📞

Xuất khẩu ngày 20-23/4: Ô tô Trung Quốc vào Việt Nam tăng sốc; khối ngoại dẫn đầu xuất hàng điện tử; dệt may thoát ‘bóng đen’

Hoàng Nam 10:00 | 23/04/2021
Ô tô Trung Quốc nhập vào Việt Nam tăng 6 lần so với cùng kỳ 2020; xuất siêu hơn 1,5 tỷ USD; 95% giá trị xuất khẩu hàng điện tử nằm trong tay khối ngoại… là những tin chính trong bản tin xuất khẩu ngày 20-23/4.
Bản tin xuất khẩu ngày 20-23/4: Quý I/2021, cả nước nhập khẩu 35.360 ô tô nguyên chiếc, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm ngoái. (Nguồn: VOV)

Duy trì xuất siêu hơn 1,5 tỷ USD

Thống kê Tổng cục Hải quan mới công bố cho thấy, 15 ngày đầu tháng 4, Việt Nam đạt kim ngạch xuất nhập khẩu gần 27 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 12,65 tỷ USD, nhập khẩu đạt 13,96 tỷ USD.

Như vậy, trái với đà xuất siêu trước đó, nửa đầu tháng này nước ta nhập siêu hơn 1,3 tỷ USD.

15 ngày đầu tháng, có 2 nhóm hàng nhập khẩu với kim ngạch lên tới hơn 2 tỷ USD là: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 2,82 tỷ USD và máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt hơn 2 tỷ USD.

Như vậy, cơ cấu hàng hóa nhập khẩu vẫn tập trung ở những nhóm hàng cần thiết cho sản xuất và xuất khẩu.

Nhìn chung, sau quý đầu năm, kết quả xuất nhập khẩu đang duy trì rất tốt và nhiều ý kiến cho rằng với tốc độ tăng trưởng hiện nay, từ nay đến cuối năm, nhiều khả năng chúng ta sẽ đạt mốc tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên 600 tỷ USD.

Tuy nhiên, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương chỉ rõ, quãng thời gian từ nay đến hết năm cũng còn khá dài và vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất lợi mà chúng ta có thể chưa lường hết. Chính vì vậy thì cả cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội địa phương đến các doanh nghiệp đều không được phép chủ quan.

Theo ông Hải, yếu tố quan trọng nhất để giúp cho Việt Nam đạt thành tích xuất nhập khẩu như vừa qua chính là nhờ kết quả chống dịch. Chính vì vậy, việc không lơ là, chủ quan trong chống dịch là một yêu cầu hết sức thiết yếu để làm nền tảng cho việc duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu thời gian tới.

Ô tô Trung Quốc vào Việt Nam tăng sốc

Trong quý I/2021, ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam có số lượng tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm trước.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 3 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu 3.900 ô tô các loại từ Trung Quốc, tăng gấp 6 lần con số 655 chiếc của cùng kỳ năm trước. Không phải tự nhiên lượng ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc tăng cao như vậy.

Trong thời gian qua, một số mẫu xe Trung Quốc ồ ạt nhập khẩu về Việt Nam như: Beijing, Brilliance, BAIC,…

Tuy số lượng ô tô Trung Quốc tăng vọt song trên thực tế, vẫn chỉ xếp ở vị trí thứ 3, sau Thái Lan và Indonesia. Trong quý I/2021, cả nước nhập khẩu 35.360 ô tô nguyên chiếc, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ô tô nguyên chiếc nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu là xe thuộc chủng loại "từ 9 chỗ ngồi trở xuống" và "ô tô tải" - chiếm tỷ trọng 92%. Trong đó, lượng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống (ô tô con) về Việt Nam trong Quý I khoảng hơn 23.000 chiếc.

Trong đó, ô tô xuất xứ từ Thái Lan và Indonesia chiếm đến 80% tổng lượng nhập khẩu của cả nước. Thái Lan dẫn đầu với 19.300 xe nhập khẩu vào Việt Nam, tăng 56% so với cùng kỳ năm trước. Đứng ở vị trí thứ 2 nhưng lượng ô tô Indonesia bị sụt giảm 26% so với Quý I/2020, chỉ đạt 8.950 xe.

