Ngành dệt may Việt Nam 80% năng lực sản xuất phục vụ xuất khẩu, biến động trên thị trường thế giới đã tác động trực tiếp đến ngành. (Nguồn: VnEconomy) |
Ngành dệt may xuất siêu trên 12 tỷ USD
Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, 8 tháng đầu năm 2022, ngành dệt may xuất khẩu ước đạt 30,1 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 17,5 tỷ USD. Như vậy, ngành tiếp tục xuất siêu khoảng 12,6 tỷ USD.
“Năm nay, dệt may Việt Nam dự kiến đạt 43,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, mặc dù dự báo những tháng cuối năm sẽ gặp nhiều khó khăn”, ông Cẩm nói.
Ông cũng cho biết, những khó khăn của ngành đã bắt đầu trở thành hiện thực, nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu thiếu đơn hàng, đang chấp nhận làm với giá thấp. 80% năng lực sản xuất của ngành dệt may Việt Nam phục vụ xuất khẩu nên biến động trên thị trường thế giới đã tác động trực tiếp đến ngành.
Mặt khác, dù dịch Covid-19 tại Việt Nam đã cơ bản đã khống chế được nhưng các thị trường khác, trong đó có thị trường cung cấp nguyên phụ liệu chính cho ngành như Trung Quốc (cung cấp 50% nguyên phụ liệu cho dệt may Việt Nam) vẫn áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch chặt chẽ nên phần nào ảnh hưởng tới nguồn cung đầu vào cho sản xuất.
Ngoài ra, việc EU đưa ra chiến lược mới về dệt may, quy định về tỷ lệ thay thế, xanh hoá sản phẩm, chuyển từ thời trang nhanh sang thời trang bền vững đã khiến doanh nghiệp trong nước phải chuyển dịch mạnh để đáp ứng.
Việt Nam tiếp tục ghi điểm tại thị trường UAE
Theo Thương vụ Việt Nam tại UAE, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và UAE trong 8 tháng đầu năm 2022 ước đạt 3,3 tỷ USD, giảm nhẹ 5,63% so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân là do xuất khẩu nhóm mặt hàng điện thoại di động và linh kiện giảm do thiếu nguồn cung nguyên liệu đầu vào và giá chi phí đầu vào tăng cao.
Mặc dù vậy, các nhóm mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam vẫn ước ghi nhận sự tăng trưởng mạnh như thủy sản, rau quả, tiêu, điều, gạo, da giày, may mặc, máy móc, thiết bị, phụ tùng…
Trong 8 tháng đầu năm 2022, Việt Nam ước ghi nhận mức thặng dư thương mại rất lớn đối với UAE là 3 tỷ USD. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng phi dầu khí của Việt Nam sang UAE ước đạt 3 tỷ USD, tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ UAE ước đạt 300 triệu USD.
Dù Việt Nam đang xuất siêu sang UAE, tuy nhiên Thương vụ Việt Nam tại UAE khuyến cáo, UAE là thị trường mở nên có rất nhiều đối thủ cạnh tranh. Các nhà nhập khẩu luôn ép giá có được mức giá thấp nhất. Đây là nước Hồi giáo, do đó các sản phẩm thực phẩm và đồ uống và nhiều sản phẩm khác cần có chứng nhận Halal…
Để giữ được phong độ xuất khẩu sang thị trường này, doanh nghiệp Việt Nam được khuyến cáo: Cần xây dựng chiến lược xuất khẩu sang UAE phù hợp để sản phẩm xuất khẩu có thể cạnh tranh được về giá cả và chất lượng với sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Tình trạng lừa đảo tại UAE xảy ra rất phổ biến, trước khi tiến hành hợp tác kinh doanh, doanh nghiệp cần phải xác minh rõ đối tác. Khi đã hợp tác, cần chú ý đàm phán phương thức thanh toán đảm bảo an toàn nhất như mở LC (Letter of Credit - Chứng thư tín dụng). Không nên áp dụng phương thức thanh toán TT (Telegraphic transfer - Chuyển tiền bằng điện) hoặc các phương thức thanh toán tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Tranh thủ vị trí cửa ngõ của Dubai kết nối được với hệ thống thương nhân và các doanh nghiệp logistics tại Dubai để đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Đông, châu Phi và phía Nam châu Âu.
Với các đơn vị làm công tác xúc tiến thương mại, Thương vụ Việt Nam tại UAE đề xuất: Tăng cường tổ chức các diễn đàn thương mại và đầu tư quy mô, có sự tham gia của các doanh nghiệp hàng đầu, các cơ quan quản lý thương mại và đầu tư của các địa phương để hai bên chia sẻ thông tin, làm rõ những cơ hội hợp tác thực sự.
Thường xuyên tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế về các ngành hàng tại Dubai để giới thiệu và quảng bá cho hàng hóa của Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để tìm kiếm đối tác trên toàn thế giới.
Tăng cường kết nối với các cơ quan, doanh nghiệp đối tác của UAE, mở mới hoặc hợp tác khai thác các tuyến vận tải hàng hóa trực tiếp giữa Việt Nam và Dubai. Điều này sẽ giúp giảm đáng kể chi phí vận chuyển hàng hóa trong bối cảnh cước vận tải hàng hóa quốc tế tăng cao như hiện nay.
