Cá tra vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường Mỹ. (Nguồn: Báo Công Thương) |
Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam
Theo Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương, năm 2021, dù phải đối mặt với những diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn giữ vững đà tăng trưởng tích cực.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến hết tháng 11, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng cao, đạt 599,12 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 299,67 tỷ USD, tăng 17,5% tăng 17,5%; nhập khẩu đạt 299,45 tỷ USD, tăng 27,5%. Tính chung 11 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 225 triệu USD.
Trong 11 tháng năm 2021, có 34 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,5% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,4%).
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 11 tháng năm 2021, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản đạt 3,57 tỷ USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 1,2% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu (tăng 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước). Nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt 21,4 tỷ USD, tăng 15,4% và chiếm 7,1% (giảm 0,2 điểm phần trăm). Nhóm hàng thủy sản đạt 7,95 tỷ USD, tăng 3,5% và chiếm 2,7% (giảm 0,3 điểm phần trăm).
Xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục giữ vai trò chủ lực, với kim ngạch xuất khẩu đạt 266,75 tỷ USD, tăng 18% và chiếm tỷ trọng 89% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (tăng 0,4 điểm phần trăm).
Một tín hiệu đáng mừng là cơ cấu các ngành xuất khẩu chủ lực có thay đổi đáng kể từ những ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, giày dép, thủy sản, hay hàng hóa là tài nguyên khoáng sản như than đá, dầu thô… nhưng đến nay đã nhường chỗ cho sự vươn lên của các nhóm hàng công nghệ cao như điện thoại, máy vi tính, máy móc…
Về thị trường xuất khẩu, trong 11 tháng qua, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 84,8 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 50,5 tỷ USD, tăng 16,8%. Thị trường EU đạt 35,7 tỷ USD, tăng 11,9%. Thị trường ASEAN đạt 25,9 tỷ USD, tăng 23,3%. Hàn Quốc đạt 20 tỷ USD, tăng 14,6%. Nhật Bản đạt 18 tỷ USD, tăng 3%.
"Trong tháng cuối năm 2021, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đang có nhiều thuận lợi. Trên thế giới, việc các quốc gia, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu chủ lực của ta như Mỹ, EU,…đã và đang thực hiện các phương án mở cửa, sử dụng hộ chiếu vaccine, ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý cư dân, tổ chức lại các hoạt động kinh tế, văn hóa xã hội, mở cửa du lịch báo hiệu nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao", Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương nhận định.
Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản Việt Nam sang UAE
Ngày 22/12, Đại sứ quán Việt Nam tại các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã tổ chức Hội thảo Tiếp cận thị trường nông sản UAE trong bối cảnh bình thường mới: Thực tiễn tại UAE, kinh nghiệm của các nước ASEAN và bài học cho Việt Nam.
Tin liên quan |
Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản Việt Nam sang UAE |
Hội thảo có sự tham dự trực tiếp của Đại sứ các nước ASEAN tại UAE, đại diện một số tổ chức kinh tế của UAE, doanh nghiệp UAE hợp tác với Việt Nam. Ngoài tham dự trực tiếp tại Đại sứ quán, Hội thảo đã kết nối trực tuyến với gần 40 điểm cầu tại Abu Dhabi, Dubai, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Đại sứ Nguyễn Mạnh Tuấn nhấn mạnh nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng nông sản của UAE là rất lớn. Hơn nữa, là trung tâm thương mại, logistics của khu vực, UAE được coi là một trong những thị trường tái xuất lớn nhất thế giới đối với hàng hóa nói chung cũng như hàng nông sản nói riêng.
Mặc dù là nước có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp nhưng xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường UAE chưa nhiều, khoảng 200 triệu USD/năm trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang UAE là khoảng 5 tỷ USD/năm.
Do đó, đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam sang thị trường UAE là một trong những ưu tiên của Đại sứ quán trong thời gian tới.