Indonesia được biết đến là quốc gia xuất khẩu các mẫu ô tô giá rẻ vào Việt Nam với một số cái tên nổi bật như Mitsubishi Xpander, Suzuki XL7… Trong khi đó, bên canh ô tô du lịch có giá từ thấp đến trung, Thái Lan còn xuất khẩu toàn bộ xe bán tải đang được bán tại thị trường Việt Nam.

Khối ngoại dẫn đầu xuất khẩu hàng điện tử

Theo báo cáo của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), giai đoạn 2010-2019, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng điện tử của Việt Nam bình quân trên 50%. Năm 2019, ngành điện tử xuất khẩu trên 87 tỷ USD.

Theo số liệu cập nhật đến hết quý I/2021, điện tử nằm trong các ngành có kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD. Đáng kể nhất, xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt 14,1 tỷ USD, tăng hơn 9% so với cùng kỳ 2020 và chiếm trên 18% tổng kim ngạch xuất khẩu. Mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện đạt 12 tỷ USD, tăng trên 31%.

Giá trị xuất khẩu cao, góp tỷ trọng đáng kể trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung, nhưng đánh giá của Bộ Công Thương, xuất khẩu hàng điện tử vẫn thuộc về khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. "Tới 95% giá trị xuất khẩu hàng điện tử nằm trong tay doanh nghiệp vốn ngoại", Cục Công nghiệp nhận xét.

Riêng 3 tháng đầu năm nay, ở một số mặt hàng như điện thoại và linh kiện, giá trị xuất khẩu của khối ngoại chiếm trên 99%; điện tử, máy tính và linh kiện là 98%...

Nguyên nhân của bất cập này, theo cơ quan quản lý, do tỷ lệ nội địa hóa ngành điện tử hiện nay rất thấp, chỉ 5-10%. Các sản phẩm điện tử trên thị trường Việt Nam đa số là hàng nhập khẩu nguyên chiếc hoặc lắp ráp trong nước bằng phần lớn các linh kiện nhập khẩu.

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử trong nước đã tham gia vào chuỗi giá trị của ngành, nhưng phần lớn cung cấp các sản phẩm hàm lượng công nghệ, giá trị thấp.

Trong khi đó, các doanh nghiệp điện tử nội địa có tiếng trước đây đang phát triển chậm lại hoặc mất dần thương hiệu và chiếm thị phần nhỏ. Một số nhãn hiệu điện tử trong nước mới nổi như điện thoại BPhone, Vsmart, Vietel... song thị trường điện - điện tử dân dụng chủ yếu do các thương hiệu nước ngoài chiếm lĩnh.

Dệt may đón tín hiệu vui

Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu dệt may ghi nhận tín hiệu khởi sắc khá rõ nét, thoát khỏi “bóng đen” liên tục sụt giảm trong năm 2020.

Từ đầu năm đến nay, thị trường dệt may, da giày thế giới đã dần sôi động trở lại. Ngành dệt may Việt Nam cũng có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm trước. Dù dịch bệnh vẫn còn, tuy nhiên các doanh nghiệp đã tìm ra được hướng đi phù hợp.

Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc quý 1 ước đạt 7,2 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại tăng 31%; kim ngạch xuất khẩu vải mành, vải kỹ thuật khác tăng 8,8%.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đánh giá, nhu cầu tiêu thụ đang bắt đầu phục hồi trở lại đã tác động tích cực đến hoạt động XK. Doanh nghiệp thích ứng khá nhanh thông qua các giải pháp đa dạng hóa dòng hàng, thị trường, cũng như thích ứng được với nền tảng cơ chế mua bán và thanh toán theo bối cảnh mới, khác hoàn toàn cách mua bán truyền thống trước đây.

Một yếu tố khác được ông Giang đề cập là các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã góp phần đáng kể thúc đẩy XK dệt may sang các thị trường. Điển hình như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã giúp sản phẩm dệt may lan tỏa nhanh hơn tới thị trường Canada, New Zealand, Australia…; FTA Việt Nam - EU (EVFTA) cũng giúp một số dòng sản phẩm thâm nhập tốt hơn vào thị trường EU.

Từ những tháng đầu năm, ngành dệt may Việt Nam đã đón nhận nhiều thông tin tốt về đơn hàng, chứng tỏ thị trường dệt may đang hồi phục. Ở thời điểm hiện tại, phần lớn doanh nghiệp may trong ngành đã có đơn hàng đến hết quý III, thậm chí nhiều doanh nghiệp có đơn hàng cho cả năm 2021.

(tổng hợp)