Xuất khẩu ngày 2-5/3: Tháng 2, ô tô nhập giảm hơn 36%. (Nguồn: Thương trường) |
Việt Nam xuất siêu gần 1,3 tỷ USD
Bộ Công Thương vừa có báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp và và hoạt động thương mại trong 2 tháng đầu năm 2021. Tuy xuất khẩu tháng 2 có chững lại (đạt 20 tỷ USD, giảm 29,9% so với tháng trước), nhưng tính chung, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 2 tháng ước tính đạt 48,55 tỷ USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm trước, xuất siêu 1,29 tỷ USD.
Trong 2 tháng đầu năm, có 9 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 73,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, cụ thể: Điện thoại và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 9,3 tỷ USD, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 6,9 tỷ USD, tăng 27,3%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 5,5 tỷ USD, tăng 72,6%;
Hàng dệt may đạt 4,76 tỷ USD, tương đương cùng kỳ năm trước; giày dép đạt 3,2 tỷ USD, tăng 15,4%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,4 tỷ USD, tăng 51%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1,6 tỷ USD, tăng 11,6%; sắt thép đạt 1,1 tỷ USD, tăng 71,9%; thủy sản đạt 1,01 tỷ USD, tăng 0,7%.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm nay với kim ngạch đạt 13,78 tỷ USD, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 8,2 tỷ USD, tăng 50,5%.
Thị trường EU đạt 6,1 tỷ USD, tăng 18,4%. Thị trường ASEAN đạt 4,1 tỷ USD, tăng 3,4%. Hàn Quốc đạt 3,35 tỷ USD, tăng 13,4%. Nhật Bản đạt 3,15 tỷ USD, tăng 1,1%.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 2/2021 ước tính đạt 20,8 tỷ USD, giảm 21,4% so với tháng trước. Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 47,26 tỷ USD, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tin liên quan |
Bất động sản 2021: Chuyên gia nước ngoài nhận định về phân khúc 'ngôi sao sáng' hậu Covid-19 |
Tháng 2 nhập hơn 7.000 ô tô, giảm hơn 36% so với tháng trước
Như vậy, lượng nhập khẩu mặt hàng này 2 tháng năm 2021 là hơn 15 nghìn chiếc, trị giá 374 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2020, lượng nhập khẩu nhóm hàng này trong 2 tháng năm 2021 tăng 3,3% về lượng và tăng 0,2% về trị giá.
Có thể thấy, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang chịu những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, đã có tín hiệu vui dù còn khá nhỏ nhoi.
Biết rằng trong cả năm 2020, tổng kim ngạch nhập khẩu ô tô chỉ đạt 105.261 chiếc và 2,3 tỷ USD, giảm đến 24,5% về lượng và giảm 27,4% về giá trị so với năm 2019.
Do vậy, nếu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng đạt được trong 2 tháng đầu năm dù còn rất nhẹ, thị trường ô tô nhập khẩu được dự báo sẽ dần vượt qua những thách thức.
Các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô cũng tiết lộ sẽ đưa về thị trường Việt Nam nhiều mẫu xe mới ngay trong năm nay, bất chấp những khó khăn vẫn còn hiệu hữu.
2 tháng, lượng cá tầm Trung Quốc về Việt Nam gần bằng cả năm 2020
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lượng cá tầm Trung Quốc nhập khẩu về Việt Nam trong các năm từ 2018 đến 2020 lần lượt là 1.164 tấn, 1.849 tấn và hơn 1.000 tấn.
Tuy nhiên theo thống kê mới nhất của cơ quan này, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2021, số lượng cá tầm Trung Quốc nhập về qua 2 cửa khẩu quốc tế là Hữu Nghị (Lạng Sơn) và Kim Thành (Lào Cai) đã đạt con số 812 tấn.