Hiện nay, mặc dù dịch Covid-19 chưa được khống chế hoàn toàn, tuy nhiên các hoạt động sản xuất, giao thương bắt đầu được nối lại, từ đó đặt ra các yêu cầu đối với các cơ quan đại diện ở nước ngoài về việc hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu tìm hướng đi thích hợp trong bối cảnh tình hình mới. Những kinh nghiệm của các nước ASEAN đi trước như Philippines, Thái Lan, Indonesia, Malaysia sẽ giúp Việt Nam tìm cách tiếp cận đúng để nông sản xuất khẩu vào được và sống được tại thị trường giàu tiềm năng này.
Bộ Công Thương "gỡ vướng" cho doanh nghiệp
Sau khi Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về tình hình ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, ngày 23/12, Bộ Công Thương đã có văn bản số 8297/BCT-XNK gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tháo gỡ vấn đề này.
Bộ Công Thương cho biết: Từ năm 2020 trở lại đây, hoạt động xuất khẩu hàng hóa, nhất là nông sản, trái cây tươi qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu do tác động của dịch Covid-19.
Vì vậy, Bộ Công Thương đã cùng các Bộ, ngành và các tỉnh biên giới tích cực vào cuộc, triển khai đồng bộ, kịp thời nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, ách tắc do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đó cơ bản bảo đảm được hoạt động giao thương, nhất là xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc trong 2 năm qua.
Dù Bộ Công Thương đã có nhiều văn bản khuyến cáo nhưng do Việt Nam vào chính vụ thu hoạch một số nông sản xuất khẩu nên lượng nông sản đưa lên khu vực biên giới phía Bắc vẫn rất lớn, dẫn đến phát sinh tình trạng ùn ứ, tồn đọng hàng hóa, phương tiện tại nhiều cửa khẩu biên giới, nhất là các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Theo Bộ Công Thương, trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, ngày 11/12 vừa qua, Trung Quốc đã ra công điện số 14 gửi các bộ, ngành và địa phương về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các cửa khẩu.
Trước tình trạng trên, Bộ Công Thương kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn triển khai các giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường khuyến cáo các hiệp hội ngành hàng, hộ nông dân, cơ sở sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản và trái cây tươi trên địa bàn thường xuyên cập nhật tình hình thông quan tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc; đặc biệt lưu ý lịch nghỉ Tết Nguyên đán của phía Trung Quốc để chủ động kế hoạch sản xuất và xuất khẩu hàng hóa, tránh để phát sinh ùn ứ và các tác động bất lợi khác.
Đồng thời, UBND các tỉnh cần trao đổi ngay với bạn hàng Trung Quốc để giao hàng qua các cửa khẩu chính, cửa khẩu quốc tế tại các tỉnh khác như Cao Bằng nhằm giảm ùn ứ tại Lạng Sơn; hoặc chuyển sang sử dụng phương thức vận tải khác như đường biển mà các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đang làm rất tốt.
Ngoài ra, cũng theo Bộ Công Thương, các doanh nghiệp cần chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch và đẩy nhanh triển khai thực hiện đáp ứng các quy định của phía Trung Quốc về đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu nông sản như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương đã hướng dẫn.
Thực tế, trong những thời điểm khó khăn nhất, xuất khẩu chính ngạch vẫn lưu thông hết sức bình thường và khi đó xuất khẩu sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện các quy định về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, ghi nhãn... cũng như các yêu cầu khác có liên quan để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với bạn hàng nước ngoài.
Mặt khác, Bộ Công Thương cũng đề nghị UBND các tỉnh thành đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước để giảm áp lực cho thị trường xuất khẩu.
Cụ thể như việc chỉ đạo các Sở, ban ngành chức năng điều tiết sản xuất nông nghiệp theo nhu cầu của thị trường; căn cứ khả năng sản xuất để phát triển công nghiệp chế biến nhằm tăng giá trị nông sản chế biến sâu, đa dạng các sản phẩm nông nghiệp, đồng thời chú trọng phát triển hệ thống kho trữ, bảo quản nông sản.
Mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản trong nước thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu; tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản.
