Xuất khẩu ngày 22-25/12: Cơ hội cho cà phê Robusta Việt Nam khi nguồn cung thị trường thiếu hụt dòng sản phẩm Arabica. (Nguồn: Art coffee) |
Thiếu hụt cà phê Arabica toàn cầu, cơ hội cho Robusta của Việt Nam
Cà phê hạt Robusta vốn được coi là loại cà phê hạng hai, thường được sử dụng để sản xuất cà phê hòa tan, nay đang dần được nâng cao chất lượng để tạo ra những sản phẩm hạng sang từ loại sản phẩm này.
Cà phê Robusta có thể được trồng ở độ cao thấp hơn và cũng có sức chống chịu sâu bọ tốt hơn so với Arabica - loại cà phê thường được dùng để pha chế cà phê không hòa tan. Nhờ đó, thị phần của Robusta trên thị trường cà phê thế giới đã tăng từ 20% lên 40% trong vòng 40 năm qua.
Ông Hiromasa Okazaki - Chủ tịch hãng bán lẻ cà phê Namamame Honpo nhận xét về loại cà phê Robusta cho biết: "Loại cà phê đã có người yêu chuộng tại cả châu Âu và ngày một khó tìm hơn trước. Giá bán sỉ của chúng đã tăng khoảng 20% so với năm ngoái".
Tuy nhiên, hiện nay, hạt cà phê Robusta vẫn thường có giá thấp hơn so với Arabica vì mùi hương đặc trưng của mình, cũng như mức chi phí sản xuất thấp. Người dân ở một số quốc gia cũng không quen với độ nồng của Robusta. Gần đây, ngày càng nhiều nhà sản xuất cà phê tìm cách thâm nhập vào phân khúc cà phê cao cấp hơn nhằm tăng giá trị gia tăng
"Nhiều nông dân đang áp dụng các phương thức và các trồng trọt riêng cho loại cà phê này để củng cố mùi vị đặc trưng, cũng như các tính chất khác của Robusta", ông Masaomi Arakawa, một quản lý của hãng thương mại thực phẩm S.Ishimitsu, nhận định.
Ở Việt Nam, tại tỉnh Lâm Đồng cũng đã xuất hiện các trang trại cà phê Robusta chất lượng cao. Tại đây, cà phê sẽ chỉ được sản xuất từ những hạt cà phê chín được trồng trong điều kiện giám sát nghiêm ngặt và nhận được sự đánh giá cao từ Hiệp hội cà phê Mỹ. Covid-19 thậm chí còn khiến công chúng chú ý hơn tới Robusta khi nhiều khách hàng phải ở nhà và uống cà phê gói.
Theo dự đoán của hãng buôn Marubeni, nguồn cung hạt Arabica sẽ bị thiếu hụt trong vòng 12 tháng, tính đến tháng 9/2022. Lý do xuất phát từ hoạt động sản xuất đình trệ tại Brazil, nơi sản xuất phần lớn hạt Arabica của thế giới.
Hơn thế, biến đổi khí hậu và nhiều yếu tố khác có thể xóa sổ khoảng một nửa đất canh tác phù hợp để trồng Arabica vào năm 2050.
Do đó, hạt cà phê Robusta có thể tạo nên nguồn cung cà phê ổn định.
Thương mại Việt Nam-Ấn Độ 11 tháng đạt trên 8,8 tỷ USD
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, thương mại song phương Việt Nam-Ấn Độ trong 11 tháng đầu năm đạt 8,82 tỷ USD, giảm 14,45% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam đạt 4,76 tỷ USD và nhập khẩu đạt 4,06 tỷ USD, Việt Nam xuất siêu 700 triệu USD.
Trong số các mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn, chỉ riêng xuất khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện có kim ngạch tăng trưởng dương, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong 11 tháng đạt 1,31 tỷ USD, tăng 5,8% so với 1,23 tỷ USD cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 804 triệu USD, giảm 24,6%; xuất khẩu máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 373,78 triệu USD, giảm 47,7%; xuất khẩu kim loại thường và sản phẩm đạt 265,98 triệu USD, giảm 49,4%.
Xuất khẩu chè có bước tăng trưởng đột biến đạt 4,96 triệu USD, tăng 300,6% so với cùng kỳ; xuất khẩu hạt điều tăng 21,3%; xuất khẩu bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc tăng 32,3%; xuất khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 22,6%.
Về nhập khẩu, nhập khẩu sắt thép các loại tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu với kim ngạch đạt 1,06 tỷ USD, chiếm 25% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Ấn Độ, riêng trong tháng 11, nhập khẩu mặt hàng này đạt 86,56 triệu USD, tăng 39,3% so với tháng trước, tính lũy kế cả 11 tháng, nhập khẩu mặt hàng sắt thép các loại tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước.
Nhập khẩu máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng trong 11 tháng qua đạt 298,60 triệu USD, giảm 21,8% so với cùng kỳ, giữ vị trí thứ 2; nhập khẩu dược phẩm đạt 234,36 triệu USD, tăng 5,3% so với năm trước; nhập khẩu hàng thủy sản tăng trưởng đáng kể với tổng giá trị đạt 216,19 triệu USD, tăng 20,8% so với 11 tháng của năm 2019.
