Xét về thị trường, Mỹ và Australia đang là 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất cung cấp bông cho Việt Nam. (Nguồn: Cafe F) |
Mỹ, Australia thu hàng tỷ USD từ Việt Nam nhờ bông sợi
Xét về thị trường, Mỹ và Australia đang là 2 thị trường lớn nhất cung cấp bông cho Việt Nam, theo thống kê của Tổng cục Hải quan. Cụ thể, trong tháng 9/2023, nước ta nhập khẩu 12.723 tấn bông từ Mỹ với trị giá hơn 29 triệu USD, giảm 54,2% về lượng và giảm 46% về trị giá so với tháng 8/2023.
Tính đến hết quý 3, nước ta chi hơn 832 triệu USD nhập khẩu 378.973 tấn bông từ Mỹ, tăng 6,28% về lượng nhưng giảm 29,95% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Giá nhập khẩu bình quân đạt 2.196 USD/tấn, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022.
Nhà cung cấp bông lớn thứ 2 của Việt Nam là Australia. Trong tháng 9, nước ta nhập khẩu 66.261 tấn với trị giá hơn 139 triệu USD, tăng 6,54% về lượng và tăng 5,24% về trị giá so với tháng trước đó. Tính chung trong 9 tháng đầu năm, Australia xuất khẩu 300.816 tấn bông sang Việt Nam, thu về hơn 668 triệu USD, tăng 39% về lượng và tăng 2,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Giá nhập khẩu bình quân đạt 2.221 USD/tấn, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2022.
Hiện Việt Nam là quốc gia nhập khẩu bông lớn thứ 3 thế giới với sản lượng tiêu thụ 1,5 triệu tấn/năm, là quốc gia xuất khẩu xơ sợi đứng thứ 6 thế giới đồng thời là nhà xuất khẩu hàng dệt may thứ 3 thế giới – chỉ sau Trung Quốc và Bangladesh.
Hiệp hội bông sợi Việt Nam cho biết, ngành bông toàn cầu đang chứng kiến sự sụt giảm đáng kể cả về sản xuất và tiêu thụ. Báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy mức giảm lớn trong dự báo về sản lượng bông toàn cầu mùa vụ 2023-2024 và giảm 4,2 triệu kiện so với mùa vụ trước. Sản lượng giảm ở các khu vực như Tây Phi, Mỹ, Hy Lạp, Mexico và Ấn Độ đã làm lu mờ sự gia tăng sản lượng ở Brazil.
Những quốc gia tiêu thụ lớn như Ấn Độ, Trung Quốc và Pakistan đang phải đối mặt với những thách thức như tỷ suất lợi nhuận và đơn đặt hàng sợi giảm, dẫn đến việc mua xơ bông dè dặt.
Hiện giá bông đang chịu 2 lực tác động từ phía cung và cầu. Về nguồn cung, các chuyên gia dự báo sẽ giảm trong thời gian tới. Về cầu, thị trường dệt may thế giới vẫn đang rất khó khăn, dự báo tổng cầu hàng dệt may năm nay có khả năng giảm 8-10% do vậy nhu cầu tiêu dùng bông không nhiều khả năng có thể hồi phục.
Xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt kỷ lục chưa từng có
Từ đầu năm đến nay có 18 thị trường đạt trên 10 triệu USD, trong đó có 7 thị trường đạt trên 100 triệu USD. Lớn nhất là Trung Quốc, tiếp đến là Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Thái Lan...
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan vừa công bố cho thấy, trong nửa đầu tháng 10, xuất khẩu rau quả của Việt Nam thu về gần 350 triệu USD, qua đó nâng kim ngạch từ đầu năm đến 15/10 lên 4,56 tỷ USD, tăng trưởng tới 75,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức kỷ lục chưa từng có của rau quả Việt Nam.
Theo Tổng cục Hải quan, rau quả của Việt Nam hiện có mặt tại 28 thị trường chủ yếu. Từ đầu năm đến nay có 18 thị trường đạt trên 10 triệu USD, trong đó có 7 thị trường đạt trên 100 triệu USD. Lớn nhất là Trung Quốc, tiếp đến là Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Thái Lan...