Dư địa cho hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Á-Âu còn rất lớn
Diễn đàn hợp tác thương mại với các đối tác khu vực Á - Âu năm 2021 diễn ra chiều 22/12 tại Hà Nội. (Ảnh: V.C) |
Chia sẻ tại Diễn đàn hợp tác thương mại với các đối tác khu vực Á - Âu năm 2021 chiều 22/12, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam và các nước khu vực Á - Âu đã hình thành các thiết chế, khung khổ vững chắc làm nền tảng cho sự phát triển hợp tác song phương, bao gồm hai Hiệp định tự do thương mại Việt Nam-EAEU và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA); Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA); 14 Ủy ban Hỗn hợp/ Ủy ban liên Chính phủ và 1 cơ chế Tham vấn hợp tác kinh tế song phương. Đây là cơ sở để doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp các nước Á - Âu hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư.
Quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và các nước khu vực Á - Âu không ngừng được phát triển. Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, năm 2020 kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và khu vực Á - Âu đạt 12,7 tỷ USD tăng 20,4% so với năm 2019, chiếm 2,3% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam với thế giới. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam tăng 14,2% đạt 8,9 tỷ USD.
Mặc dù phải đối mặt với những diễn biến bất ổn của thương mại toàn cầu và đại dịch Covid-19, kim ngạch thương mại với khu vực Á - Âu trong 11 tháng năm 2021 cho thấy đây vẫn là khu vực có tăng trưởng ấn tượng trong bức tranh xuất nhập khẩu của Việt Nam, với tổng kim ngạch hai chiều đạt 12,7 tỷ USD, tăng 13,1%. Trong đó, xuất khẩu đạt 8,6 tỷ USD tăng 10%, nhập khẩu đạt 4,1 tỷ USD tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam còn rất khiêm tốn so với tổng nhu cầu nhập khẩu khoảng 1.345 tỷ USD của các nước trong khu vực (chỉ chiếm 0,66% thị phần). Vì vậy, dư địa cho hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này còn rất lớn.
Xuất khẩu cá tra cán đích 1,54 tỷ USD
Mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19 nhưng dự báo, xuất khẩu cá tra năm 2021 sẽ cán đích khoảng 1,54 tỷ USD, tăng nhẹ 3% so với năm 2020 và năm 2022 sẽ phục hồi nhẹ với mức tăng ước khoảng 7%, đạt 1,65 tỷ USD.
Bà Lê Hằng - Phó giám đốc Trung tâm VASEP.PRO (Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam - VASEP) - thông tin: xuất khẩu cá tra liên tục tăng trưởng từ đầu năm đến hết tháng 7/2021, tuy nhiên, do dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu sụt giảm mạnh từ tháng 8 - 10/2021.
Bước sang tháng 11, xuất khẩu cá tra đã phục hồi mạnh trở lại. Về thị trường XK, Mỹ chiếm 22% tỷ trọng, đây cũng là thị trường xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhất. Đối với thị trường EU, nhu cầu nhập khẩu 5 tháng đầu năm vẫn thấp, bắt đầu có tín hiệu tăng trưởng vào tháng 6, 7 nhưng từ tháng 8 lại giảm vì bị ảnh hưởng dịch Covid-19…
Bà Lê Hằng đánh giá, dự báo năm 2022, nhu cầu cá tra tại các thị trường sẽ tiếp tục tăng, nhất là thị trường Mỹ. Thị trường EU có thể phục hồi nhưng không mạnh. Xuất khẩu sang Trung Quốc khó có thể đoán định vì nước này vẫn kiên định kiểm soát chặt thủy sản nhập khẩu nhưng vẫn hy vọng có kết quả khả quan hơn năm 2021 vì các doanh nghiệp Việt dần thích ứng với những rào cản của thị trường này.
Đặc biệt, các FTA tiếp tục là đòn bẩy xúc tiến thương mại sang nhiều thị trường. Doanh nghiệp chế biến cần chuẩn bị tốt nội lực để tận dụng cơ hội xuất khẩu cá tra sang thị trường EU sau khi việc cắt giảm những dòng thuế liên quan đến cá tra có hiệu lực nhờ Hiệp định EVFTA.
| Giá tiêu hôm nay 24/12, đi ngang, vì sao vẫn nhận định thị trường 2022 ‘màu hồng’? Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước đi ngang ở một số địa phương, giao dịch từ 77.500 – 79.500 đ/kg. |
| Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản Việt Nam sang UAE Ngày 22/12, Đại sứ quán Việt Nam tại các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã tổ chức Hội thảo "Tiếp cận thị trường ... |