu về hơn 2 tỷ USD

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, theo ước tính, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 5/2023 đạt 165 nghìn tấn, trị giá 396 triệu USD, tăng 0,9% về lượng, nhưng giảm 0,7% về trị giá so với tháng 4/2023, so với tháng 5/2022 tăng 15,7% về lượng và tăng 21,8% về trị giá.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 882 nghìn tấn, trị giá 2,02 tỷ USD, giảm 2,2% về lượng, nhưng tăng 0,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Tháng 5/2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt mức 2.399 USD/tấn, giảm 1,6% so với tháng 4/2023, nhưng tăng 5,3% so với tháng 5/2022.

Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của nước ta ước đạt mức 2.295 USD/tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị trường EU là thị trường nhập khẩu lớn nhất của cà phê Việt Nam. (Nguồn: Vietnamcoffee)

Theo ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), giá cà phê tăng là do cung không đủ cầu. Dự báo từ nay đến cuối năm, xuất khẩu cà phê vẫn thuận lợi khi nhu cầu tăng trong khi nguồn hàng không được cải thiện.

Dự báo sản lượng cà phê năm nay giảm đến 10%-15%/năm do thời tiết không thuận lợi. Ngoài ra, tình hình lạm phát thời gian qua làm cho giá nguyên, nhiên vật liệu đều tăng, nhất là giá vật tư nông nghiệp tăng từ 2 - 3 lần làm giá thành sản xuất, chế biến cà phê tăng cao dẫn đến giá bán tăng.

Liên minh châu Âu (EU) là thị trường nhập khẩu lớn nhất của cà phê Việt Nam, chiếm 45% tổng lượng cà phê xuất khẩu. Vì vậy, việc EU thông qua các quy định về phòng chống phá rừng, suy thoái rừng chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tương lai.

Vì vậy, VICOFA đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan cần đẩy mạnh việc phổ biến các quy định, cảnh báo tới người dân và doanh nghiệp để các đơn vị chuẩn bị, bởi thời gian không còn nhiều khi quy định này sẽ được EU áp dụng cuối năm 2024.

(tổng hợp)