Tin liên quan |
Trung Quốc không tiếc tiền, sẵn sàng chi 2 tỷ USD để mua mặt hàng này từ Việt Nam |
Riêng thị trường Trung Quốc đạt hơn 3 tỷ USD, tăng 160% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc cũng chiếm tới 65,3% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước, gấp nhiều lần so với các thị trường lớn còn lại.
Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc lập kỷ lục nhờ một phần do nước này thay đổi chiến lược phòng, chống Covid-19, mở cửa rộng hơn các cửa khẩu. Đồng thời, Trung Quốc mở cửa cho hàng loạt mặt hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu chính ngạch như sầu riêng, chuối...
Tính chung các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt hơn 8,7 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhờ sự tăng tốc của rau quả, xuất khẩu sang Trung Quốc trong 9 tháng năm nay đạt hơn 42 tỷ USD, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường lớn khác như Mỹ đạt 70,9 tỷ USD, giảm 16,8%, thị trường châu Âu giảm 8,2%, thị trường ASEAN giảm 5,5%, Hàn Quốc giảm 5,1%, Nhật Bản giảm 3%.
Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc được đánh giá còn nhiều dư địa. Do đó các hoạt động xúc tiến thương mại đang được đẩy mạnh để khai thác các địa bàn tiềm năng.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1199 phê duyệt quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc bao gồm các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên.
Hơn 30 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD
Theo Bộ Công Thương, trong nửa đầu tháng 10, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 14,2 tỷ USD, qua đó đưa kim ngạch từ đầu năm đến ngày 15/10 đạt 272,7 tỷ USD, giảm khoảng 24 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, cả nước có hơn 30 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, một số mặt hàng phải kể đến như: thủy sản, rau quả, hạt điều, cà phê, gạo , sản phẩm từ chất dẻo, cao su, gỗ và sản phẩm gỗ, dệt may, giày dép, điện thoại và linh kiện các loại, dây điện và dây cáp điện...
Tăng trưởng mạnh nhất trong các nhóm mặt hàng chủ lực là xuất khẩu rau quả. Từ đầu năm đến ngày 15/10, xuất khẩu mặt hàng này đạt hơn 4,56 tỷ USD, tăng 75,4% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương kim ngạch tăng thêm gần 2 tỷ USD.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết, những tháng còn lại, sầu riêng của các nước khác ở Đông Nam Á đã hết vụ, trong khi Việt Nam vẫn còn vùng sầu riêng ở Tây Nguyên chưa khai thác. Đây sẽ là cơ hội lớn để mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của ngành rau quả tiếp tục tăng kim ngạch trong thời gian tới. Dự báo xuất khẩu rau quả có thể cán mốc tới 6 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay.
Ngoài ra, hoạt động xuất, nhập khẩu dệt may Việt Nam đang có những tín hiệu tích cực và nhiều khả năng sẽ phục hồi trong những tháng tới. Nhiều doanh nghiệp cho biết gần đây, đối tác từ châu Âu, Đông Bắc Á, Đông Nam Á… đến tìm hiểu sản phẩm may mặc có xu hướng tăng nhanh so với các tháng trước đó. Xuất khẩu sang thị trường sang Mỹ, châu Âu cũng khởi sắc hơn.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa trong nửa đầu tháng 10 đạt 12,8 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch từ đầu năm đến ngày 15/10 lên hơn 250 tỷ USD, giảm gần 40 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 10 đã đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước từ đầu năm đến 15/10 đạt hơn 520 tỷ USD, cán cân thương mại đạt thặng dư hơn 22 tỷ USD.
Trước đó, năm 2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt hơn 730 tỷ USD. Đây là mức xuất nhập khẩu kỷ lục từ trước đến nay. Trong bối cảnh hiện nay, dự báo xuất nhập khẩu năm nay của Việt Nam giảm khoảng 10% so với mức kỷ lục của năm ngoái.