Tận dụng lợi thế logistics, khai thác thị trường tỷ dân Trung Quốc
Mặc dù EU và Hoa Kỳ là các thị trường chiếm tỷ trọng lớn với giá tốt cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, nhưng sức tiêu thụ các khu vực này đang bị tác động bởi lạm phát. Ngoài ra, chi phí logistics quá cao khiến thủy sản từ Việt Nam vào Hoa Kỳ, EU đang bị cạnh tranh gay gắt về giá cả so với Ecuador và Ấn Độ.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Thực phẩm Sao Ta dẫn chứng với mặt hàng tôm. Một container 40 feet xuất đi Hoa Kỳ đang gánh 20.000 USD chi phí logistics, trong khi từ Ecuador sang Hoa Kỳ chỉ khoảng 5.000 USD. "Như vậy, mỗi container 15 tấn giảm được 15.000 USD chi phí giá thành thì giá tôm của họ đã rẻ hơn chúng ta 1 USD/kg", ông Lực đánh giá và cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm nói riêng và thủy sản nói chung phải khai thác lợi thế chi phí logistics với thị trường Trung Quốc.
Thực tế kim ngạch xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc đang tăng trưởng mạnh nhất so với các thị trường khác. Trong 7 tháng đầu năm, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ hai với hơn 934 triệu USD, tăng xấp xỉ 81% so với cùng kỳ 2021.
"Chúng ta ở bên cạnh thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới, về chi phí logistics sang thị trường này thì chúng ta có lợi thế cạnh tranh hơn so với Ecuador và Ấn Độ", ông Lực nêu rõ.
Theo bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO, Thị trường thủy sản Trung Quốc bùng nổ mang lại cơ hội lớn cho các nhà xuất khẩu thủy sản quốc tế. Nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng của Trung Quốc, cộng với sự thiếu hụt nguồn cung thủy, hải sản trong nước đã khiến nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc tăng lên qua từng năm.
Mặt khác, thu nhập của người dân cao hơn, tần suất tiêu dùng và số lượng người tiêu thụ thủy sản tăng đã trở thành động lực chính thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thủy sản của người dân Trung Quốc tăng lên trong những năm gần đây.
Thái Lan, Việt Nam "bắt tay" nâng giá trị hạt gạo
Bộ Nông nghiệp Thái Lan cho biết đã đạt thỏa thuận với Việt Nam về nâng giá gạo xuất khẩu để bù đắp chi phí sản xuất tăng cao. Hai nước sẽ lập nhóm triển khai ý tưởng này.
Báo Bangkok Post dẫn lời Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Chalermchai Sri-on cho biết thỏa thuận đạt được sau các cuộc thảo luận giữa hai nước về giá gạo xuất khẩu gần đây.
Ông Alongkorn Ponlaboot, cố vấn của ông Chalermchai, được bổ nhiệm làm trưởng đoàn đàm phán giá của Thái Lan.
Để thực hiện thỏa thuận, Việt Nam và Thái Lan sẽ tìm cách lập một cơ chế đàm phán chính phủ, đồng thời thuyết phục các nhà xuất khẩu gạo khác tham gia. (Nguồn: AFP) |
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan cũng được yêu cầu tổ chức các cuộc gặp với hiệp hội nông dân, công ty xay xát, đơn vị xuất khẩu và những nhóm có liên quan về vấn đề này.
Theo ông Chalermchai, các cuộc gặp sắp tới sẽ thảo luận về thỏa thuận giá gạo giữa Việt Nam và Thái Lan để tất cả các bên hiểu rõ hướng nâng giá gạo xuất khẩu. "Thỏa thuận là bước đầu tiên trong hợp tác giữa Việt Nam và Thái Lan để giúp các nông dân có được giá xuất khẩu công bằng hơn, sử dụng cơ chế giá cả trên thị trường toàn cầu", ông Chalermchai nói.
Các quan chức nông nghiệp Thái Lan cho biết các nông dân thời gian qua bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kép đại dịch Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine, trong khi giá gạo trên thị trường toàn cầu tăng không tương xứng. Ông Chalermchai khẳng định Thái Lan sẽ tham gia đàm phán mức giá gạo hợp lý hơn trên thị trường.
Thái Lan hiện là nước xuất khẩu gạo thứ 3 thế giới với 6,12 triệu tấn vào năm ngoái, đứng sau Việt Nam với 6,24 triệu tấn và Ấn Độ với 19,55 triệu tấn.
Năm nay, Thái Lan đã xuất khẩu 3,99 triệu tấn gạo trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 7, thu về gần 2 tỷ USD. Về số lượng, xuất khẩu gạo của Thái Lan tăng 58,2% nhưng giá trị xuất khẩu chỉ tăng 34,1%.
Theo ông Chalermchai, để thực hiện thỏa thuận, Việt Nam và Thái Lan sẽ tìm cách lập một cơ chế đàm phán chính phủ, đồng thời thuyết phục các nhà xuất khẩu gạo khác tham gia.
"Vì một giá gạo công bằng hơn là sứ mệnh và trách nhiệm của tất cả các nước trồng lúa và xuất khẩu gạo. Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến việc trồng lúa và sản lượng gạo trên toàn cầu, tất cả các bên cần chung tay để đảm bảo an ninh lương thực của thế giới", ông Alongkorn nói.