Với việc Ấn Độ áp dụng nhiều biện pháp hạn chế thương mại, thay đổi quy định về xem xét nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, cùng với việc khởi xướng điều tra các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp đã gây ảnh hưởng đáng kể đến thương mại song phương.
Thương mại giữa hai nước kỳ vọng sẽ đạt 10 tỷ USD vào năm 2020.
Xuất khẩu thủy sản năm 2021 kỳ vọng tăng 10%
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhờ các hiệp định thương mại, dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2021 sẽ tăng 10%, đạt trên 9,4 tỷ USD.
Tuy nhiên, để ngành thủy sản xuất khẩu được giá trị cao, VASEP kiến nghị Chính phủ tập trung tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng phát triển bền vững hơn.
Các ngành chức năng thường xuyên hướng dẫn, tạo điều kiện cho nông dân nuôi trồng thủy sản đáp ứng các tiêu chí sản xuất sạch.
Mục tiêu xa hơn của ngành là đến năm 2030, tổng sản lượng thủy sản trong nước đạt 10 triệu tấn; trong đó, sản lượng khai thác thủy sản khoảng 25%-30%, sản lượng nuôi trồng thủy sản khoảng 70%-75%; giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 18-20 tỷ USD.
Dệt may giải tỏa mối lo khi vào EU
Nỗi lo về quy tắc xuất xứ từ vải khi sản xuất hàng xuất khẩu sang EU đã phần nào được giải tỏa khi Hàn Quốc và Việt Nam vừa ký kết triển khai điều khoản cộng gộp xuất xứ nguyên liệu dệt may giữa hai nước trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Với thỏa thuận này, hàng dệt may từ Việt Nam vào EU có thể đạt tỷ lệ đáp ứng quy tắc xuất xứ tới 50%, tận dụng được ưu đãi thuế quan của EVFTA để nâng cao sức cạnh tranh.
Theo EVFTA, bên cạnh việc đáp ứng tiêu chí khắt khe về chất lượng, để được cắt giảm thuế quan, doanh nghiệp dệt may phải đảm bảo yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ chặt chẽ.
Trong đó, quy tắc xuất xứ “từ vải trở đi” của EVFTA yêu cầu vải nguyên liệu được dùng để may quần áo phải được dệt tại Việt Nam, hoặc các nước thành viên EU, hoặc các nước đã có hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU (Hàn Quốc, Nhật Bản). Điều khiến ngành dệt lo lắng nhất là quy tắc xuất xứ từ vải, bởi hiện tại, nguồn sản xuất vải gần như vẫn tắc nghẽn tại Việt Nam vì nhiều lý do.
Do đó, thỏa thuận đạt được với Hàn Quốc về sử dụng vải nhập khẩu từ quốc gia này có ý nghĩa quan trọng, giúp doanh nghiệp Việt Nam tận dụng nguồn nguyên liệu dệt may từ Hàn Quốc để sản xuất và hưởng ưu đãi thuế, do Hàn Quốc đã ký FTA với EU.
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đánh giá, với thỏa thuận giữa Việt Nam và Hàn Quốc về triển khai điều khoản cộng gộp xuất xứ nguyên liệu vải giữa 2 nước trong Hiệp định EVFTA, hàng may từ Việt Nam vào EU có tỷ lệ đáp ứng quy tắc xuất xứ tới 50% nhờ được cộng gộp cả lượng vải nhập từ Hàn Quốc.
Điều này hết sức thuận lợi cho ngành để được hưởng ưu đãi thuế quan xuất khẩu vào EU. Do đó, các doanh nghiệp dệt may trong nước sẽ cân nhắc sử dụng nhiều hơn vải từ Hàn Quốc để thực hiện các đơn hàng xuất sang EU, đáp ứng quy tắc xuất xứ từ vải.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam khuyến nghị, tiếp sau Hàn Quốc, Việt Nam tiếp tục triển khai đàm phán với Nhật Bản để doanh nghiệp sử dụng vải Nhật Bản được cộng gộp xuất xứ và hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA.
| Tin bất động sản ngày 25/12: TP. Thủ Đức ‘thổi lửa’ địa ốc khu Đông; nhà giá rẻ ở TP. HCM ‘biến mất’; 5 điều cần biết khi mua nhà tái định cư TGVN. Địa ốc khu Đông TP. HCM sẽ trở nên sôi động với việc thành lập TP. Thủ Đức, những điều cần biết khi mua ... |
| Xuất khẩu ngày 19-21/12: Hàng dệt may 'phăng phăng' vào EU, lần đầu tiên có nhóm hàng xuất nhập khẩu cán mốc 60 tỷ USD TGVN. Lần đầu tiên có nhóm hàng xuất nhập khẩu cán mốc 60 tỷ USD, dệt may 'phăng phăng' vào EU nhờ cộng gộp xuất ... |
| Xuất khẩu ngày 15-18/12: Xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 16%; hạn ngạch gạo vào EAEU; ra mắt cẩm nang bán hàng vào hệ thống phân phối nước ngoài TGVN. Ra mắt cẩm nang dành cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng vào hệ thống phân phối nước ngoài, thúc đẩy giao thương ... |