Bất thường ở chỗ đây cũng chính là giai đoạn Chính phủ cùng nhiều bộ, ban, ngành rốt ráo siết chặt lại việc nhập khẩu cá tầm Trung Quốc, nhất là tình trạng buông lỏng quản lý, có dấu hiệu tiếp tay cho việc nhập khẩu những loài cá không nằm trong danh mục.
Vì thế ngay trên sân nhà, do giá thành rẻ hơn (đi kèm chất lượng kém hơn), cá tầm Trung Quốc đang ngày càng tỏ ra chiếm ưu thế trên thị trường, gây khó khăn đầu ra cho con cá tầm Việt.
Trước thực trạng trên, trong tháng 12/2020, Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh Lâm Đồng và Hội cá nước lạnh tỉnh Lào Cai lần lượt có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan cùng các ngành chức năng đề nghị tăng cường các biện pháp quản lý nhập khẩu cá tầm sống làm thực phẩm...
Xuất khẩu nông sản tăng 16,6%
Theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản 2 tháng đầu năm 2021 ước đạt gần 11 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 6,17 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, xuất siêu khoảng 1,37 triệu USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Chỉ tính riêng tháng 2/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt 2,78 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm nông sản chính ước đạt gần 1,35 tỷ USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước; chăn nuôi ước đạt 26 triệu USD, tăng 26,9%; lâm sản chính đạt trên 1,17 triệu USD, tăng 40,7%...
Trong 2 tháng qua, nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao, như: Cao su đạt khoảng 516 triệu USD (tăng 9,9%); chè đạt 29 triệu USD (tăng 11,1%); hạt điều đạt 442 triệu USD (tăng 21,5%), rau quả khoảng 610 triệu USD (tăng 14,6%); quế đạt 32 triệu USD (tăng 18,1%); gỗ và sản phẩm gỗ đạt khoảng 2,44 tỷ USD (tăng 51,0%); mây, tre, cói thảm đạt 128 triệu USD (tăng 43,0%).
Về thị trường xuất khẩu, 2 tháng đầu năm, Mỹ tiếp tục là thị trường chiếm thị phần lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 2,04 tỷ USD, tăng 57,3% so với cùng kỳ và chiếm khoảng 33,05% thị phần; tiếp đến là Trung Quốc ước đạt 1,88 triệu USD, tăng 57,9% so với cùng kỳ và chiếm 30,53% thị phần; các nước ASEAN đạt 606 triệu USD, tăng 25,2%, chiếm 9,82% thị phần;…
Hiệu ứng tích cực từ UKVFTA
Thông tin từ Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương), trong tháng 1/2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đã đạt 657,35 triệu USD, tăng 78,57% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đạt 598,07 triệu USD, tăng 84,61% so với tháng 1/2020 và 56,51% so với tháng 12/2020.
Đây là mức tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Tín hiệu lạc quan này càng có ý nghĩa khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) được áp dụng tạm thời từ ngày 1/1/2021, hứa hẹn tiếp tục tạo động lực mới cho hợp tác kinh tế, thương mại trong thời gian tới.
Trong cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh, kim ngạch xuất khẩu nông sản vẫn giữ vững mức tăng ổn định và tích cực trong tháng 1, với thủy sản đạt 19,72 triệu USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm ngoái; mặt hàng rau, quả đạt 1,04 triệu USD, tăng 148,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các mặt hàng thuộc nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng có mức tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, điện thoại các loại và linh kiện (252,59 triệu USD, tăng 371,6% so với cùng kỳ năm ngoái); máy móc, thiết bị và dụng cụ phụ tùng (đạt 74,58 triệu USD, tăng 109,9%); máy tính và sản phẩm linh kiện điện tử (31,82 triệu USD, tăng 91%).
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu từ Vương quốc Anh vào Việt Nam trong tháng 1 đạt 59,297 triệu USD, tăng 34,3% so với cùng kỳ. Như vậy, Việt Nam tiếp tục xuất siêu sang thị trường Anh với mức tăng 113,7% so với cùng kỳ năm 2020.