Ấn Độ đang tích cực gom mạnh mặt hàng này của Việt Nam
Tổng cục Hải quan cho biết, xuất khẩu sắt thép của Việt Nam trong tháng 9 giảm mạnh, chạm mức thấp nhất trong 7 tháng qua, đạt 864.424 tấn, với trị giá gần 611 triệu USD, giảm 12,5% về lượng và giảm 13,5% về trị giá so với tháng 8 nhưng so với cùng kỳ năm trước vẫn tăng 63,6% về lượng và tăng 43,6% về trị giá.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sắt thép đạt hơn 8,23 triệu tấn, với trị giá gần 6,30 tỷ USD, tăng 27,4% về lượng, nhưng giảm 3,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân mặt hàng này trong 9 tháng đạt 764,8 USD/tấn, giảm 24,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xét về thị trường, ba thị trường chính nhập khẩu sắt thép Việt Nam là Italy, Campuchia và Hoa Kỳ. Trong 9T/2023, nhập khẩu từ Italy tăng 139% về sản lượng và tăng 58% về kim ngạch, từ Mỹ tăng 53% về lượng và giảm 12% về giá trị, trong khi xuất khẩu sang Campuchia giảm cả lượng và giá trị lần lượt là 11,2% và 25,2%.
Trong khi xuất khẩu sắt thép sang một số thị trường giảm, một quốc gia từ Nam Á lại đang tăng mạnh nhập khẩu.
Trong khi xuất khẩu sắt thép sang một số thị trường giảm, Ấn Độ lại đang tăng mạnh nhập khẩu từ Việt Nam. (Nguồn: TTXVN) |
Cụ thể, xuất khẩu sắt thép các loại sang Ấn Độ tháng 9 đạt 132.172 tấn, trị giá hơn 93,3 triệu USD, tăng mạnh 3.036% về lượng và tăng 1.051% về kim ngạch so với tháng 9/2022. Đây cũng là tháng ghi nhận sản lượng xuất khẩu cao nhất kể từ đầu năm 2023.
Tính đến hết tháng 9, xuất khẩu sắt thép sang thị trường này đạt hơn 535.412 tấn, tương đương hơn 400,1 triệu USD, tăng 1.279% về lượng và tăng 597% về trị giá do các tháng trước đó. Ấn Độ chiếm 6,5% trong tỷ trọng xuất khẩu sắt thép của Việt Nam 9 tháng đầu năm.
Năm 2019, Ấn Độ trở thành nhà sản xuất thép lớn thứ hai thế giới, vượt qua Nhật Bản. Lĩnh vực xây dựng của đất nước Nam Á này đang trong giai đoạn bùng nổ.
Theo cơ quan nghiên cứu ICRA, nhu cầu thép ở Ấn Độ dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng hai con số khoảng 11,3% trong năm tài chính 2023 sau khi tăng trưởng 11,5% trong năm tài chính 2022. Điều này đến từ việc hỗ trợ của Chính phủ Ấn Độ để xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy nền kinh tế.
| Năm 2024, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% GDP Việt Nam có thể sẽ tăng trưởng dưới 5% trong năm 2023, do nhu cầu của hàng hóa “Made in Vietnam” sụt giảm. Tuy ... |
| Xuất khẩu ngày 22-29/9: Chín tháng, xuất nhập khẩu hàng hoá chạm mốc gần 500 tỷ USD; cơ hội 'vàng ròng' từ phế phẩm ngành gỗ Trong 9 tháng qua, xuất nhập khẩu hàng hoá chạm mốc gần 500 tỷ USD; một loại gia vị của Việt Nam thu về hơn ... |
| Xuất khẩu ngày 29/9-6/10: Việt Nam sở hữu một nhóm hàng 'hốt bạc'; mặc thế giới giảm mạnh, giá gạo Việt vẫn 'cao ngất' Mặc thế giới giảm mạnh, giá gạo Việt Nam vẫn "cao ngất", xuất khẩu thủy sản dần "lấy lại phong độ", Việt Nam sở hữu ... |
| Xuất khẩu ngày 6-13/10: Trung Quốc chi hàng tỷ USD săn lùng nông sản này của Việt Nam mỗi năm; gạo Việt 'bỏ xa' Pakistan, Thái Lan Trung Quốc mỗi năm chi hàng tỷ USD săn lùng nông sản này của Việt Nam; gạo Việt "bỏ xa" Pakistan, Thái Lan; New Zealand ... |
| Xuất khẩu ngày 13-20/10: Xuất nhập khẩu hàng hoá vượt mốc 500 tỷ USD; hơn 17 triệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt bán trên Amazon Xuất nhập khẩu hàng hoá chính thức vượt mốc 500 tỷ USD; Việt Nam muốn thành trung tâm xuất khẩu thuốc giá trị 1 tỷ ... |